Sáp nhập Kido Group, Dầu thực vật Tường An chia cổ tức đặc biệt 7.500 đồng/CP

Việc chi cổ tức đặc biệt sẽ thực hiện trước việc sáp nhập Dầu thực vật Tường An (TAC) vào Kido Group (KDC)

Lợi nhuận sau thuế đạt 136 tỷ đồng, chi cổ tức 'mạnh' với tỷ lệ 75% bằng tiền mặt

CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 với một số thông tin đáng chú ý, bao gồm kế hoạch sáp nhập với Kido Group (KDC) và cổ tức đặc biệt tỷ lệ 75%.

Chi tiết, HĐQT dự xin chủ trương về việc sáp nhập TAC vào KDC. Cùng với đó, HĐQT cũng trình kế hoạch chi cổ tức đặc biệt với tỷ lệ 75% bằng tiền mặt (tương ứng 7.500 đồng/cp). Việc chi cổ tức đặc biệt sẽ thực hiện trước việc sáp nhập TAC vào KDC. Đại hội sẽ ủy quyền cho HĐQT quyết định thời gian chốt ngày chia cổ tức và thời gian chi cổ tức đặc biệt.

Về kinh doanh, năm 2019, TAC ghi nhận hơn 136 tỷ LNST, theo đó Công ty dự chia cổ tức 20% bằng tiền mặt (tổng chi gần 68 tỷ đồng). Ngày thực hiện nhằm ngày 29/6/2020. Song song, Công ty cũng xin ý kiến duyệt khen thưởng cho HĐQT, ban Tổng Giám đốc với số tiền thưởng 1,4 đồng (1% trên số tiền LNST) do trong năm 2019 Công ty đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch LNTT.

Năm 2020, Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.558 tỷ, LNST tương ứng đạt 193 tỷ đồng, tăng hơn 13%. HĐQT cũng trình phương án cổ tức 2020 với tỷ lệ 20%.

Trước đó, Kido Foods (KDF) cũng công bố kế hoạch sáp nhập vào KDC. KDC tương ứng sẽ phát hành thêm 23 triệu cổ phần để hoán đổi hơn 17,76 triệu cổ phần phổ thông của Kido Foods, tỷ lệ hoán đổi 1:1,3 (1 cổ phiếu KDF đổi lấy được 1,3 cổ phiếu KDC).

Đồng thời, HĐQT cũng lên kế hoạch chia cổ tức đặc biệt năm 2020 dự kiến là 30% mệnh giá cổ phần, tương đương 3.000 đồng/cp. Việc chi trả cổ tức đặc biệt năm 2020 sẽ được thực hiện cùng lúc với việc hoán đổi cổ phiếu KDF để sáp nhập vào KDC.

Kido kinh doanh chưa hiệu quả ở lĩnh vực mới, dự kiến tập trung mũi nhọn vào ngành hàng lạnh và ngành dầu ăn

Sau 2 thập niên phát triển lĩnh vực bánh kẹo, xác định ngành này đã đi vào giai đoạn bão hòa, mức độ tăng trưởng không còn như kỳ vọng, năm 2014, ban lãnh đạo Tập đoàn Kido ( HoSE: KDC ) quyết định chuyển nhượng mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez International để phát triển lĩnh vực kinh doanh mới với quy mô và không gian thị trường rộng lớn hơn là thực phẩm thiết yếu (FMCG).

Với nguồn tiền lớn đến từ thoái vốn mảng bánh kẹo, Kido bắt đầu tập trung vào ngành kem, sữa chua qua công ty con – Công ty TNHH Kido (sau này đổi tên thành Công ty Thực phẩm Đông lạnh Kido – Kido Foods - KDF ) và sản phẩm mì gói Đại Gia Đình.

Tuy nhiên, qua 5 năm lĩnh vực kinh doanh chính của Kido vẫn chưa thể đạt được mức lợi nhuận mà mảng bánh kẹo đem lại và các kế hoạch kinh doanh liên tục không hoàn thành.

Sáp nhập Kido Group, Dầu thực vật Tường An chia cổ tức đặc biệt 7.500 đồng/CP - Ảnh 1

Trong giai đoạn 2015-2017, cứu cánh cho lợi nhuận của tập đoàn chính là hoạt động tài chính, nguồn thu từ lãi tiền gửi và mua, bán công ty con (bán mảng bánh kẹo ghi nhận 2 năm 2015 và 2016).

Sang năm 2018 và 2019, doanh thu hoạt động tài chính giảm khiến công ty không hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

Theo báo cáo thường niên 2019, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT cho biết 2 mũi nhọn chiến lược thời gian tới là ngành hàng lạnh và ngành dầu ăn.

Với ngành hàng lạnh, Kido tập trung phát triển ngành hàng kem. Theo số liệu nghiên cứu Euromonitor 2019, đơn vị tiếp tục dẫn đầu thị phần kem với 41,4%. Tập đoàn cho biết không dừng ở cung cấp các sản phẩm kem tại Việt Nam mà còn hướng đến thâm nhập thị trường các nước Đông Nam Á và châu Á.

Trong khi đó, doanh nghiệp tạm hoãn kế hoạch mở rộng quy mô ngành thực phẩm đông lạnh và chấp nhận một khoản chi phí duy trì để dự phòng cho kế hoạch phát triển trong tương lai. Mới đây, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Dabaco Việt Nam (DBC) cho biết việc bắt tay không như kỳ vọng trong thương vụ M&A hơn 3 năm trước khiến Dabaco phải tính đến phương án mua lại số cổ phần Dabaco Foods đang nằm trong tay Tập đoàn Kido.

Với ngành dầu ăn, tập đoàn phát triển cả bán lẻ, dầu ăn thương mại, công nghiệp và xuất khẩu. Trong đó, Tường An là doanh nghiệp đứng thứ 2 về thị phần dầu ăn (bán lẻ), Kido Nhà Bè là công ty dầu ăn thương mại, công nghiệp lớn thứ 3 với nền tảng về khách hàng công nghiệp, Vocarimex cũng là doanh nghiệp dầu ăn thương mại lớn tại Việt Nam với nền tảng về nhập khẩu, lưu trữ và phân phối.

Ngoài ra, Kido còn phát triển sản phẩm thương mại là mì snack, năm 2019 tung ra thăm dò phản ứng thị trường và năm nay sẽ đẩy mạnh.

 

Theo Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

 

 

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/sap-nhap-kido-group-dau-thuc-vat-tuong-an-chia-co-tuc-dac-biet-7500-dong-cp-d76549.html

 

Tin liên quan