Sốt đất nền, nhà phố: Không khéo dính bẫy

(TNNĐ)- Đất nền được ví như “của để dành”, khả năng sinh lợi tốt, không bị hao mòn trong dài hạn. Do vậy, đây là phân khúc truyền thống được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.

>>> Hãy tỉnh táo với tờ rơi quảng cáo bán nhà

>>> Sập bẫy nhà đất giá 'bèo'

>>> Bán khống địa ốc, chủ đầu tư hay môi giới gây nhiễu thị trường?

>>> 8 rủi ro với cơn sốt đất nền sân bay Long Thành

Giao dịch, giá bán cùng tăng

Đất nền được ví như “của để dành”, khả năng sinh lợi tốt, không bị hao mòn trong dài hạn. Do vậy, đây là phân khúc truyền thống được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Cùng với đà tăng trưởng thị trường từ đầu năm đến nay, nhiều dự án đất nền nhà phố, biệt thự ghi nhận lượng giao dịch khả quan.

 can_trong

Tại TP.HCM, các dự án Jamona City (Q.7), Mega Ruby (Q.9), Dragon Parc (Nhà Bè), đã bán hết 100% chỉ trong vài tháng. Nhiều dự án khác cũng đã có tỉ lệ giao dịch thành công cao như: Mega Village Q.9 (trên 75%); Magnolia Q.Thủ Đức (trên 90%); Jamona Home Resort Q.Thủ Đức (trên 80%), Galleria Nhà Bè (trên 50%)…

Các dự án vùng ven như Thanh Yến Residence (Long An), Làng Sen Việt Nam (Long An), New Central Park (Bình Dương), Rich Home (Bình Dương), The Viva City (Đồng Nai), Marine City (Bà Rịa - Vũng Tàu)… cũng thu hút hàng trăm khách hàng trong mỗi đợt mở bán.

Giá bán của nhiều dự án cũng có sự điều chỉnh tăng từ 5 - 10%. Mức tăng giá này được nhiều chuyên gia đánh giá là hợp lý, chưa thể sốt ảo. Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay, không có tình trạng buông lỏng tín dụng, nợ xấu được kiểm soát và đang dần trở về mức hợp lý; giao dịch bất động sản hiện vẫn đang diễn ra bình thường; chưa xuất hiện hiện tượng đầu cơ, đẩy giá ảo trên thị trường bất động sản.

Thận trọng rủi ro pháp lý

Rủi ro pháp lý là điều khá phổ biến đối với các dự án đất nền. Theo ông Ngô Quang Phúc, P.TGĐ CTCP Địa ốc Him Lam, để chọn được dự án tốt cần dựa vào các yếu tố hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (các tiện ích xung quanh) và pháp lý đảm bảo.

Luật sư Nguyễn Văn Trường, Trưởng văn phòng Luật sư Trường, cho biết, các dự án “đất nền” có 2 dạng pháp lý: Đất sổ đỏ (xây theo quy hoạch) và nhà sổ hồng (có yêu cầu thời hạn xây dựng, hoàn công xong ra sổ). Để được bán đất sổ đỏ, hay còn gọi là “phân lô bán nền” chủ đầu tư phải làm thủ tục để được sự chấp thuận của UBND cấp tỉnh.

Theo Luật sư Trường, thực tế vẫn có nhiều dự án chưa được phép phân lô, bán nền nhưng chủ đầu tư vẫn rao bán, quảng cáo bán đất nền dự án cho người mua. Điều này khiến khách hàng bị nhầm lẫn và phát sinh nhiều rủi ro về sau.

Bên cạnh đó, nhiều môi giới nhỏ lẻ cũng “tung chiêu” phân lô tách thửa đất nông nghiệp rồi “gắn mác” dự án. Nhiều cái tên trước đây đã từng được cảnh báo về tình trạng rao bán đất nền, tách thửa khi chưa đủ điều kiện như: The Sun City Lan Phương, Newlife Bình Tân…

Bà Võ Thị Dịu Hiền, P.TGĐ Sacomreal, cho rằng, thị trường đã có sự khởi sắc trở lại,nhưng nếu không thận trọng, khách hàng vẫn có thể phải trả giá đắt. Theo bà Dịu Hiền, uy tín, năng lực của chủ đầu tư là yếu tố quan trọng mà khách hàng cần lưu ý để hạn chế tối thiểu rủi ro xảy ra.

>>> Hãy tỉnh táo với tờ rơi quảng cáo bán nhà

>>> Sập bẫy nhà đất giá 'bèo'

>>> Bán khống địa ốc, chủ đầu tư hay môi giới gây nhiễu thị trường?

>>> 8 rủi ro với cơn sốt đất nền sân bay Long Thành

Quốc Tuấn (Theo Vietnamnet)