Sở hữu ‘núi’ tiền mặt nhưng vì sao ‘Vua thép’ Hòa Phát vẫn vay nợ hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm?

Tính đến cuối quý I/2022, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) sở hữu lượng  tiền và các khoản tương đương tiền, cùng các khoản tiền gửi ngân hàng đạt 46.824,3 tỉ đồng (tương đương hơn 2 tỉ USD). Mặc dù sở hữu lượng tiền mặt lớn tuy nhiên HPG vẫn ghi nhận khoản vay lên đến gần 87.000 tỷ đồng (tính đến ngày 31/3/2022).

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, trong kỳ Hòa Phát ghi 44,400 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 8,200 tỷ đồng, tăng 17% so với quý 1/2021.

Dòng tiền kinh doanh trong quý I của Hòa Phát đạt 8.387 tỷ đồng tăng 426,5% so với cùng kỳ (chỉ đạt 1.593 tỷ đồng). Tuy nhiên dòng tiền đầu tư của HPG trong quý vừa qua lại ghi nhận con số âm tăng mạnh với 14.692 tỷ đồng, trong khi quý I/2021 chỉ là 3.042 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2022 của Hòa Phát.  
Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2022 của Hòa Phát.  

Doanh thu hoạt động tài chính của HPG đạt 768,9 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm 2022, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do không ghi nhận lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư. Trong đó, lãi tiền gửi, tiền cho vay của HPG đạt 416,5 tỉ đồng, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Sở hữu ‘núi’ tiền mặt nhưng vì sao ‘Vua thép’ Hòa Phát vẫn vay nợ hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm? - Ảnh 1

Đồng thời, chi phí tài chính của Hòa Phát cũng tăng lên 1.111 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá đã thực hiện. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp thì không có nhiều biến động so với quý I/2021 lần lượt là 577 tỷ đồng và 263,6 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2022, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 185.847 tỉ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định của HPG ghi nhận đạt 70.214,5 tỉ đồng, chiếm 37,8% tổng tài sản.

Số dư hàng tồn kho tại ngày 31/12 là 40.223 tỉ đồng, chiếm 21,5% tổng tài sản, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó một nửa lượng hàng tồn kho đến từ nguyên, vật liệu.

Sở hữu ‘núi’ tiền mặt nhưng vì sao ‘Vua thép’ Hòa Phát vẫn vay nợ hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm? - Ảnh 2

Đáng chú ý, lượng tiền và các khoản tương đương tiền, cùng các khoản tiền gửi ngân hàng của HPG tính đến cuối quý I/2022 đạt tới 46.824,3 tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD), chiếm 25% tổng tài sản.

Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền là 19.060 tỷ đồng (giảm 15% so với đầu năm), tiền gửi ngắn hạn là 27.249,3  tỷ đồng và tiền gửi dài hạn tại ngân hàng là 515 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 3/2022 HPG sở hữu hơn 46.800 lượng tiền mặt.  
Tính đến hết tháng 3/2022 HPG sở hữu hơn 46.800 lượng tiền mặt.  

Mặc dù sở hữu lượng tiền mặt lớn, tuy nhiên nợ vay của HPG vẫn tăng đều qua các năm do việc liên tục mở rộng quy mô hoạt động.

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Hòa Phát là 178.000 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả là hơn 87.400 tỷ, tương ứng gần 4 tỷ USD.

Đến cuối tháng 3/2022, tổng tài sản của Hòa Phát ghi nhận tăng lên gần 186.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả là 86,9 nghìn tỷ đồng.

Trong khoản nợ 86,9 nghìn tỷ đồng thì Hòa Phát có khoảng 60.000 tỷ đồng nợ vay, tăng 4,8% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ghi nhận hơn 46.260 tỷ đồng, tương đương tăng 5,7% so với đầu năm và vay và nợ thuê tài chính dài hạn ghi nhận gần 13.921 tỷ đồng, giảm 3,4%. Việc tăng cường vay ngắn hạn thay vì vay dài hạn sẽ giúp bớt đi gánh nặng lãi vay của Hòa Phát.

