Sếp EZ Property: 'Ưu tiên ổn định tài chính, giảm nợ vay, bán một số tài sản'
Theo ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), năm 2023 được dự báo vẫn là năm khó khăn đối với thị trường bất động sản. Đối với các dự án đầu tư dở dang, công ty xác định không tiếp tục rót thêm tiền mà duy trì chờ thêm thời gian, kéo dài thời gian thực hiện, đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục pháp lý đối với những dự án khác. Ổn định tài chính là một trong những ưu tiên hàng đầu, giảm nợ vay, cơ cấu lại nguồn vốn sao cho chi phí tài chính là thấp nhất, chấp nhận bán đi một số tài sản. VietnamFinance xin trích đăng ý kiến của doanh nhân này.
"2022 là một năm rất đặc biệt với nhiều biến động lớn về kinh tế, xã hội. Đối với thị trường bất động sản, đây là một năm mang nhiều nét tương phản của thị trường đầu năm và cuối năm. Đầu năm 2022, tiếp đà hưng phấn của thị trường cuối năm 2021 đến từ động thái mở cửa sau thời gian hạn chế vì Covid-19, thị trường bất động sản thực sự thăng hoa, lượng giao dịch tăng đột biến, giá bất động sản liên tục tăng đặc biệt là phân khúc đất nền.
Nửa sau năm 2022 lại là một bức tranh hoàn toàn trái ngược. Dòng vốn chảy vào bất động sản bị siết, lãi suất tăng cao khiến lượng giao dịch sụt giảm mạnh, một số phân khúc thậm chí không có giao dịch.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, công ty chúng tôi cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của thị trường.
Đầu năm 2022, cán bộ nhân viên trong công ty rất hào hứng với triển vọng của thị trường, các hoạt động diễn ra sôi nổi với những dự án triển khai được nhiều khách hàng quan tâm và đầu tư. Kế hoạch của công ty tới cuối năm 2022 và quý I/2023 sẽ mở bán thêm một số dự án đang hoàn tất các thủ tục pháp lý và hạ tầng. Bên cạnh đó thị trường tài chính cũng hỗ trợ nhiều cho thị trường bất động sản, các nhà đầu tư lãi từ thị trường chứng khoán sau đó chuyển vốn sang thị trường bất động sản tạo nên một làn sóng đầu tư mạnh mẽ.
Tới đầu quý III/2022, thị trường đột ngột chuyển hướng xấu, dòng vốn chảy vào bất động sản bị siết dẫn tới giao dịch giảm mạnh, thị trường chứng khoán lao dốc làm xấu hơn tình trạng giao dịch trên thị trường bất động sản.
Một số dự án dự kiến bán hàng vào thời điểm quý III-IV/2022 bị ảnh hưởng nặng nề. Có dự án cho khách hàng đặt chỗ trước đạt 80% khối lượng nhưng tới thời điểm mở bán vào tháng 10 khách đồng loạt rút, lượng bán hàng đạt dưới 15%.
Tới thời điểm hiện tại, các hoạt động của công ty đều cầm chừng. Chúng tôi thu gọn lại quy mô, tính toán lại kế hoạch cho phù hợp với tình hình mới.
Trong bối cảnh hiện tại, việc tiếp cận các nguồn vốn đang là vấn đề nan giải. Kế hoạch triển khai dự án ngoài vốn tự có thì nguồn vốn vay và vốn huy động chiếm một tỷ trọng lớn tuy nhiên dòng vốn này đang tắc cứng. Ngoài ra vướng mắc về thủ tục pháp lý của một số dự án cũng vẫn đang chờ tháo gỡ từ các cơ quan chức năng, bên cạnh đó tiền sử dụng đất các địa phương đều tính rất cao do giai đoạn trước giá đất bị thổi lên làm hiệu quả đầu tư sụt giảm mạnh.
Đối diện với những khó khăn xác định còn kéo dài, doanh nghiệp chúng tôi cũng nhanh chóng thích ứng với những kế hoạch mới. Việc đầu tiên là thay đổi chiến lược kinh doanh, giảm tối đa chi phí, sắp xếp lại các khoản đầu tư theo hướng kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Do lãi suất tăng cao nên công ty ưu tiên trả những khoản vay thông qua bán những tài sản có tính thanh khoản cao. Một số dự án thay vì giữ lại đầu tư thì có thể hợp tác với đối tác hoặc chuyển nhượng lại. Giảm chi phí nhân sự cũng là một ưu tiên trong bối cảnh hiện tại, bộ phận kinh doanh được xác định tinh giảm đầu tiên do số lượng lớn trong khi không có doanh thu, các bộ phận khác cũng tinh gọn trên cơ sở khoán công việc, thực hiện công việc theo gói.
Năm 2023 được dự báo vẫn là năm khó khăn đối với thị trường bất động sản. Đối với các dự án đầu tư dở dang, công ty xác định không tiếp tục rót thêm tiền mà duy trì chờ thêm thời gian, kéo dài thời gian thực hiện, đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục pháp lý đối với những dự án khác.
Ổn định tài chính là một trong những ưu tiên hàng đầu, giảm nợ vay, cơ cấu lại nguồn vốn sao cho chi phí tài chính là thấp nhất, chấp nhận bán đi một số tài sản.
Trong bối cảnh toàn thị trường khó khăn, thị trường vốn khó tiếp cận thì nội lực doanh nghiệp là điều quan trọng nhất để vượt qua. Các doanh nghiệp nên tự cứu mình chứ không nên hy vọng vào một bên khác, ngân hàng không chìa tay ra nếu doanh nghiệp không hy sinh lợi ích, những đối tác rót tiền cho thì họ cũng có những yêu cầu khắt khe về lợi nhuận, thậm chí là thôn tính.
Khủng hoảng ngoài những tác động tiêu cực đối với nhiều doanh nghiệp thì cũng là cơ hội đối với một số ít doanh nghiệp có tiềm lực. Đây là thời điểm thanh lọc thị trường, những doanh nghiệp yếu chấp nhận nhường sân chơi lại để tìm cơ hội khác hoặc bị đào thải".