Sơn La muốn xây sân bay Nà Sản trước 2030: Khó thuyết phục
GS Đào cho rằng, cần bình tĩnh trước những đề xuất làm sân bay của địa phương, không thể vì lợi ích trước mắt mà chạy đua làm sân bay.
UBND tỉnh Sơn La vừa đề nghị Bộ GTVT đưa Cảng hàng không Nà Sản vào Quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) chỉ rõ, theo quy hoạch phát triển sân bay tới năm 2020, định hướng 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2018, tới năm 2020 có 23 sân bay, tới năm 2030 có 28 sân bay. Ngoài các sân bay hiện có, sẽ đầu tư thêm các sân bay gồm: Long Thành (Đồng Nai), Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sapa (Lào Cai), Quảng Trị, Phan Thiết.
Tuy nhiên, trong Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 được Cục Hàng không Việt Nam đưa ra lấy ý kiến, dự kiến, tới năm 2030 Việt Nam sẽ chỉ có 26 sân bay, thay vì kế hoạch phát triển 28 sân bay như quy hoạch năm 2018, nhiều đề xuất mở thêm sân bay tại địa phương mình đã không được đưa vào kế hoạch.
Trong đó, đơn vị soạn thảo đề nghị giai đoạn này chỉ xây dựng 4 trong 6 sân bay đã được Quy hoạch trước đó, tạm thời lùi thực hiện sân bay Nà Sản và Lai Châu cho giai đoạn sau năm 2030.
Nguyên nhân được cho là do dự báo nhu cầu vận tải đạt thấp (đạt 0,5 triệu khách/năm vào năm 2030). Do vậy, nếu chỉ xét độc lập Cảng hàng không Nà Sản thì tính hiệu quả về kinh tế chưa cao; khó khăn trong kinh phí đầu tư...
Định hướng đến năm 2050, sẽ phát triển lên 30 sân bay, khi đó mới triển khai tới sân bay Nà Sản, Lai Châu, bổ sung thêm sân bay Cao Bằng và sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô.
"Tư vấn đề xuất đưa Cảng hàng không Nà Sản ra khỏi quy hoạch 2021-2030 và đến năm 2050 mới triển khai sân bay này là hoàn toàn hợp lý"", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Cảng hàng không Nà Sản hiện nay |
Nhắc lại câu chuyện hàng loạt địa phương thời gian qua đề xuất đầu tư sân bay và bây giờ đến lượt tỉnh Sơn La kiến nghị với tổng mức đầu tư mỗi sân bay lên đến hàng nghìn tỷ đồng, GS Đào đặt vấn đề: Sơn La và các địa phương khác khi đưa ra đề xuất như vậy có thực sự dựa trên nhu cầu, giao lưu, vận chuyển hàng hóa không, hay đơn giản chỉ là muốn xin dự án để giải ngân vốn đầu tư công?
Đây là vấn đề nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển trăn trở suốt thời gian qua. Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tất cả các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, đầu tư công được đẩy mạnh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các địa phương chịu sức ép về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nên có lẽ muốn xin làm sân bay để có tăng trưởng cho địa phương, cho quốc gia mà không tính đến nhu cầu thực sự về vận chuyển, hiệu quả khai thác sân bay đó như thế nào.
"Đã đến lúc các cơ quan quản lý phải bình tĩnh xem xét đề xuất của các địa phương. Nếu các địa phương có nhu cầu thực sự để tính toán đó là tầm nhìn dài hạn cho tương lai thì hãy cân nhắc.
Như ở Anh quốc hiện nay đã tính đến cả việc làm sân bay cho taxi bay, mô tô bay và các nhà đầu tư được khuyến khích bỏ tiền để đầu tư cho tương lai dài hạn này.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam hiện nay, không thể lấy đầu tư công, lấy ngân sách nhà nước hay ngân sách địa phương để làm sân bay trong khi có nhiều nhu cầu bức thiết hơn như an sinh xã hội, trường học, xóa nhà tạm bợ cho người nghèo, chống sạt lở...", GS.TS Đặng Đình Đào nói.
Từ góc độ kinh tế, vị chuyên gia nhấn mạnh lại thực tế đa số các sân bay ở Việt Nam đều lỗ, số lượng hành khách thấp hơn mức thiết kế, đặc biệt là các sân bay nhỏ.
"Một dự án thấy trước sẽ lỗ thì nhà đầu tư tư nhân sẽ không làm, trong khi ngân sách nhà nước hay địa phương rất khó thực hiện. Chưa kể, sân bay còn phải đối mặt với bài toán kinh tế sau khi hoạt động. Lượng khách đến và đi sân bay Nà Sản được bao nhiêu?", GS Đào đặt câu hỏi và dẫn chứng sân bay Điện Biên tần suất khai thác sau nhiều năm không tăng, thậm chí có xu hướng giảm. Khi nhu cầu, tiềm năng hành khách của sân bay quá thấp thì đương nhiên sân bay sẽ lỗ nặng.
Cũng theo vị chuyên gia, qua theo dõi báo đài, ông được biết một trong những lý do khiến Sơn La đề xuất được sớm xây dựng sân bay Nà Sản trước năm 2030 là để đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng, tuy nhiên ông thấy lý do này chưa thuyết phục. Ngày nay, không chỉ sân bay mà các đường cao tốc, đại lộ... đều tính đến mục tiêu kép, trong đó có yếu tố an ninh quốc phòng.
"Các địa phương mong muốn phát triển kinh tế-xã hội là một chuyện, nhưng để xây dựng một sân bay cần tính toán đến rất nhiều yếu tố, còn trước mắt không nên vì tăng trưởng, vì sức ép giải ngân vốn đầu tư công mà xin dự án. Chúng ta còn cả hệ thống logistics cần phát triển, còn bao nhiêu hậu cần phục vụ cho đường sắt, đường bộ chưa làm, và đó mới là những thứ cần đầu tư cấp thiết hơn.
Các quốc gia có nhiều tiền có thể tính đến chuyện làm sân bay khắp nơi, nhưng Việt Nam thì chưa đến mức tỉnh nào cũng rải một sân bay. Phải tính toán cặn kẽ bài toán cân đối ngân sách, nhu cầu cần đầu tư tại thời điểm này của Việt Nam là gì...", GS.TS Đặng Đình Đào khuyến nghị.