Tình hình vay nợ của HPG tính đến quý I/2022 (Nguồn: BCTC Hợp nhất quý I/2022 của Hòa Phát).  
Tình hình vay nợ của HPG tính đến quý I/2022 (Nguồn: BCTC Hợp nhất quý I/2022 của Hòa Phát).  

Với khoản vay lớn, lượng tiền lãi phải trả của Hòa Phát cũng cực kỳ lớn. Cụ thể, trong cả năm 2021, HPG phải trả gần 2.526 tỷ đồng lãi vay (gần 7 tỷ đồng mỗi ngày), tăng 15% so với cùng kỳ.

Bước sang năm 2022, riêng trong quý I đầu năm, số tiền HPG phải trả cho các khoản lãi vay là 597 tỷ đồng (tương đường hơn 1,6 tỷ đồng mỗi ngày).

Nguồn: BCTC Hợp nhất quý I/2022 của Hòa Phát.  
Nguồn: BCTC Hợp nhất quý I/2022 của Hòa Phát.  

Ở diễn biến mới đây, trên trang chủ của Hòa Phát đã công bố thông tin về việc Hòa Phát sẽ vay 35.000 tỷ đồng, tương đương hơn 40% tổng vốn dự kiến rót vào dự án Dung Quất 2  từ 8 ngân hàng.

Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa có thông báo về việc công ty con của tập đoàn – Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký kết hợp đồng tín dụng với 8 ngân hàng lớn của Việt Nam.

Theo đó, 8 nhà băng – dẫn đầu bởi Vietcombank – sẽ thu xếp khoản vay hợp vốn 35.000 tỷ đồng cho Hòa Phát Dung Quất để làm dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.

Ngoài ra, 7 ngân hàng thương mại khác đứng ra thu xếp vốn cho Hòa Phát là BIDV, Agribank, VietinBank, MBBank, TPBank, VPBank và MSB. Đây là khoản tín dụng lớn nhất từ trước tới nay của Hòa Phát với các ngân hàng.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Ảnh: Hòa Phát).  
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Ảnh: Hòa Phát).  

Được biết, Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có quy mô hơn 280 ha, nằm kề bên Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 1. Công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC)/năm. Tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng và tập đoàn dự kiến khởi công trong quý I năm nay, hoàn thành trong 3 năm tới.

Sau khi dự án hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ tăng lên mức 14 triệu tấn/năm, trở thành 1 trong 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.

Trước đó, chia sẻ tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, ông Trần Đình Long cho biết nếu dự án Dung Quất 2 hoàn thành (dự kiến vào năm 2024), doanh thu của Hòa Phát có thể đạt trên 200.000 tỷ đồng/năm.

Trong năm nay, Hòa Phát đặt kế hoạch doanh thu 160.000 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ so với 2021. Trong khi đó, kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 25.000 – 30.000 tỷ đồng, giảm 4.250 – 9.520 tỷ đồng so với thực hiện năm trước.

Phía Hòa Phát cho biết, theo dự kiến doanh thu trong năm nay sẽ chủ yếu nhờ sản lượng của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, sản phẩm container và doanh thu từ mảng điện máy gia dụng. Tuy nhiên, Hòa Phát đang đối mặt hàng loạt thách thức khi giá nguyên, nhiên liệu có xu hướng tăng, giá bán biến động không tương xứng, chi phí tài chính tăng do xu hướng lãi suất đi lên khi chính sách tiền tệ thắt chặt…nên lợi nhuận giảm.

Hòa Phát cũng sẽ trình ĐHCĐ 6 mục tiêu chính cho năm 2022 trong đó vấn đề nhức nhối nhất mà nhà đầu tư đang quan tâm là hàng tồn kho cũng được công ty đưa ra. Ngoài ra, Hòa Phát còn đặt nhiệm vụ trọng tâm cho 2022 là theo dõi sát diễn biến giá nguyên liệu để có chính sách điều tiết phù hợp.

Anh Huy

Theo Kinh doanh & Phát triển