Sơn La đề xuất xây sân bay Nà Sản trước năm 2030
UBND tỉnh Sơn La vừa đề nghị Bộ GTVT đưa Cảng hàng không Nà Sản vào Quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Theo UBND tỉnh Sơn La, Cảng hàng không Nà Sản nằm ở trung tâm khu vực Tây Bắc, là sân bay chính trọng yếu trong chiến lược phòng thủ quốc gia, sẵn sàng cơ động xử lý các tình huống khẩn nguy về quốc phòng cũng như công tác tìm kiếm cứu nạn của khu vực.
- Trong khu vực phòng thủ Tây Bắc hiện có 2 sân bay quân sự là Điện Biên và Nà Sản, trong đó sân bay Điện Biên nằm trong địa hình lòng chảo, có đường cất hạ cánh ngắn không khai thác được các máy bay lớn. Do đó sân bay Nà Sản trở thành sân bay chiến lược, quan trọng nhất của cả khu vực Tây Bắc.
Bên cạnh vai trò về quân sự, Cảng hàng không Nà Sản còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo đột phá về hạ tầng giao thông, giúp kết nối Sơn La với cực phát triển trong cả nước, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong bối cảnh tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch, xuất khẩu nông sản...
“Việc phải di chuyển gần 4 giờ (hơn 150km) để đến Cảng hàng không Điện Biên hoặc di chuyển gần 7 giờ (hơn 300Km) để đến Cảng hàng không Nội Bài là rào cản rất lớn trong việc thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư đến với tỉnh Sơn La. Cảng hàng không Nà Sản được xác định là động lực phát triển của địa phương, đang thực hiện tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", văn bản của UBND tỉnh Sơn La nhận xét.
Để thực hiện các quy hoạch nêu trên, thời gian qua UBND tỉnh Sơn La đã chủ động phối hợp với ngành hàng không Việt Nam tích cực nghiên cứu, kêu gọi và đề xuất các phương án xây dựng Cảng hàng không Nà Sản.
Sân bay Nà Sản nằm ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Năm 2004, sân bay được "tạm đóng cửa để nâng cấp" nhưng đến nay vẫn chưa mở cửa hoạt động. Ảnh: Báo Đầu tư |
Đến nay, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Cảng hàng không Nà Sản, đang hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư (trong đó tỉnh Sơn La cam kết bố trí kinh phí của địa phương để thực hiện công tác GPMB của dự án).
Nói thêm về hiệu quả của dự án, UBND tỉnh Sơn La đề nghị Bộ GTVT bên cạnh việc xem xét tính hiệu quả về kinh tế của riêng Cảng hàng không Nà Sản (như trong dự thảo quy hoạch), quan tâm, xem xét thêm các yếu tố quan trọng khác như: Thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, vùng Tây Bắc (từ đó kích thích làm phát sinh thêm nhu cầu vận tải hàng không);
Hiệu quả hoạt động của toàn mạng hàng không cả nước; Cơ động đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực Tây Bắc; Đặc biệt cùng với Cảng hàng không Điện Biên trở thành cặp cảng hàng không dự phòng cho nhau trong các trường hợp máy bay không thể hạ cánh do điều kiện thời tiết hoặc các tình huống khẩn cấp về an toàn hàng không.
Về nguồn vốn đầu tư sân bay, UBND tỉnh Sơn La cho rằng “có thể huy động kết hợp bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như: ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn quốc phòng - an ninh, doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác”.
Từ đây, UBND tỉnh Sơn La đề nghị Bộ GTVT quan tâm đưa Cảng hàng không Nà Sản vào Quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đồng thời đề nghị bổ sung dự án vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 với tổng mức đầu tư khoảng 2.295 tỷ đồng sử dụng kết hợp các nguồn vốn: ngân sách Trung ương, vốn doanh nghiệp nhà nước (ACV), vốn địa phương (để GPMB) và các nguồn vốn hợp pháp khác.
UBND tỉnh Sơn La cũng đề nghị nghiên cứu xây dựng và ban hành văn bản phân định rõ về quyền sở hữu tài sản đối với các cảng hàng không sử dụng chung giữa dân dụng và quân sự, tạo thuận lợi cho việc kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng cảng hàng không, đảm bảo đồng bộ với các quy định pháp luật về Đất đai, Đầu tư, Quản lý, sử dụng tài sản công, Hàng không dân dụng...
Theo quy hoạch phát triển sân bay tới năm 2020, định hướng 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2018, tới năm 2020 có 23 sân bay, tới năm 2030 có 28 sân bay. Ngoài các sân bay hiện có, sẽ đầu tư thêm các sân bay gồm: Long Thành (Đồng Nai), Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sapa (Lào Cai), Quảng Trị, Phan Thiết.
Tuy nhiên, trong Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 được Cục Hàng không Việt Nam đưa ra lấy ý kiến, dự kiến, tới năm 2030 Việt Nam sẽ chỉ có 26 sân bay, thay vì kế hoạch phát triển 28 sân bay như quy hoạch năm 2018, nhiều đề xuất mở thêm sân bay tại địa phương mình đã không được đưa vào kế hoạch.
Trong đó, đơn vị soạn thảo đề nghị giai đoạn này chỉ xây dựng 4 trong 6 sân bay đã được Quy hoạch trước đó, tạm thời lùi thực hiện sân bay Nà Sản và Lai Châu cho giai đoạn sau năm 2030.
Định hướng đến năm 2050, sẽ phát triển lên 30 sân bay, khi đó mới triển khai tới sân bay Nà Sản, Lai Châu, bổ sung thêm sân bay Cao Bằng và sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô.
Thời gian qua, liên tiếp nhiều địa phương đề nghị được xây dựng sân bay. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, chỉ quy hoạch sân bay khi có nhu cầu, mà nhu cầu phải xác định theo vùng lãnh thổ, vùng dân cư. Nhiều địa phương đề nghị làm sân bay nhưng nhu cầu không đáng kể, không đủ để làm sân bay và nếu làm sân bay thì họ sẽ lỗ nặng.
Đầu tiên phải xác định sân bay phục vụ cho dân cư của vùng địa lý quanh sân bay đó. Vùng địa lý có thể chia đều ở khoảng cách giữa 2 sân bay lân cận vì người dân thường chọn đường đi thuận tiện để đến sân bay gần nhất. Vậy số lượng dân cư của vùng sân bay đó là bao nhiêu triệu người? Thu nhập bình quân đầu người là mấy chục triệu đồng một năm? Thông thường người dân thu nhập cao mới có khuynh hướng đi máy bay, còn với thu nhập trung bình hay thấp thì đi đường bộ, đường sắt hay đường thủy. Mặt khác, khoảng cách với các sân bay lân cận là bao nhiêu? Phải làm phương án tài chính xem lỗ bao nhiêu.
Theo thông tin được công bố trước đó, trong số 22 sân bay do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý và khai thác, không kể sân bay Vân Đồn, đến nay chỉ có 6 sân bay hoạt động có lãi, gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hòa), Liên Khương (Lâm Đồng), Phú Bài (Thừa Thiên Huế), 16 sân bay còn lại vẫn lỗ, số lượng hành khách thấp hơn mức thiết kế.