‘Siêu dự án\’ Deawoo Cleve chấp nhận ‘hạ mình\’ liệu có thoát thân?
Từng được biết đến như một dự án căn hộ lớn nhất tại phía Tây Hà Nội, nhưng tổ hợp dự án Deawoo Cleve Hà Đông của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc đã bị “đắp chiếu” suốt 2 năm nay. Mới đây, “siêu dự án” này phải xin điều chỉnh giảm độ cao tại hàng loạt lô đất trong dự án.
Hai khối CT2A và CT2B Dự án Deawoo Cleve “đắp chiếu” đã 2 năm nay
Hai năm “đắp chiếu”
Khởi công xây dựng từ năm 2010, với số căn hộ dự kiến đưa ra thị trường lên đến 4.514 căn hộ, Deawoo Cleve được nhắc đến như một siêu dự án ở cửa ngõ phía Tây Thủ đô.
Hai tòa nhà cao tầng đầu tiên trong tổng số 15 tòa cao tầng của Dự án được chủ đầu tư là Công ty TNHH Hibrand Việt Nam triển khai là tòa CT2A và CT2 B. Theo dự kiến, hai tòa cao ốc này sẽ hoàn thành và bàn giao vào cuối năm 2013. Các khối nhà tiếp theo sẽ lần lượt được triển khai và đến năm 2018, toàn bộ Dự án sẽ hoàn thiện.
Thế nhưng, dự án chỉ được triển khai trong gần 1 năm, hai công trình cao tầng đầu tiên của “siêu dự án” chỉ được xây đến tầng 6 thì doanh nghiệp dừng toàn bộ hoạt động thi công.
Đại diện chủ đầu tư từng vài lần thông báo sẽ tái khởi động Dự án, hoàn thành hai tòa cao ốc vào đầu năm 2014, thay vì kế hoạch vào cuối năm 2013, nhưng đến nay, khi năm 2014 sắp đi qua, Dự án vẫn “giữ nguyên hiện trạng” như hai năm về trước.
Việc Dự án Deawoo Cleve bị “đắp chiếu” quá lâu, trong khi nhiều dự án có vốn FDI khác được chủ đầu tư triển khai với tiến độ rất nhanh, khiến một số khách hàng trót mua căn hộ Deawoo Cleve lo lắng như đang ngồi trên cọc nhọn. Tuy nhiên, việc rút vốn của nhiều khách hàng tại dự án này không hề đơn giản.
“Hạ mình”, liệu có thoát thân?
Trong khi hai khối nhà đầu tiên của “siêu dự án” Deawoo Cleve còn chưa biết khi nào mới được khởi động trở lại, thì mới đây, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã công bố điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại hàng loạt ô đất thuộc Dự án Khu đô thị Văn Phú. Theo đó, hàng loạt ô đất nhà cao tầng thuộc khu đô thị mới Văn Phú (chủ yếu thuộc Dự án Deawoo Cleve) đã được điều chỉnh giảm chiều cao. Cụ thể, tại các ô đất ký hiệu CT1, CT2, CT3, CT4, CT5, CT6 và CT8 theo quy hoạch cũ được duyệt có độ cao từ 30 - 40 tầng, nay được điều chỉnh xuống còn 23 - 27 tầng.
Việc điều chỉnh quy hoạch Dự án có lẽ nằm trong kế hoạch tái khởi động lại Dự án Deawoo Cleve của chủ đầu tư trong bối cảnh thị trường căn hộ cao cấp không có nhiều thanh khoản. Khả năng sinh lời từ phân khúc này cũng không còn như trước, do mặt bằng giá căn hộ trong khu vực đã giảm mạnh trong suốt 3 năm qua. Trong khi đó, việc điều chỉnh chiều cao của khối nhà tại hàng loạt ô đất cũng khiến quy mô dự án này giảm đáng kể, tổng mức đầu tư theo đó giảm mạnh, gánh nặng tài chính để thực hiện dự án cũng giảm đáng kể.
Chưa rõ sau khi xin điều chỉnh chiều cao, Dự án Deawoo Cleve, Hibrand Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển dự án này theo hướng cao cấp hay sẽ làm căn hộ có giá trung bình để dễ bán hàng và nhanh thu hồi vốn. Tuy nhiên, khả năng doanh nghiệp điều chỉnh từ căn hộ cao cấp sang thấp cấp là rất khó xảy ra. Bởi tại Hà Nội, mặc dù thị trường khó khăn, vẫn chưa thấy doanh nghiệp Hàn Quốc nào hạ cấp dự án theo hướng này. Song, nếu tiếp tục phát triển Dự án theo hướng cao cấp thì việc điều chỉnh độ cao sẽ khiến đẳng cấp, quy mô Dự án bị giảm. Tiếp đến là giá bán căn hộ sau này cũng sẽ phải được điều chỉnh để có thể cạnh tranh với những dự án lân cận.
Trong trường hợp Hibrand Việt Nam giảm mạnh giá bán căn hộ Deawoo Clever thì lối ra cho doanh nghiệp cũng không dễ. Bởi ngay bên cạnh Deawoo Cleve là Dự án Hyundai HillState, cũng do một doanh nghiệp Hàn Quốc làm chủ đầu tư, sau khi xây xong và giảm mạnh giá bán, việc bán hành vẫn gặp khó khăn.
Báo Đầu tư Bất động sản