Sau nhiều lần 'lỡ hẹn', tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội gần 35.000 tỷ đồng sẽ chạy thương mại vào ngày 9/8
Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, trong đó, đoạn đi trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km.
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) mới đây đã đề xuất UBND TP. Hà Nội tổ chức vận hành thương mại đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.
Cụ thể, MRB đề nghị tổ chức lễ vận hành thương mại đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội vào sáng ngày 9/8.
Ông Lưu Trung Dũng - Phó Trưởng Ban MRB nhấn mạnh, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng đoạn trên cao của tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội là một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển mới trong hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô.
Để đảm bảo an toàn cho tuyến Metro khi vận hành, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã tiến hành kiểm tra hiện trường và đánh giá kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư đối với đoạn trên cao của dự án.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, các gói thầu thuộc đoạn trên cao của dự án đã được thi công đúng theo thiết kế, công tác quản lý chất lượng và nghiệm thu hoàn thành theo quy định. Hệ thống vận hành thử nghiệm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và hợp đồng dự án, các thủ tục về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, kết luận rằng chấp thuận nghiệm thu có điều kiện đối với đoạn tuyến trên cao của công trình đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Ông cũng lưu ý UBND thành phố sớm phê duyệt quy trình vận hành trước khi đưa công trình vào khai thác, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật để vận hành an toàn.
Được biết, dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - Ga Hà Nội) dài 4km.
Lộ trình của tuyến bao gồm: điểm đầu tại Nhổn, đi theo Quốc lộ 32, qua Cầu Diễn, Mai Dịch, nút giao với đường Vành đai 3, Cầu Giấy (nút giao với đường Vành đai 2), Kim Mã, Cát Linh, Quốc Tử Giám và điểm cuối tại Ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước Ga Hà Nội).
Tổng mức đầu tư của dự án là 34.826,05 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA từ bốn nhà tài trợ: Chính phủ Pháp, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp và Ngân hàng Đầu tư châu Âu, cùng vốn đối ứng trong nước.
Hà Nội dự kiến khởi công năm 2006 để hoàn thành năm 2010. Tuy nhiên, phải tới tháng 9/2010, dự án mới chính thức được khởi công và tiến độ được lùi tới năm 2015.
Từ đó, dự án liên tục phải lùi thời gian lần lượt sang các năm 2016, 2017 và 2018.
Đến năm 2018, dự án mới thực hiện được khoảng 41% khối lượng công việc nên lại tiếp tục lùi tiến độ.
Năm 2019, Hà Nội tách độc lập phần trên cao và đoạn đi ngầm trong đó, phần trên cao dự kiến khai thác cuối năm 2021 và đoạn ngầm cuối năm 2022.
Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những vướng mắc ở gói thầu CP05 nên cuối năm 2021, dự án đoạn trên cao tiếp tục chậm trễ và được lùi đến cuối năm 2022.
Sau đó, UBND TP. Hà Nội sau đó đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xin điều chỉnh thời gian đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao dự án vào tháng 8/2023.
Đến tháng 11/2023, đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, sau khi vận hành thử cuối năm 2023, đoạn trên cao thuộc metro Nhổn - ga Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác thương mại dịp 30/4-1/5/2024.
Đến hết tháng 6/2024, tiến độ thi công đoạn trên cao thuộc tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đã đạt 100% khối lượng. 8 nhà ga trên cao và depot Nhổn đã được công nhận kết quả nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. 10 đoàn tàu được đăng kiểm và dán tem. Các thiết bị tại nhà ga và depot cũng được dán tem kiểm định theo quy định. Tư vấn Systra đã cấp Chứng chỉ nghiệm thu bàn giao hoàn thành (TOC) cho từng gói thầu.
Nhưng đến đầu tháng 7 năm nay, metro Nhổn - ga Hà Nội vẫn chưa thể vận hành thương mại đoạn trên cao do chưa được cấp chứng nhận an toàn hệ thống.