Sau khi bộ ba luật mới có hiệu lực, người dân bị mất sổ đỏ cần làm gì để được cấp lại?

Mất sổ đỏ là tình huống mà nhiều người dân gặp phải. Để quá trình đề nghị cấp lại sổ đỏ diễn ra thuận lợi, người dân cần nắm rõ các quy định mới về trình tự, thủ tục.

Theo Khoản 21, Điều 3 Luật Đất đai năm 2024, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thường gọi là sổ đỏ) là chứng thư pháp lý xác nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người có quyền hợp pháp. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận bao gồm nhà ở và các công trình xây dựng khác, theo quy định của pháp luật.

Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, được cấp theo quy định của các luật liên quan, có giá trị pháp lý tương đương với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo Luật Đất đai.

Sau khi bộ ba luật mới có hiệu lực, người dân bị mất sổ đỏ cần làm gì để được cấp lại? - Ảnh 1

Nghị định 101 của Chính phủ quy định rõ trình tự, thủ tục cấp lại sổ đỏ trong trường hợp bị mất, áp dụng từ ngày 1/8. Cụ thể, thủ tục gồm các bước sau:

Đầu tiên, nộp hồ sơ cấp lại sổ đỏ bị mất:

- Người sử dụng đất hoặc chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất cần nộp Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11 ban hành kèm theo Nghị định 101 đến một trong các cơ quan tiếp nhận hồ sơ sau:

Bộ phận một cửa của UBND cấp tỉnh, huyện, xã theo quy định về tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Nếu hồ sơ nộp tại bộ phận một cửa, hồ sơ sẽ được chuyển đến Văn phòng đăng ký đất đai.

Tiếp theo, xử lý hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất đai:

- Kiểm tra thông tin về sổ đỏ đã cấp mà người sử dụng đất khai báo bị mất trong hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai.

- Nếu phát hiện thửa đất hoặc tài sản gắn liền với đất đã được chuyển quyền sử dụng hoặc đang thế chấp, Văn phòng sẽ thông báo và trả lại hồ sơ.

- Nếu không thuộc trường hợp trên, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thông báo đến UBND cấp xã, đồng thời đăng tin 3 lần trên phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương trong 15 ngày về việc mất sổ đỏ, chi phí do người sử dụng đất chi trả.

- Sau khi UBND cấp xã thực hiện niêm yết công khai và lập biên bản niêm yết, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ hủy sổ đỏ cũ, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng.

Cuối cùng, thực hiện công khai tại UBND cấp xã:

- UBND cấp xã sẽ niêm yết công khai việc mất sổ đỏ tại trụ sở và điểm dân cư nơi có đất trong 15 ngày, đồng thời tiếp nhận phản ánh trong thời gian niêm yết.

- Sau thời hạn niêm yết, trong vòng 5 ngày, UBND cấp xã sẽ lập biên bản kết thúc niêm yết và gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai.

Trong trường hợp trang bổ sung của sổ đỏ cấp trước ngày 1/8 bị mất, người sử dụng đất cần nộp đơn đăng ký biến động đất đai và bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp. Văn phòng đăng ký đất đai sẽ kiểm tra và cập nhật thông tin trên trang bổ sung trong hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai, sau đó cấp lại Giấy chứng nhận mới.

Từ ngày 1/8/2024, ba bộ luật quan trọng gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 chính thức có hiệu lực. Những bộ luật này được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề "nút thắt" trong thị trường bất động sản Việt Nam, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người mua nhà một cách toàn diện.

Lan Ngọc

Theo Chất lượng và Cuộc sống