Sau 2 năm tăng trưởng âm, DN thép sáng cửa phục hồi
Sau 2 năm tăng trưởng âm về sản lượng tiêu thụ so với cùng kỳ, các doanh nghiệp thép Việt Nam nhìn chung đã có một năm 2024 hồi phục so với cùng kỳ.
'Bên lở, bên bồi' lợi nhuận
Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 với doanh thu đạt 35.232 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 2.810 tỷ đồng, giảm 5%. Giải trình về việc lợi nhuận giảm, HPG cho biết là do sản lượng thép thô tiêu thụ giảm, giá bán giảm.
Lũy kế cả năm 2024, doanh thu của tập đoàn đạt 140.560 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận sau thuế đạt 12.020 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2023 và vượt 20% kế hoạch năm.
Thép Nam Kim (HoSE: NKG) cũng ghi nhận sự phục hồi về kết quả kinh doanh trong năm 2024 khi doanh thu thuần quý IV/2024 đạt 4.469 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái do công ty đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Nhờ giá vốn giảm nhẹ còn 4.168 tỷ đồng giúp lợi nhuận gộp của công ty tăng 10,1%, đạt 301 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện từ 6,1% lên 6,7%.
Luỹ kế cả năm 2024, doanh thu thuần của NKG đạt 20.609 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Dù lợi nhuận quý cuối năm giảm, nhưng lợi nhuận sau thuế cả năm của NKG vẫn tăng mạnh 286%, đạt 453 tỷ đồng.
Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) cũng ghi nhận 39.272 tỷ đồng doanh thu thuần trong niên độ tài chính 2023 - 2024 (niên độ tài chính của HSG bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau), tăng 24% so với niên độ trước; lợi nhuận sau thuế đạt 510 tỷ đồng, gấp 17 lần. Theo nhận định của giới phân tích, HSG sẽ cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh với dự báo lợi nhuận tăng 37% lên 700 tỷ đồng trong năm 2025, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp ổn định và sự phục hồi của thị trường nội địa
Trong khi các doanh nghiệp trong ngành đa phần đều đạt kết quả kinh doanh khả quan thì ở chiều ngược lại, sau nhiều năm hoạt động kinh doanh đi xuống, CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi ghi nhận lỗ 322,8 tỷ đồng trong quý IV, luỹ kế năm 2024 ghi nhận lỗ 597,7 tỷ đồng và xoá toàn bộ lãi luỹ kế tích luỹ nhiều năm.
Trong quý IV/2024, TLH ghi nhận doanh thu đạt 1.777,1 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 316,69 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 12,54 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý, Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm 209 tỷ đồng.
Trong quý cuối năm 2024, bên cạnh kinh doanh dưới giá vốn, TLH còn chịu áp lực chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao và đặc biệt hơn là hoạt động kinh doanh của công ty liên doanh, liên kết tiếp tục thua lỗ, đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc tiếp tục lỗ trong quý cuối năm. Cụ thể, chi phí tài chính của TLH trong quý IV/2024 tăng 42,5%, tương ứng tăng thêm 14,41 tỷ đồng lên 48,33 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết ghi nhận lỗ 32,46 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1,03 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 45,4%, tương ứng tăng thêm 10,94 tỷ đồng lên 35,06 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Luỹ kế trong năm 2024, TLH ghi nhận doanh thu đạt 6.305,06 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 585,94 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 3,96 tỷ đồng, tức giảm 589,9 tỷ đồng.
Như vậy, với việc lỗ kỷ lục 585,94 tỷ đồng trong năm 2024, tính tới 31/12/2024, Thép Tiến Lên chính thức xoá toàn bộ lãi luỹ kế đầu năm là 560,7 tỷ đồng sang lỗ luỹ kế tới 22,7 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2024.
Kỳ vọng sức mua nội địa
Năm 2025, một số đơn vị phân tích tiếp tục đặt kỳ vọng vào sự hồi phục của ngành thép. Trong báo cáo chiến lược năm 2025 phát hành mới đây, Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng sự gia tăng nguồn cung nhà ở và đầu tư công sẽ là yếu tố chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng sản lượng thép trong năm nay; khi các vướng mắc pháp lý trên thị trường bất động sản được tháo gỡ bởi các luật mới liên quan và một số dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ xây dựng như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành... MBS dự báo tổng sản lượng thép trong năm 2024 đạt 19,8 triệu tấn (tăng 21% so với cùng kỳ) và sẽ đạt 21,8 triệu tấn (tăng 10%) trong năm 2025.
Chứng khoán VPBank (VPBankS) cũng dự báo thép là ngành có tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất năm 2025, khi giá thép đã giao dịch trong vùng đáy và sản lượng tiêu thụ sẽ được hỗ trợ tại thị trường nội địa. Lợi nhuận toàn ngành được dự báo tăng 44,1% so với cùng kỳ.
Nhận định chung về ngành thép năm 2024, Công ty chứng khoán SSI đánh giá nhu cầu thép xây dựng của các thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tăng khoảng 12% so với cùng kỳ đạt 10,9 triệu tấn trong 11 tháng năm 2024, trong khi nhu cầu thép mạ kẽm tăng với tốc độ cao hơn, đạt 5,05 triệu tấn (tăng 32,8% so với cùng kỳ), nhờ kênh xuất khẩu tăng vọt 43% so với cùng kỳ. Mảng thép ống khá ổn định ở các công ty với mức tăng trung bình là 4,8%. Trong khi đó, sản lượng HRC duy trì ổn định, khi doanh số nội địa phục hồi 28% đã bù đắp cho mức giảm 31% trong kênh xuất khẩu.
Sang năm 2025, SSI dự kiến nhu cầu thép nội địa sẽ tăng 10%, khi thị trường bất động sản đã có sự phục hồi mạnh trong năm 2024 (số lượng căn mở bán mới đã tăng gấp đôi so với năm 2023). Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối của nhiệm kỳ 2021-2025 cũng sẽ giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép. Các dự án hạ tầng lớn trong dài hạn bao gồm các tuyến cao tốc (cả Bắc Nam, và cả Đông-Tây để kết nối tốt hơn), các sân bay và cảng biển (như Cần Giờ ở TP. HCM và cảng Nam Đồ Sơn ở Hải Phòng) và đường sắt. Theo đó, các công ty thép nhìn chung sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2025.
Công ty Chứng khoán FPTS cũng đánh giá kết quả kinh doanh của nhóm các doanh nghiệp gồm: HPG, HSG, GDA, SMC, TIS, TLH, NKG và VGS sẽ tăng trưởng tích cực. Theo đó, tổng doanh thu thuần của nhóm doanh nghiệp này trong năm 2025 được dự phóng ở mức 301.400 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2024. Sản lượng bán hàng toàn ngành dự báo hồi phục 8,1% và giá bán nội địa trung bình cả năm tăng dao động từ 5,5% đến 8,5% tùy mặt hàng.
Tổng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của nhóm doanh nghiệp năm 2025 dự phóng ở mức 19.200 tỷ đồng, tăng 43,1% so với năm 2024. Mức dự phóng dựa trên luận điểm biên lợi nhuận gộp trung bình của nhóm doanh nghiệp năm 2025 đạt 14,1%.