Siết trái phiếu DN: Người bán – kẻ mua 'bất lực' nhìn nhau

Nhiều ý kiến e ngại những sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn trong dự thảo Luật Chứng khoán có thể kìm hãm sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong thời gian tới.

Trái phiếu DN: Bảo vệ nhưng đừng kìm hãm

Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó có bổ sung thêm một số quy định mới liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với nhà đầu tư cá nhân, ngoài điều kiện cần phải sở hữu danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị từ 2 tỷ đồng trở lên, dự thảo Luật bổ sung thêm điều kiện về thời gian tham gia đầu tư chứng khoán cũng như tần suất giao dịch.

Theo đó, nhà đầu tư cá nhân được xem là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và được tham gia mua đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp khi thỏa mãn yêu cầu tham gia đầu tư chứng khoán trong tối thiểu 2 năm và có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất.

Đối với tổ chức phát hành, dự thảo Luật yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng khi xin cấp phép phát hành (ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định). Đồng nghĩa với việc để có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, các doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu trơn.

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với VietnamFiance, bà Lương Thúy Ngân, Giám đốc khối Tư vấn tài chính doanh nghiệp tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhận định: “Thay đổi trong dự thảo mới được đưa ra để ngăn chặn các sự kiện không mong muốn trên thị trường TPDN thời gian qua. Các quy định mới này chủ yếu với mục đích bảo vệ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân khỏi những ‘lỗ hổng’, những tổ chức phát hành yếu kém trên thị trường”.

Bà Lương Thúy Ngân, Giám đốc khối Tư vấn tài chính doanh nghiệp tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS).
Bà Lương Thúy Ngân, Giám đốc khối Tư vấn tài chính doanh nghiệp tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS).

Giải thích rõ thêm, bà Ngân cho biết, việc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân không được đầu tư vào các trái phiếu phát hành riêng lẻ đồng nghĩa với sân chơi cho TPDN phát hành riêng lẻ chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức, những đối tượng có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để đưa ra quyết định đầu tư của mình. “Việc này sẽ bảo vệ cho các nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự có hiểu biết về sản phẩm TPDN riêng lẻ. Nếu các nhà đầu tư này muốn đầu tư thì có thể thông qua các quỹ để đầu tư”, bà Ngân nói.

Song, ở một khía cạnh khác, có thể những quy định này lại trở thành điểm nghẽn, ngăn thị trường TPDN phát triển theo đúng tiềm năng khi dự thảo luật chứng khoán sửa đổi đã siết chặt cả hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ lẫn cả chào bán ra công chúng.

Bà Ngân cho biết việc chào bán trái phiếu ra công chúng bị siết bởi yêu cầu tất cả tất cả các bên tham gia xây dựng hồ sơ như kiểm toán, tư vấn,… phải có giấy xác nhận, chứng nhận của các cơ quan quản lý. Ngoài gắn thêm trách nhiệm cho tất cả các bên liên quan, quy định mới còn yêu cầu phát hành trái phiếu ra công chúng bắt buộc phải có tài sản đảm bảo.

“Thế nhưng, thực tế, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, các ngân hàng không còn được làm đại lý nhận tài sản đảm bảo nữa và hiện trên thị trường chưa có tổ chức nào được cung cấp dịch vụ này.

Chưa kể, tại nhiều thị trường TPDN phát triển, có rất nhiều sản phẩm được phát hành mà không cần tài sản đảm bảo, chẳng hạn như trái phiếu của những doanh nghiệp có điểm rating (xếp hạng tín nhiệm) cao hoặc một số tổ chức không cần yêu cầu tài sản đảm bảo đặc thù như ngành ngân hàng”, bà Ngân nói.

Nói về thực trạng hiện tại của thị trường, bà Ngân cho rằng hiếm khi nào trên thị trường trái phiếu, nhà đầu tư thì khát khao tìm kiếm sản phẩm để đầu tư, còn các tổ chức phát hành thì mong muốn huy động vốn, nhưng hai bên lại không thể “gặp được nhau” như bây giờ.

“Với những sửa đổi trong Dự thảo Luật Chứng khoán mới, cả hai bên chỉ còn có thể nhìn nhau trong bất lực: bên muốn mua không thể mua, mà bên muốn phát hành cũng chẳng thể phát hành”, bà Ngân chia sẻ.

