'Sếp' Hoàng Nam Tiến dự báo 'tầng lớp vô dụng' sẽ bị thay thế bởi robot trong 5 năm tới
Ông Tiến cho rằng, ngành nghề sớm biến mất là kế toán, tiếp theo là giáo viên.
Trong bài chia sẻ tại "Ngày hội khoa học công nghệ 2024", diễn ra ngày 14/1 tại Hà Nam, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, người từng có nhiều phát ngôn nổi tiếng trên mạng xã hội, cho rằng: "Thế hệ không khiếp sợ trí tuệ nhân tạo sẽ làm chủ thế giới".
Chuyên gia này dự đoán xu hướng nghề nghiệp trong năm 2030 bao gồm các ngành như khoa học máy tính, marketing (tiếp thị), AI (trí tuệ nhân tạo), big data (dữ liệu lớn) và sản xuất nội dung.
Đồng thời, ông Tiến cũng chia sẻ, trước sự phát triển không ngừng của AI, trong tương lai sẽ xuất hiện “tầng lớp vô dụng” - bao gồm những người bị thay thế bởi robot do AI điều khiển, trong đó có lao động phổ thông, công nhân nhà máy, thậm chí nhân viên văn phòng.
"Thế giới đang thay đổi rất nhanh, nếu chúng ta không tự hoàn thiện bản thân, học tập suốt đời để trở thành phiên bản tốt nhất thì sẽ sớm trở thành những người bình thường và rất có thể trở thành người tầm thường, không được xã hội trọng dụng", ông Tiến nói.
Nếu trước đây, mọi người sử dụng câu chuyện này để nói với người thất nghiệp, thì ngày nay chúng lại được sử dụng để nói với những người vô dụng (hay còn gọi là tầng lớp vô dụng). Đây là những người được đào tạo, học hành tử tế, từng làm việc nhiều năm kinh nghiệm, có tinh thần rất tốt, nhưng nếu không cố gắng thì trong tương lai 5-6 năm nữa họ sẽ bị robot trí tuệ tạo thay thế.
Nhiều người nghĩ tương lai robot thay thế con người sẽ còn rất xa, nhưng khi xem những hình ảnh về robot được Erobos nghiên cứu và tạo ra thì câu chuyện lại hoàn khác. Những con robot ngày xưa phải huấn luyện rất cẩn thận mới làm được việc, còn robot ngày nay của Erobos có khả năng tự học rất đặc biệt.
Các robot này được huấn luận để quan sát và học được tất cả mọi thứ tốt đẹp nhất của con người. "Những con robot này có thể làm tốt hơn con người rất nhiều lần, làm việc 24/24h, 7 ngày/tuần", Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT nói. Ông Tiến cũng đưa ra dự báo 6 nhóm ngành nghề gồm giáo viên; chăm sóc khách hàng; bác sĩ, dược sĩ; kiểm toán, kế toán; bảo vệ, cảnh sát; chuyên gia sẽ bị được robot thay thế trong 5 năm tới.
Lấy dẫn chứng thêm cho sự thay đổi này, ông Tiến chỉ ra thực tế tại nhiều khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, robot đang dần được sử dụng để thay thế sức lao động của con người. Thậm chí, có nhà máy tại Việt Nam sử dụng hơn 1.000 robot để lắp ráp, số công nhân tại nhà máy này ít hơn số robot rất nhiều.
"Sắp tới, có khoảng 2,7 triệu công nhân Việt Nam tại các nhà máy về dệt may, da giày, lắp ráp sẽ mất việc. Các bạn khi mất việc vô cùng trẻ, thậm chí dưới 25 tuổi. Số công nhân này trong vòng 5-7 năm tới sẽ phải đào tạo lại từ đầu", ông cảnh báo.
Trong bối cảnh hầu hết các tỉnh thành đang chuyển đổi số, không dùng đến giấy tờ, ông Tiến dự đoán, trí tuệ nhân tạo, điển hình là ChatGPT đang dần thay thế khoảng 40% người hiện đang làm công tác văn phòng, hành chính nhân sự. 85% người làm kế toán có thể mất việc trong tương lai, kể cả những người đã làm việc lâu năm.
Ngay cả nghề về lập trình và kiểm thử, có khoảng 40% các dòng lệnh phần mềm máy tính đang được trí tuệ nhân tạo tự động điều chỉnh không cần dùng đến con người. Do vậy ông cho rằng, việc trở thành phiên bản tốt hơn qua mỗi ngày là điều vô cùng cần thiết, giúp đảm bảo sự tồn tại lâu dài.
Với câu hỏi nghề nào sẽ giảm sút nhanh nhất trong tương lai? Ông Tiến cho rằng, ngành nghề sớm biến mất là kế toán, tiếp theo là giáo viên. Trong vòng khoảng 7 năm nữa, giáo viên sẽ chịu áp lực rất lớn vì bị trí tuệ nhân tạo và người máy thay thế. Do vậy, theo chuyên gia này, việc thực học mới là nền tảng của thành công.
"Đây chính là điều chúng tôi rút ra từ kinh nghiệm bản thân. Đặc biệt, trong nền giáo dục hiện nay, điều này rất quan trọng", ông Hoàng Nam Tiến nói.