“Sốt đất” đã hạ nhiệt?

Tại họp báo thường kỳ quý I/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường sáng 28/4, ông Mai Văn Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai đã thông tin về tình hình sốt đất ở các địa phương. Theo đó tình trạng sốt đất đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt.

 

“Sốt đất” đã hạ nhiệt? - Ảnh 1

Sốt đất hạ nhiệt nhờ thông tin quy hoạch được công khai

Nguồn cơn và kịch bản của bao nhiêu cơn sốt đất suốt hàng chục năm qua dường như đã quá quen thuộc, đó là việc giới đầu cơ lợi dụng các thông tin quy hoạch để thổi giá thị trường.

GS.TS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng cho rằng, thông tin quy hoạch không phải là “tội đồ” dẫn đến sốt đất. Khi có thông tin quy hoạch, cơ quan chức năng cần công bố càng rộng rãi càng tốt, đảm bảo tính minh bạch, đầy đủ và rõ ràng. Tuy nhiên, thông tin chỉ công bố khi dự án quy hoạch đã được chính thức phê duyệt để tránh tình trạng đầu cơ. Những “đơn thuốc” như đánh thuế nhằm chặn thổi giá, đầu cơ… đã được nhắc đến rất nhiều lần. Nhưng vấn đề áp dụng đơn thuốc này vào quá trình chữa trị vẫn còn nhiều điều để bàn bạc, xem xét.

Thực tế cho thấy, sau khi có dư luận về tình trạng sốt đất, Tổng cục Quản lý Đất đai đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố nhằm chấn chỉnh tình trạng sốt đất, trong đó có yêu cầu các địa phương phải công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất. Sau khi các địa phương công khai thông tin, tình trạng sốt đất có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Ở đây có bài học về công tác quản lý thị trường bất động sản. Do công tác này được triển khai chưa thấu đáo nên xuất hiện tình trạng môi giới lợi dụng, gây nóng thị trường. Chúng tôi tiếp thu bài học này để  trong cơ chế chính sách cũng như tổ chức thực hiện phải có sự kiểm tra, giám sát tốt hơn”, ông Phấn nói.

Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra ngày 28/4.  
Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra ngày 28/4.  

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản. Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất. Xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh/thành phố cần có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đẩy mạnh kiểm tra tình hình quản lý đất đai tại 26 tỉnh thành

Tại cuộc họp báo, ông Phấn cũng thông tin thêm, Tổng cục Quản lý Đất đai cũng đã lập kế hoạch kiểm tra vấn đề quản lý đất đai tại 26 tỉnh thành. Trong đó tại 13 tỉnh gồm Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bình Định, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An sẽ kiểm tra trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước 1/7/2014.

Cụ thể, tại Bình Thuận sẽ kiểm tra việc thực hiện công tác định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phát triển quỹ đất. Tại Hải Phòng sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Tại Hà Nội, sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại một số dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Tại TP Hồ Chí Minh sẽ kiểm tra các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước 1/7/2014. Ngoài ra, kiểm tra việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại một số dự án phát triển nhà.

Quang Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển