Số hóa ngân hàng yếu kém: 'Con đường sáng' sau bước chuyển giao

Nhiều thương vụ chuyển giao ngân hàng bắt buộc đã hoàn tất thủ tục và bước vào vận hành theo mô hình mới. Trong quá trình tái cơ cấu nhiều thách thức, hướng đến ngân hàng số là con đường được nhiều ngân hàng lựa chọn.

Chuyển nhà băng yếu kém thành ngân hàng số

Đến nay, 4/5 ngân hàng yếu kém hoặc trong diện kiểm soát đặc biệt đã được chuyển giao bắt buộc để thực hiện quá trình tái cơ cấu. Sau khi được chuyển giao bắt buộc cho các “ông lớn”, 3/4 ngân hàng yếu kém đã được đổi tên và có chung định hướng phát triển thành ngân hàng số. Việc khoác áo mới cùng định hướng trở thành ngân hàng số được cho là sẽ giúp các ngân hàng này đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Có thể kể đến như DongABank đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Số Vikki (Vikki Bank); CBBank đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo); OceanBank đổi tên thành Ngân hàng TNHH Một thành viên Việt Nam Hiện Đại (Modern Bank of Vietnam – MBV). Trường hợp duy nhất chưa đổi tên là GPBank hiện do VPBank thực hiện tái cơ cấu. Tuy nhiên, không loại trừ kế hoạch thay tên, đổi họ và góp vốn vào GPBank sẽ được VPBank công bố tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025.

Quá trình chuyển giao bắt buộc không chỉ đơn thuần là việc thay đổi chủ sở hữu mà còn cam kết hỗ trợ toàn diện từ các ngân hàng nhận chuyển giao. Để đảm bảo quá trình tái cấu trúc hiệu quả, các ngân hàng nhận chuyển giao đã cử đội ngũ lãnh đạo sang trực tiếp điều hành, giám sát hoạt động của các ngân hàng yếu kém. Các ngân hàng cũng tập trung vào các giải pháp tài chính sáng tạo, linh hoạt và tối ưu, giúp khách hàng tận dụng tối đa cơ hội tài chính trong bối cảnh số hóa diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.

Số hóa ngân hàng yếu kém: 'Con đường sáng' sau bước chuyển giao - Ảnh 14 ngân hàng yếu kém được chuyển giao bắt buộc.

HDBank đã đầu tư mạnh vào công nghệ để phát triển hệ thống ngân hàng số Vikki Bank. Theo đó, Vikki Bank tập trung xây dựng một ngân hàng số hiện đại, cung cấp các dịch vụ tài chính linh hoạt và tiện lợi. MB sau khi tiếp nhận OceanBank và đổi tên thành MBV đã thực hiện chiến lược tái cấu trúc toàn diện, chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình ngân hàng số. MBV đã phát triển mạnh mẽ các ứng dụng tài chính số, tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để tối ưu hóa quy trình và tăng cường bảo mật thông tin khách hàng. Còn VCBNeo, với sự hậu thuẫn từ Vietcombank, đã phát triển mạnh mẽ hệ thống ngân hàng số, mở rộng dịch vụ tài chính và cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách hàng mới.

Số liệu của NHNN cho biết đến cuối năm 2024, Việt Nam có hơn 200 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và ghi nhận hơn 17 tỷ đồng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2024. Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng, trong đó nhiều ngân hàng đã xử lý trên 95% số lượng giao dịch thông qua các nền tảng số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code trong giai đoạn từ 2017-2023 trung bình đạt trên 100%/năm. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng mỗi ngày, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý khoảng 20-25 triệu giao dịch một ngày. Những con số trên cho thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho sự phát triển của ngân hàng số.

Theo các chuyên gia ngân hàng, trong bối cảnh số hóa ngân hàng diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu cùng tác động của AI, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là giải pháp bắt buộc đối với các ngân hàng yếu kém trong quá trình tái cơ cấu. Việc chuyển hướng các ngân hàng yếu kém hoạt động theo mô hình ngân hàng số, thay vì mô hình truyền thống giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực từ thương hiệu cũ. Đó có thể là con đường nhanh nhất, là con đường sáng để các ngân hàng yếu kém sớm phục hồi.

Cơ hội và thách thức

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là lẽ sống còn”. Còn tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh, ngành ngân hàng cần đẩy mạnh chuyển đổi “kép” vừa số hóa, vừa phát triển tín dụng xanh để hướng đến mục tiêu bền vững.

