Sau 5 năm tái cơ cấu, ngân hàng Sacombank đã xử lý trên 76.000 tỷ đồng nợ xấu

Sau 5 năm tập trung tái cơ cấu, ngân hàng Sacombank đã thu hồi và xử lý được hơn 76.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng. Đặc biệt, lãi sau thuế 9 tháng đầu năm 2022 đã hoàn thành 84,1% kế hoạch năm.

Tại tọa đàm: "Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 8/10, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm TGĐ Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, nợ xấu của ngân hàng Sacombank là 96.000 tỷ, sau 5 năm đã xử lý được trên 76.000 tỷ đồng.

Bà Diễm thông tin thêm, nếu như vẫn với đà này, giữa năm 2023 Sacombank có thể sẽ tuyên bố tái cơ cấu thành công. 

Ở một diễn biến có liên quan, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank, ông Dương Công Minh cho biết lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng đạt 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch, trong đó tỷ trọng thu ngoài lãi là 39,4%. 

Tính riêng quý 3, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết quý 3/2022, tổng tài sản của Sacombank đạt gần 564.200 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm; tổng huy động đạt 502.535 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt hơn 421.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu là 0,86%.

Về hoạt động của ngân hàng Sacombank trong thời gian qua, ông Dương Công Minh cho biết đến nay, Sacombank là một ngân hàng thực hiện tái cơ cấu hiệu quả theo chủ trương của Chính phủ. Đề án cho phép Sacombank tái cơ cấu trong 10 năm nhưng chỉ sau 5 năm, khoảng cách đến vạch đích đã không còn xa nữa.

Sau 5 năm tái cơ cấu, ngân hàng Sacombank đã xử lý trên 76.000 tỷ đồng nợ xấu - Ảnh 1
Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh. (Ảnh: Sacombank).

Theo tìm hiểu, trong năm 2021, mặc dù đối mặt với bối cảnh vĩ mô nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song công tác thu hồi, xử lý nợ xấu tại Sacombank được đẩy mạnh, gần 14.100 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng (trong đó thuộc Đề án gần 11.800 tỷ đồng) được thu hồi, xử lý trong năm.

Nếu tính cả những khoản nợ đã bán tài sản để xử lý khoản vay thành công và đang thu theo tiến độ, thì tổng doanh số thu hồi và xử lý nợ trong năm 2021 đạt hơn 22.100 tỷ đồng, một con số ấn tượng và vượt xa so với con số kế hoạch 10.000 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm.

Nhờ đó, tài sản tồn đọng tiếp tục giảm thêm gần 20% so với năm trước và tỉ lệ nợ xấu hợp nhất được kéo giảm về 1,47%.

Như vậy, năm 2017 đến năm 2021, ngân hàng Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 68% kế hoạch tổng thể, tỉ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 6,81% xuống còn 1,47 %.

Nhờ thực hiện tái cơ cấu thành công, được các cơ quan chức năng ghi nhận nên tháng 9/2022 vừa qua, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng và Sacombank chính là ngân hàng có tỷ lệ room được điều chỉnh cao nhất với 4%.

Sau 5 năm tái cơ cấu, ngân hàng Sacombank đã xử lý trên 76.000 tỷ đồng nợ xấu - Ảnh 2

Những thông tin tích cực trên được Sacombank thông tin trong bối cảnh nhiều khách hàng nhầm lẫn giữa Ngân hàng SCB với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Theo đó, những ngày qua, trước hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), NHNN đã khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng này hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung. Tuy nhiên, có không ít người nhầm lẫn giữa Ngân hàng SCB với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Thực tế, đây là hai ngân hàng hoàn toàn khác nhau và không có liên quan gì tới nhau. Hiện Chủ tịch HĐQT của Sacombank là ông Dương Công Minh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Tổng Giám đốc là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm.

Sau 5 năm tái cơ cấu, ngân hàng Sacombank đã xử lý trên 76.000 tỷ đồng nợ xấu - Ảnh 3

Xung quanh vấn đề này, Báo Điện tử Chính phủ đã phỏng vấn ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) để làm rõ hơn các thông tin giúp người dân không bị nhầm lẫn, gây ra những phiền toái không đáng có.

Theo đó, ông Dương Công Minh khẳng định: Nhiều người không có đủ thông tin hoặc bị nhầm lẫn giữa Sacombank và SCB, vì thế có người đến Sacombank rút tiền mặc dù chúng tôi không có liên quan gì đến Ngân hàng SCB, vì đây là hai ngân hàng hoàn toàn khác nhau.

Tôi xin nói lại Sacombank tên đầy đủ là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín, mã chứng khoán là STB. Còn ngân hàng SCB có tên đầy đủ là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn, mã chứng khoán là SCB.

 

Hoàng Long (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