Sau khi xuống dưới 3%, lãi suất chờ thêm 1 đợt giảm sâu trước Tết
Lãi suất huy động giảm nhanh và liên tục. Hiện lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng đã xuống dưới 3%. Tuy nhiên, đây chưa phải mức đáy. Lãi suất huy động được dự báo có thể giảm tiếp.
Lãi suất huy động xuống dưới 3%
Lãi suất huy động giảm sâu từ nhiều tháng nay và chưa có điểm dừng. Các ngân hàng liên tục đua nhau hạ lãi suất, có ngân hàng giảm tới 3-4 lần trong một tháng.
Hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang ở mức rất thấp. Mức lãi suất phổ biến ở nhiều kỳ hạn còn thấp hơn cả thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trong giai đoạn 2020 - 2021.
Một số ngân hàng còn niêm yết lãi suất huy động dưới 3%/năm.
Đáng chú ý, Vietcombank vừa hạ lãi suất tiết kiệm thêm 0,2%/năm ở tất cả kỳ hạn, trong đó khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng chỉ được trả lãi suất 2,8%/năm và mức lãi suất niêm yết cao nhất giảm về 5,1% áp dụng cho khoản tiền gửi 12 tháng dù gửi tại quầy hay trực tuyến. Đây là lần giảm lãi suất thứ ba liên tiếp chỉ trong vòng hơn 1 tháng của ngân hàng này. Vietcombank đang có mặt bằng lãi suất tiết kiệm thấp nhất nhóm Big 4 khi kỳ hạn 3 – 5 tháng chỉ 3,1%/năm, kỳ hạn 6 – 11 tháng chỉ 4,1%/năm và kỳ hạn 12 – 24 tháng chỉ 5,1%/năm.
Tại 3 ngân hàng quốc doanh còn lại (Agribank, BIDV và VietinBank), lãi suất huy động nhỉnh hơn một chút nhưng cũng thuộc nhóm trả lãi huy động thấp nhất thị trường. Theo đó, lãi suất huy động cho kỳ hạn trên 6 tháng là 4,3%/năm, cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng là 5,3%/năm.
Các ngân hàng tư nhân gần đây cũng giảm sâu lãi suất tiết kiệm. Hiện chỉ có PVCombank và NCB duy trì lãi suất trên 6% kỳ hạn 6 tháng, còn hầu hết ngân hàng đã đưa lãi suất về dưới mức này.
Những ngân hàng có mức lãi suất huy động ở mức cao trước đây như SCB, DongABank, Saigonbank,… đã giảm lãi huy động xuống mức khá thấp. Đơn cử, tại Saigonbank, lãi huy động dưới 6 tháng còn 3,6-4%/năm, mức 6 tháng là 5,7%/năm, lãi suất cao nhất ở mức 6,3%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Tại SCB, mức lãi cao nhất cũng chỉ 5,6%/năm ở kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Tuy nhiên, lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường hiện nay thuộc nhóm ngân hàng nước ngoài như Shinhan Bank, UOB, HSBC, Standard Chartered… Ở các ngân hàng này, lãi suất huy động 1 tháng chỉ từ 1-4%/năm, 3 tháng từ 1,5-4,75%/năm, 6 tháng từ 2,5-5,5%/năm, 12 tháng từ 2,9- 6,1%/năm…
Theo thống kê của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), đến giữa tháng 10/2023, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 5,3%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn là 5,38%, còn nhóm ngân hàng thương mại khác là 5,7%.
Có một số nhà băng đang niêm yết lãi suất huy động cao nhất chỉ còn 5,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng còn khoảng 4%/năm.
Tháng 12 năm ngoái, lãi suất huy động nhảy vọt lên 11-12%/năm. Các kỳ hạn khác cũng có lãi suất tiết kiệm cao ngất ngưởng.
Vào thời điểm này năm ngoái, mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vào khoảng 8%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi suất tiết kiệm còn lên mức 9%/năm.
Như vậy, lãi suất huy động hiện nay của các ngân hàng chỉ bằng gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ bằng 1/3 so với giai đoạn đỉnh điểm.
Hiện nay, làn sóng giảm lãi suất huy động của các nhà băng vẫn chưa kết thúc bất chấp Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về để giảm dư thừa thanh khoản.
Lãi suất huy động liệu đã xuống đáy?
Lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất lịch sử. Vì thế, giới phân tích cho rằng mức giảm lãi suất huy động từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều.
Kể từ đầu tháng 10 đến nay, đã có 3 ngày thị trường không ghi nhận bất kỳ ngân hàng nào giảm lãi suất huy động. Điều này cho thấy dư địa giảm tiếp lãi suất đã thu hẹp đáng kể.
Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ còn nhiều dư địa giảm. Bởi, ước tính có khoảng nửa triệu tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất cao hồi cuối năm 2022 và đầu năm nay sắp đáo hạn. Khi các khoản tiền gửi này đáo hạn sẽ làm giảm tỷ lệ chi phí huy động vốn của hệ thống, qua đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho hay, các ngân hàng đang giảm lãi suất một cách bền vững do lãi suất huy động đang ở mức thấp, thanh khoản ngân hàng đang dồi dào.
Tổng Giám đốc OCB cho rằng xu hướng giảm lãi suất trong 2 tháng cuối năm vẫn có thể xảy ra nhưng mức độ giảm không mạnh như giai đoạn trước, bởi nhu cầu tín dụng khôi phục cuối năm do yếu tố mùa vụ. Hơn nữa, lãi suất hiện nay so với mặt bằng các năm đang ở mức khá thấp, nếu tiếp tục giảm nữa sẽ chạm vào ngưỡng lạm phát.
Theo ông Tùng, về nguyên tắc lãi suất phải thực dương, nghĩa là lãi suất huy động phải cao hơn mức lạm phát. Vì vậy, lãi suất sẽ đi ngang hoặc nếu giảm sẽ rất nhẹ.
TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng thị trường có thể sắp bước vào đợt hạ lãi suất huy động mới. Nhưng việc giảm lãi suất có thể sẽ tập trung hơn ở nhóm Big 4. Dòng vốn ngân hàng lớn này dồi dào, trong khi các ngân hàng khác vẫn sẽ giảm nhưng thận trọng hơn để giữ chân khách hàng.
Còn KBSV dự báo lãi suất huy động sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 5,45% (giảm 2,8% so với đầu năm). Trong khi lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm 0,25% trong quý IV/2023, giảm 1,75-2,25% so với đầu năm.
Dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm nhưng dòng vốn huy động tại các ngân hàng tiếp tục tăng trong 9 tháng qua.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến 30/9, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022.
Việc lãi suất tiết kiệm giảm quá nhanh, quá sâu khiến nhiều người gửi tiền ngỡ ngàng vì khoản tiền lãi chỉ còn khoảng 50% so với trước đây. Nhưng trong bối cảnh các kênh đầu tư đều khó và rủi ro cao, họ chỉ còn cách tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng mà thôi.