Sáp nhập Khánh Hòa - Ninh Thuận: Thành trung tâm kinh tế biển và năng lượng tái tạo
Tỉnh Khánh Hòa mới sẽ có lợi thế vượt trội về vị trí và hạ tầng liên vùng, với hệ thống giao thông quốc gia và quốc tế, tạo điều kiện để trở thành trung tâm kinh tế biển và năng lượng tái tạo trọng điểm quốc gia.
Đề án sáp nhập tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đang được UBND tỉnh Khánh Hòa trình Chính phủ xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định. Theo đề án, tỉnh mới sau sáp nhập sẽ mang tên Khánh Hòa, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa hiện nay).
Sau khi hợp nhất, tỉnh Khánh Hòa mới có diện tích hơn 8.555km2, dân số hơn 2,2 người, gồm 65 đơn vị hành chính trực thuộc (48 xã, 16 phường và 1 đặc khu).
Khánh Hòa và Ninh Thuận đều thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí liền kề, điều kiện tự nhiên và cơ cấu kinh tế tương đồng. Việc sáp nhập hai tỉnh sẽ tạo ra không gian phát triển liên thông, đồng bộ về hạ tầng giao thông, logistics, đô thị, công nghiệp – năng lượng – du lịch. Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh cần hình thành các vùng động lực, cực tăng trưởng mới theo tinh thần Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Hai địa phương đã có nền tảng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như du lịch, năng lượng, thủy lợi, kết nối hạ tầng và giao lưu văn hóa. Cả hai tỉnh kết nối với nhau qua Quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Bắc – Nam và hệ thống giao thông liên vùng ở cả phía Đông và phía Tây, tạo nên thế liên kết vùng mạnh mẽ, phát triển kinh tế theo không gian đa chiều.
Với đường bờ biển dài, vị trí chiến lược trên trục giao thông ven biển, hai tỉnh đều giữ vai trò trọng yếu về quốc phòng – an ninh. Việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ tăng cường khả năng kiểm soát không gian biển, đảo, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia và chủ quyền lãnh thổ trong tình hình mới.
Đề án nhấn mạnh rằng việc sáp nhập là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương trong kỷ nguyên mới của đất nước, phù hợp với xu thế chung. Đây cũng là cơ sở quan trọng để triển khai các định hướng phát triển dài hạn và nâng cao hiệu quả điều hành.
Trên bình diện tổng thể, tỉnh mới sau sáp nhập sẽ có quy mô dân số và diện tích lớn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoạch định chính sách, tối ưu hóa nguồn lực và thu hút đầu tư. Tổng sản phẩm kinh tế tăng lên sẽ giúp mở rộng quy mô kinh tế và nâng cao hiệu quả đầu tư, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh, tinh gọn thủ tục hành chính, tăng cường thu hút vốn trong và ngoài nước.
Việc sáp nhập cũng sẽ tạo điều kiện đồng bộ hóa quy hoạch không gian phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở các hành lang phát triển chiến lược và hệ thống cảng biển. Không gian phát triển mở rộng cho phép chuyển dịch cơ cấu lao động sang các ngành có giá trị gia tăng cao. Địa phương sẽ chú trọng phát triển đào tạo nghề, nhất là cho lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số, qua đó nâng cao chất lượng nhân lực và giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Về mặt tổ chức, sáp nhập cho phép tinh giản bộ máy hành chính, tiết kiệm chi thường xuyên và tái phân bổ ngân sách cho các lĩnh vực trọng yếu như hạ tầng, chuyển đổi số và an sinh xã hội. Các trụ sở làm việc không còn sử dụng sẽ được chuyển đổi công năng hoặc đưa vào đấu giá, tăng nguồn thu ngân sách.
Khánh Hòa có thế mạnh về du lịch, cảng biển, công nghiệp và logistics; trong khi Ninh Thuận nổi bật với tiềm năng năng lượng tái tạo và nông nghiệp đặc thù. Việc hợp nhất hai tỉnh sẽ tạo thành vùng kinh tế động lực mới, phát triển cân bằng giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Tỉnh mới sẽ có lợi thế vượt trội về vị trí và hạ tầng liên vùng, với hệ thống giao thông kết nối quốc gia và quốc tế, qua đó tạo điều kiện để trở thành trung tâm kinh tế biển và năng lượng tái tạo trọng điểm của cả nước.
Trong đề án, Khánh Hòa kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ cho phép tỉnh sau sáp nhập tiếp tục giữ nguyên mục tiêu xây dựng và phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Đồng thời, đề xuất duy trì các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Trung ương ban hành áp dụng cho tỉnh sau khi sáp nhập…