Sau cuộc 'nhảy vọt' của giá vàng, thông điệp đáng sợ được gửi gắm là gì?

Giá vàng trong nước và quốc tế đều đạt đỉnh cao nhất trong gần một thập niên trở lại đây. 6 tháng qua, giá vàng thế giới đã tăng thêm khoảng 30%, mức nắm giữ tại các quỹ giao dịch trao đổi tăng kỷ lục

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 là nguyên nhân hàng đầu làm tăng giá vàng

Giá vàng trong nước và quốc tế đều đạt đỉnh cao nhất trong gần một thập niên trở lại đây. Sáu tháng qua, giá vàng thế giới đã tăng thêm khoảng 30% giá trị, mức nắm giữ tại các quỹ giao dịch trao đổi cũng tăng kỷ lục, với biên độ tăng và giảm đều mạnh, đã có thời điểm giảm từ 1.980 USD xuống dưới 1.910 USD chỉ trong một phiên. Tuy nhiên, mốc 2.000 USD vẫn là ngưỡng quan trọng mà vàng không dễ chinh phục, dù đã tăng mạnh tám tuần gần nhất.

Sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 là nguyên nhân hàng đầu làm tăng giá vàng trong năm 2020. Dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực lâu dài trực tiếp và mạnh mẽ đến toàn bộ các nền kinh tế. Các biện pháp phong tỏa, cách ly và giãn cách xã hội để chống dịch dù ngắn hay dài, ở phạm vi quốc gia hay quốc tế đều làm tăng sự đứt gẫy các chuỗi cung ứng, làm thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, giảm sút động lực tăng trưởng, nguồn thu NSNN, tiền lương…

Dịch Covid-19 còn làm giảm tổng cầu thị trường dầu mỏ thế giới, làm tăng nạn thất nghiệp và đổ vỡ các hợp đồng kinh tế; thu hẹp hoặc làm mất đi cơ hội kinh doanh vi mô và vĩ mô, tăng rủi ro cho cổ phiếu và trái phiếu của cả các doanh nghiệp to, nhỏ ở cả nước phát triển hay nước đang phát triển, không phân biệt thể chế chính trị và mô hình kinh doanh;

Đặc biệt, các biện pháp chống đỡ dịch Covid-19 cũng làm gia tăng xu hướng nới lỏng tài chính-tiền tệ thông qua sự bùng nổ các gói hỗ trợ tài chính lên tới hàng nghìn tỷ USD và cắt giảm lãi suất tiền tệ… Nếu đạt hiệu quả, các gói hỗ trợ này sẽ giúp tăng sức chống chịu của nền kinh tế, tăng niềm tin của xã hội vào triển vọng cơ hội đầu tư và duy trì tăng trưởng kinh tế, kiểm soát thất nghiệp…, từ đó giảm bớt sức hấp dẫn và dòng tiền trú ẩn vào vàng; Nhưng ngược lại, chúng cũng sẽ kéo theo nguy cơ giảm giá các đồng tiền và gia tăng sức ép nợ công và lạm phát trên cả phạm vi quốc gia và toàn cầu….

Tất cả điều đó tạo cộng hưởng động lực biến vàng thành công cụ lựa chọn bảo toàn giá trị được tin cậy và ưa chuộng nhất hiện nay, cho cả người dân và nhà nước.

Thực tế thế giới còn cho thấy, bán khống vàng cũng là nguyên nhân đẩy giá lên cao. Từ đầu tháng 6/2020, khi vàng vượt qua mốc 1.750 USD/ounce, thì các quỹ đầu tư bán khống vàng cũng ở mức độ khá cao, tới trên 10% tổng khối lượng giao dịch và vượt qua mốc 15% vào đầu tháng 7/2020. Những người đặt cược vào vàng giảm giá đã bị thua đậm và phải đóng vị thế, góp phần làm tăng lực mua vàng. Theo số liệu của Lippers, trong tháng 6/2020, có hơn 130 tỷ USD đã rời khỏi quỹ thị trường tiền tệ và bắt đầu mua tài sản có rủi ro. Nhưng đa số các quỹ này vẫn đang tập trung vào trái phiếu và mua vàng để đa dạng hóa danh mục (quỹ ETF về vàng đã ghi nhận tuần giao dịch tăng thứ 18 liên tiếp, là chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2006).

