'Siêu sân bay' 340.000 tỷ sở hữu hệ thống đường sắt kết nối với 2 cửa ngõ quốc tế của Việt Nam
Khi sân bay lớn nhất Việt Nam được đưa vào hoạt động, hệ thống giao thông đường sắt sẽ giúp kết nối với 2 cảng cửa ngõ của Việt Nam là cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải và cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Nghiên cứu tuyến đường sắt kết nối 2 sân bay lớn nhất Việt Nam
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 155/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 10 Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh về việc nghiên cứu tổng thể kết nối giao thông giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, bao gồm đầu tư đường sắt kết nối (trên cao hoặc đi ngầm).
Hiện, có nhiều dự án giao thông được nghiên cứu đầu tư để kết nối sân bay Long Thành với TP. Hồ Chí Minh. Một trong số đó là tuyến đường sắt nhẹ sân bay Long Thành – Thủ Thiêm. Theo đề xuất, dự án có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (Thủ Đức - TP. Hồ Chí Minh), điểm cuối là sân bay Long Thành với chiều dài toàn tuyến khoảng 38km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng trên 40.000 tỷ đồng.
Dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành được xác định là một trong những dự án động lực của kỳ trung hạn tiếp theo nhằm tăng cường các phương thức vận tải kết nối với sân bay Long Thành.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay Tân Sơn Nhất) là cảng hàng không cửa ngõ khu vực phía Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung. Sân bay Tân Sơn Nhất có tần suất cất hạ cánh cao nhất cả nước (xấp xỉ 260.000 lượt cất và hạ cánh), và sản lượng hành khách thông qua đây đến cuối năm 2023 đạt 42 triệu lượt (gấp rưỡi so với công suất khai thác thiết kế).
Hệ thống đường sắt kết nối "siêu sân bay" với "siêu cảng"
Để tăng khả năng kết nối của sân bay Long Thành với TP. Hồ Chí Minh và hệ thống cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, việc sớm đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu là cấp thiết.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84km, khổ 1.435mm. Trong đó, đoạn Biên Hòa - Thị Vải nhu cầu đến năm 2050 khoảng 22,6 triệu tấn hàng hóa/năm và 9 triệu hành khách/năm. Điểm cuối ga khách tại Vũng Tàu đối với hành khách và với hàng hóa là cụm cảng Thị Vải - Cái Mép.
Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu được đánh giá là dự án giao thông đầu tư cấp thiết nhằm khai thác hết tiềm năng mà cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện hữu.
Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) là một trong hai cảng đặc biệt của Việt Nam (cùng với cảng quốc tế Hải Phòng), đóng vai trò là cảng cửa ngõ kết nối giao thương hàng hóa đường thủy của các tỉnh Nam Bộ và là cảng trung chuyển quốc tế công suất lớn, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, Cái Mép - Thị Vải vẫn đang tồn tại nhiều “điểm nghẽn” khiến hiệu quả khai thác còn chưa tương xứng với tiềm năng. Môt số những "điểm nghẽn" đó là về kết nối giao thông. Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu khi được hoàn thiện sẽ giải quyết sự quá tải của tuyến Quốc lộ 51 đang hiện hữu, góp phần kết nối các khu công nghiệp lớn trong khu vực Đông Nam Bộ và giúp kết nối thuận tiện, nhanh chóng hơn với sân bay lớn nhất Việt Nam Long Thành.
Sân bay quốc tế Long Thành có tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD (khoảng 340.000 tỷ đồng). Giai đoạn 1 của dự án với công suất 25 triệu khách/năm dự kiến sẽ hoàn thành năm 2025 và khai thác từ 2026. Khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay lớn nhất cả nước với công suất đạt 100 triệu khách/năm.