Đừng để thị trường vốn gói gọn trong ngân hàng

Đồng quan điểm, đại diện một công ty chứng khoán cũng cho rằng những thay đổi trong dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi là khắt khe và có phần thừa thãi.

“Sau giai đoạn lùm xùm, thị trường TPDN đã dần đi vào nề nếp với những quy định chặt chẽ. Về cơ bản, với những quy định đã được ban hành, thị trường TPDN đã và có thể phát triển tốt trở lại”, vị này nói.

Về bản chất, TPDN, kể cả ở các thị trường phát triển lâu năm, là một sản phẩm đầu tư. Và đã là sản phẩm đầu tư thì chắc chắn phải có rủi ro và có thể bị ảnh hưởng bởi diễn biến chung của nền kinh tế. Vậy nên, việc bảo vệ các nhà đầu tư khỏi rủi ro là nên làm nhưng nên cân nhắc để bảo vệ một cách hợp lý.

Đại diện công ty này nhìn nhận: “Với những quy định hiện hành, việc phát hành cũng đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, khung pháp lý cũng đã tương đối đầy đủ để thị trường đi đúng hướng. Vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bây giờ là làm sao tháo gỡ được tâm lý sợ trách nhiệm của các bên liên quan chứ không phải vì sợ sai, sợ bị quy trách nhiệm mà làm chậm lại sự phát triển của thị trường”.

Nhận định về dài hạn, vị này cho hay, một khi kênh TPDN bị thắt chặt thêm, doanh nghiệp bắt buộc phải quay trở về kênh huy động vốn truyền thống là ngân hàng.

“Đến đây lại nảy sinh ra một nghịch lý bởi Việt Nam đã phát triển rất dài để đa dạng hóa kênh huy động vốn ngoài kênh truyền thống là từ ngân hàng. Chưa kể, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng đáp ứng được các điều kiện để vay vốn ngân hàng. Khi đó, doanh nghiệp sẽ chỉ còn biết ngậm ngùi, tạm thời thu hẹp quy mô, tạm dừng dự án khi các kênh huy động khác ngoài ngân hàng đều khó khăn. Kết cục không mong muốn nhất là doanh nghiệp có thể sẽ phải đóng cửa”, bà nói.

Đại diện một công ty chứng khoán cho rằng TPDN đã có thể phát triển tốt trở lại với những quy định hiện hành.
Đại diện một công ty chứng khoán cho rằng TPDN đã có thể phát triển tốt trở lại với những quy định hiện hành.

Thay vì siết thêm, vị đại diện cho rằng điều cần làm ở đây là làm sao để các quy định liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp “liên thông” với nhau. Vì trên thực tế, hiện các luật, quy định liên quan đến thị trường TPDN đang khá “phân mảnh”, “ai biết của nhà nấy”.

Ví dụ như, NHNN bỏ dịch vụ đại lý nhận tài sản đảm bảo khiến thị trường không có bên nào nhận tài sản đảm bảo nhưng UBCKNN lại yêu cầu bên phát hành phải có tài sản đảm bảo hoặc bên bảo lãnh. Điều này dẫn đến tình trạng bất cập khi không có đơn vị trung gian nào đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh.

Hay như NHNN cấm ngân hàng không được mua trái phiếu phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ, góp vốn và tăng quy mô vốn hoạt động, tức các quỹ bảo hiểm trở thành những người chơi còn lại trên thị trường. Song, Luật kinh doanh bảo hiểm lại cấm các quỹ bảo hiểm mua trái phiếu nếu mục đích là để tái cơ cấu nợ, dẫn đến tình trạng “khan hiếm” người chơi tổ chức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

“Điều chỉnh, sửa đổi để thị trường tốt lên là điều vô cùng cần thiết nhưng phải sửa sao cho trúng chỗ cần sửa. Việc quá thận trọng trong từng đường đi nước bước sẽ hạn chế được những rủi ro không đáng có nhưng đồng thời cũng có thể sẽ tạp ra những điểm nghẽn mới trên một thị trường vốn chỉ vừa mới gượng dậy sau lùm xùm. Khi đó, kế hoạch ‘đến năm 2030 dư nợ TPDN đạt 25% GDP’ của Chính phủ sẽ đi về đâu?”, vị này trăn trở.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance