‘Sát sườn’ siêu sân bay Long Thành sắp triển dự án công nghệ tiềm năng, hướng tới mục tiêu đột phá của địa phương
Với mục tiêu quy hoạch vùng phụ cận sân bay Long Thành là động lực mới phát triển của địa phương, tỉnh Đồng Nai đang lên kế hoạch triển khai dự án khu công nghệ thông tin tại huyện Long Thành.
Theo Báo Đồng Nai, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức vừa thống nhất đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông về vị trí của dự án Khu công nghệ thông tin tập trung. Theo đó, dự án sẽ được triển khai trên địa bàn 2 xã Long Đức và An Phước của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là khu vực phục cận của sân bay quốc tế Long Thành lớn nhất Việt Nam.
Khu công nghệ thông tin tập trung có diện tích khoảng 100ha. Đất từ dự án được tách ra đấu giá từ khu đất hơn 36ha tại xã Long Đức, khu đất 186ha tại xã Long Đức và xã An Phước. Với phần diện tích còn lại của các khu đất cũng sẽ được thực hiện đấu giá để phát triển nhà ở kết hợp với thương mại dịch vụ theo kế hoạch.
UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xem xét, báo cáo phương án đấu giá của các khu đất trên hướng tới triển khai Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Để đáp ứng nhu cầu của sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động, tỉnh Đồng Nai đã và đang quy hoạch và kêu gọi đầu tư nhiều dự án vùng phụ cận. Hướng tới mục tiêu quy hoạch vùng phụ cận sân bay Long Thành là vùng động lực mới cho phát triển đột phá.
Theo quy hoạch chung đô thị Long Thành, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045, đô thị Long Thành sẽ được khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đặc trưng và lợi thế của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia và vùng trên địa bàn để phát triển không gian đô thị, khu chức năng phù hợp nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất.
Đặc biệt, đô thị Long Thành phát triển gắn kết với sân bay Long Thành, trở thành khu vực cửa ngõ của quốc gia đối với quốc tế. Đây cũng sẽ là trung tâm dịch vụ hậy cần hỗ trợ sân bay Long Thành; trung tâm logistics, kho vận, công nghiệp đa ngành, công nghiệp, công nghệ cao của vùng Đông Nam Bộ.