Từ giữa tháng 7/2020, USD mất giá so với nhiều đồng tiền chính như Euro và Bảng Anh. Và thường khi USD mất giá, vàng sẽ lên giá. Các quỹ này, vì vậy, sẽ nương theo chiều hướng yếu đi của USD mà hưởng lợi từ vàng.

Về triển vọng ngắn hạn, thị trường vàng khó có động lực giảm giá mạnh trước khi mẻ vaccine chống Covid-19 đầu tiên chính thức được tung ra thị trường vào khoảng đầu quý IV/2020. Thậm chí, ngày 19/6, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã dự báo mục tiêu giá vàng 12 tháng tới là 2.000 USD/ounce. Cuộc khảo sát về giá vàng tuần từ 3-9/8 của Kitco News cho thấy 59% chuyên gia và 66% nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vàng sẽ có tuần tăng thứ chín liên tiếp và vượt mốc 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, kỳ vọng giá tăng đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng qua, so với mức cao kỷ lục vào đầu tháng Bảy.

Gióng lên hồi chuông cảnh báo về thời kỳ suy thoái đi kèm lạm phát đang diễn ra

Diễn biến hiện tại của giá vàng khiến nhà đầu tư có thể quên đi việc vào thời điểm đại dịch Covid-19 mới bắt đầu, giá vàng từng có lúc “rơi tự do”. Vậy tại sao hiện tại diễn biến lại trái ngược?

Theo giới chuyên gia, đà tăng của giá vàng đã truyền đạt thông điệp rõ ràng, mối lo lắng về tình hình kinh tế ngày càng sâu đậm.

Ðối với giới đầu tư, có nhiều yếu tố khiến việc tìm tới các tài sản an toàn có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết, trong đó phải kể tới việc có khả năng nhiều quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa mới đề ngăn chặn làn sóng nhiễm bệnh thứ hai; lượng tiền chi phí thấp ồ ạt chảy ra thị trường thông qua các gói hỗ trợ đại dịch và có thể sẽ tiếp tục gia tăng; USD đột ngột giảm giá so với euro và yên; xung đột Mỹ - Trung trở nên căng thẳng với hàng loạt động thái “ăn miếng trả miếng”…

Tất cả những yếu tố trên xảy ra đồng thời làm gióng lên cảnh báo về thời kỳ suy thoái đi kèm lạm phát - sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, giá cả tăng và tình trạng lạm phát diễn ra. Ðây là thời kỳ khó khăn của nền kinh tế mà mỗi quốc gia đều “ngao ngán” khi nhắc đến.

“Một trong những động lực chính thúc đẩy đà tăng của giá vàng gần đây chính là lãi suất duy trì ở mức rất thấp, không có dấu hiệu nào sẽ sớm thay đổi”, Edward Moya, chiến lược gia cấp cao tại Oanda Corp cho biết.

Bên cạnh đó, vàng cũng thu hút sự chú ý khi nhà đầu tư lo lắng tình trạng lạm phát đi kèm suy thoái sẽ diễn ra, khiến Fed khó lòng xoay sở.

Ðây không phải lần đầu tiên giá vàng leo dốc chóng mặt nhờ sự “hỗ trợ” của các gói nới lỏng từ ngân hàng trung ương.

Trong thời gian từ tháng 12/2008 tới tháng 6/2011, Fed đã mua khoảng 2.300 tỷ USD các tài sản nợ, giữ lãi suất ở mức gần 0 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cùng giai đoạn này, giá vàng liên tiếp leo dốc, đạt đỉnh 1.921,17 USD/ounce vào tháng 12/2011.

 

Theo Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

 

 

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/sau-cuoc-nhay-vot-cua-gia-vang-thong-diep-dang-so-duoc-gui-gam-la-gi-d80394.html

Tin liên quan