Số hóa khiến doanh nghiệp bất động sản cạnh tranh ngày càng rõ nét
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, chuyển đổi số đang khiến các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cạnh tranh ngày càng rõ nét hơn. Doanh nghiệp nào không số hóa thì nhanh chóng tụt lại phía sau.
Theo TS. Cấn Văn Lực, bước sang năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi chậm lại nhưng vẫn tăng trưởng gần bằng mức trước dịch COVID-19.
Tuy nhiên, sự suy thoái cục bộ của nền kinh tế thế giới đang khiến cho thị trường xuất khẩu và đầu tư bị thu hẹp, tăng chậm lại; du lịch quốc tế phục hồi chậm; lạm phát tăng, mặt bằng lãi suất, tỷ giá còn tăng (cơ bản trong tầm kiểm soát); giải ngân Chương trình phục hồi và đầu tư công vẫn chậm so với kỳ vọng.
Sự thay đổi của lĩnh vực công nghệ đang khiến nhiều ngành nghề bị lạc hậu so với tình hình phát triển chung của thị trường, trong đó, thị trường BĐS không thể đứng ngoài cuộc.
Chuyển đổi số không còn là lý thuyết xa vời mà đã trở thành cuộc đua sống còn của doanh nghiệp BĐS. Chuyển đổi số được thể hiện qua việc các doanh nghiệp thay đổi các thức hoạt động của mình trên mọi khía cạnh, từ các kênh bán hàng đến phương pháp quản trị điều hành, cách thức ra quyết định hay thậm chí là chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh mới.
“Thị trường BĐS rất đa dạng về mặt thông tin, giá cả cũng như đối tượng khách hàng. Việc số hóa dữ liệu sẽ khiến các thông tin sản phẩm của doanh nghiệp trở nên minh bạch, bình đẳng và ai cũng có thể tiếp cận.
Điều này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp BĐS phải tích cực cải tiến sản phẩm để cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần. Chuyển đổi số đang khiến các doanh nghiệp BĐS cạnh tranh ngày càng rõ nét hơn. Doanh nghiệp nào không số hóa thì tụt lại phía sau”, ông Lực nói.
Cũng theo ông Lực, hiện nay, trên thị trường BĐS, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra khá nhanh. Điển hình là các sàn giao dịch BĐS có uy tín như batdongsan.com.vn, Vinhome với VinID, Sunshine group với Sunshine app…
Nhiều doanh nghiệp BĐS này đang ứng dụng nhiều công nghệ nhằm cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ mới như Cen Land cung cấp hình ảnh và video 3D; Tập đoàn Thắng Lợi ứng dụng True 360, công nghệ VR (thực tế ảo và Auto Timelapse) trong quản lý tiến độ thi công dự án; Tập đoàn Hưng Thịnh đầu tư vào công nghệ phân tích dữ liệu thông qua việc mua lại công ty dữ liệu DataFirst…
Trên thị trường đã xuất hiện các công ty công nghệ BĐS proptech, đây chính là những đại diện cho chuyển đổi số tiêu biểu trong lĩnh vực BĐS ở nước ta thời gian qua.
Ông Lực trích dẫn dữ liệu của PropTech Vietnam Network, tính đến năm 2021, tại Việt Nam có khoảng 150 startup trong lĩnh vực proptech (tăng gần 100 doanh nghiệp so với 56 proptech tại thời điểm năm 2019), với các mảng hoạt động đa dạng như đăng tin/tìm kiếm mua bán nhà, thuê nhà ngắn và dài hạn, hỗ trợ môi giới BĐS, tìm kiếm và cho thuê co-working space, quản lý các tài sản cho thuê ngắn hạn.
Hiện nay, một số doanh nghiệp BĐS lớn đang đầu tư mạnh mẽ vào proptech hoặc tiến hành mua bán- sáp nhập. Sunshine group cho ra mắt Sunshine app, cho phép khách hàng quan tâm các dự án của tập đoàn này có thể tìm hiểu đầy đủ thông tin dự án, xem hình dáng, không gian, chốt giao dịch, chốt căn, chuyển tiền.
Gamuda Land đã cho ra mắt ứng dụng GL Lifestyle - hệ sinh thái trực tuyến, cho phép người mua nhà và cư dân truy cập vào tất cả các tính năng, dịch vụ đã triển khai tại các khu đô thị của mình. Cen Land mua lại 100% Cenhomes.vn - nền tảng công nghệ BĐS tiên phong tại Việt Nam.
Việc sử dụng công nghệ số trong lĩnh vực BĐS sẽ giúp doanh nghiệp tăng tỷ tọng doanh thu từ khách hàng mới. So với cách truyền thống, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp BĐS tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn, nhờ vậy doanh số tăng lên đáng kể, gia tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ giảm được bộ máy cồng kềnh đi kèm chi phí nhân sự lớn, thời gian xử lý công việc được rút ngắn đáng kể, tiết kiệm thời gian và chi phí. Doanh nghiệp có thể tăng năng lực ra quyết định thông qua phân tích dữ liệu, nhanh chóng phân tích xu hướng và ra quyết định cho chiến lược kinh doanh của mình.
Bên cạnh giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, ông Lực cho rằng, doanh nghiệp phải sẵn sàng cấu trúc lại nguồn vốn khi đối mặt với trường hợp room tín dụng cạn hoặc các chính sách thắt chặt dòng vốn tín dụng đổ vào thị trường BĐS.
“Hệ thống vốn vay ngân hàng chỉ nên chiếm 50%. Doanh nghiệp cần đa dạng hoá các kênh huy động vốn, đẩy mạnh phát triển vốn từ kênh trái phiếu, cổ phiếu, dòng vốn FDI. Có như vậy, doanh nghiệp BĐS mới không nghĩ nhiều đến vốn vay ngân hàng và không lệ thuộc quá nhiều vào dòng vốn này”, ông Lực nói.