Có thể thấy, ngân hàng số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành chiến lược tất yếu để nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa dịch vụ và đáp ứng nhu cầu khách hàng trong kỷ nguyên số. Sự phát triển của công nghệ tài chính (fintech), sự thay đổi trong hành vi của khách hàng và áp lực từ quy định quản lý ngày càng đòi hỏi các ngân hàng phải nhanh chóng thích ứng với những chuyển đổi mạnh mẽ về số hoá.

Tại Việt Nam, việc chuyển đổi số không chỉ giúp các ngân hàng thương mại nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém. Chuyển đổi số không chỉ giúp tối ưu hóa hoạt động mà còn là giải pháp quan trọng để các ngân hàng sau tái cấu trúc phát triển bền vững. Khi không còn khả năng duy trì mô hình hoạt động truyền thống với hiệu suất kém, chi phí cao và lượng khách hàng suy giảm. Do đó, chuyển đổi số trở thành con đường duy nhất giúp các ngân hàng yếu kém phục hồi và phát triển bền vững hơn. Bằng cách áp dụng công nghệ ngân hàng số, các ngân hàng yếu kém có thể giảm đáng kể chi phí vận hành, hạn chế rủi ro tài chính và mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng.

Nghiên cứu từ McKinsey & Company cho thấy, việc áp dụng AI và Big Data trong quản trị tài chính có thể giúp ngân hàng giảm tới 30% rủi ro tín dụng và nâng cao khả năng kiểm soát gian lận. Các hệ thống ngân hàng số có thể giám sát các giao dịch bất thường, phát hiện nguy cơ gian lận ngay lập tức. Đây là điều trước đây các ngân hàng yếu kém vốn có nhiều lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát rủi ro không thể làm được.

Chuyển đổi số trở thành điều tất yếu với các nhà băng yếu kém là khả năng mở rộng thị trường mà không tốn thêm chi phí vận hành truyền thống. Theo NHNN, hơn 60% giao dịch tài chính đã được thực hiện qua ngân hàng số. Điều đó cho thấy các ngân hàng không có nền tảng số mạnh sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh và khách hàng. Vì vậy, các ngân hàng yếu kém cần tận dụng công nghệ để tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ - những người chủ yếu sử dụng dịch vụ ngân hàng số nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển lâu dài.

Việc áp dụng AI và Big Data trong quản trị tài chính có thể giúp ngân hàng giảm tới 30% rủi ro tín dụng.  
Việc áp dụng AI và Big Data trong quản trị tài chính có thể giúp ngân hàng giảm tới 30% rủi ro tín dụng.  

Dù chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích nhưng các ngân hàng vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chi phí đầu tư vào hạ tầng công nghệ...

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) nêu thực trạng, với sự gia tăng của các giao dịch số, nguy cơ tấn công mạng đối với ngân hàng cũng ngày càng lớn. Nếu không có hệ thống bảo mật đủ mạnh, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất dữ liệu khách hàng, bị tấn công mạng hoặc gian lận tài chính.

Một thử thách nữa với các ngân hàng là phải có hệ thống hạ tầng và giải pháp công nghệ đủ tốt để đảm bảo lợi thế cạnh tranh. Việc thay đổi trong sở thích, thói quen khá nhanh chóng của khách hàng đồi hỏi các ngân hàng luôn phải tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới sản phẩm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và phong phú của khách hàng. Cùng với đó, sự thay đổi về mô hình vận hành cũng là thách thức trong chuyển đổi số. Do đó, các ngân hàng cần đào tạo nhân sự để thích nghi với công nghệ mới, xây dựng hệ thống quản trị phù hợp với mô hình ngân hàng số.

Tuy nhiên, đây chính là thách thức lớn với các ngân hàng yếu kém khi phải đầu tư lớn và đối mặt với nhiều rủi ro thất bại về ứng dụng công nghệ. Để đối phó vấn đề này, bên cạnh may mắn là các ngân hàng yếu kém có sự hỗ trợ từ các ngân hàng lớn nhận chuyển giao nhưng cũng cần có một kế hoạch dài hơi và thận trọng. Bởi vì, thêm 1 thất bại trên cơ thể vốn yếu kém sẽ khiến gánh nặng sẽ càng lớn hơn.

Mai Hạnh

Theo VietnamFinance