Sứ Bát Tràng nợ thuế khủng: Chủ nhân bí ẩn thâu tóm công ty vì đất?
Được Hapro thoái vốn với mức giá gần 500.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp rưỡi cổ phiếu có thị giá cao nhất thời điểm hiện tại, Sứ Bát Tràng gây bất ngờ khi có chuỗi năm dài dằng dặc thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản.
Chủ nhân bí ẩn của Sứ Bát Tràng
Trong những ngày gần đây, Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng là một trong những cái tên được nhắc nhiều trên thị trường Hà Nội. Cùng với nhiều đơn vị khác, Sứ Bát Tràng đã bị “điểm danh” trong danh sách nợ thuế do Cục thuế Hà Nội công bố. Theo đó, Sứ Bát Tràng nợ 26 tỷ đồng tiền thuê đất.
Có kinh nghiệm lâu năm hoạt động trên thị trường, Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng thành lập ngày 16/5/1998 với sứ mệnh không hề nhỏ vì sản phẩm của công ty chứa nhiều giá trị truyền thống.
Sứ Bát Tràng là thành viên của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Tuy nhiên, Hapro không giúp được nhiều cho Sứ Bát Tràng khi dưới thời Hapro, Sứ Bát Tràng kinh doanh vô cùng bết bát. N
Năm 2016, Hapro thoái gần hết 64% vốn tại Sứ Bát Tràng. Một nhà đầu tư đã mua toàn bộ lô cổ phần này. Tuy nhiên, danh tính nhà đầu tư không được công bố. Và cho tới thời điểm hiện tại, chủ nhân thực sự của công ty vẫn là bí ẩn lớn trên thị trường.
Tuy nhiên, có thể dễ dàng tìm được lãnh đạo công ty. Và thật ngạc nhiên, vị trí cao nhất tại Sứ Bát Tràng liên tục thay đổi.
Chủ nhân của Sứ Bát Tràng không được tiết lộ nhưng năm 2017, Sứ Bát Tràng đã thay đổi thông tin người đại diện pháp luật với chức danh Giám đốc. Theo đó, bà Phạm Bích Ngọc đã thay vị trí này của ông Nguyễn Văn Lưu. Nhưng tới cuối năm 2019, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã thay thế bà Phạm Bích Ngọc. Cuối năm 2020, ông Nguyễn Trung Quang thế chân bà Hồng Hạnh.
Câu hỏi được đặt ra liệu những vị Giám đốc này có phải chủ nhân thực sự của Sứ Bát Tràng không hay chỉ là “người có liên quan”?
Thâu tóm công ty vì đất?
Phiên đấu giá cổ phần Sứ Bát Tràng của Hapro nhận được sự quan tâm từ dư luận. Phiên đấu giá nổi tiếng vì mức giá khởi điểm “không tưởng” và mức giá đấu thành công còn “không tưởng” hơn.
Trước khi phiên đấu giá diễn ra, bức tranh tài chính của Sứ Bát Tràng được công bố. Theo đó, năm 2013, công ty đạt doanh thu gần 5 tỷ đồng, lỗ sau thuế 375 triệu. Năm 2014, doanh thu giảm còn 3,9 tỷ đồng, số lỗ tăng lên 485 triệu.
Doanh thu thấp, thua lỗ triền miên nhưng giá khởi điểm lại lên tới 140.000 đồng/cổ phiếu và giá đấu thành công lại cao gấp 3, lên tới 421.600 đồng/cổ phiếu.
Vì vậy, giới đầu tư tin rằng chủ nhân Sứ Bát Tràng thâu tóm công ty vì quỹ đất mà công ty này được sử dụng.
Cụ thể, Sứ Bát Tràng có được hợp đồng thuê đất với diện tích đến hơn 10.000m2 tại thôn Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Trong đó, trung tâm thương mại chợ Bát Tràng tại Xóm 5 thôn Bát Tràng là một trong số những khu đất thuộc danh mục trên, với tổng diện tích 12.155,3 m2.
Theo tài liệu định giá, khu đất này gồm 11.958,5 m2 đất ngoài chỉ giới, thuê trả tiền hàng năm trong thời hạn 50 năm và 196,8 m2 đất trong chỉ giới trả tiền hàng năm. Lô đất này mặc dù đang sử dụng làm Trung tâm thương mại chợ Bát Tràng.
Không chỉ Trung tâm thương mại chợ Bát Tràng mà hầu hết các lô đất còn lại do Sứ Bát Tràng quản lý cũng nằm ở những vị trí khá đắc địa bên sông Hồng, chỉ cách một số khu đô thị lớn trong vùng từ một đến vài km. Danh mục đất này cũng là lý do khiến giá trị doanh nghiệp tăng đột biến sau khi đánh giá lại.
Sau đấu giá, Sứ Bát Tràng tiếp tục lao dốc
Sau khi gần 64% cổ phần Sứ Bát Tràng được trao cho một nhà đầu tư cá nhân, hoạt động công ty không hề được cải thiện.
Vào năm 2016, doanh thu Sứ Bát Tràng vọt lên 5,5 tỷ đồng. Sau đó, chỉ tiêu này giảm xuống còn 3 tỷ đồng (năm 2017), 3,3 tỷ đồng (năm 2018), chỉ 643 triệu đồng (năm 2019) và 1,3 tỷ đồng (năm 2020).
Doanh thu bấp bênh, kết quả là Sứ Bát Tràng nối dài chuỗi ngày thua lỗ. Trong giai đoạn 2016 – 2020, các khoản thua lỗ lần lượt là 1,2 tỷ đồng, 9 tỷ đồng, 3,7 tỷ đồng, 3,2 tỷ đồng và 1,7 tỷ đồng.
Thua lỗ khiến vốn của Sứ Bát Tràng hao hụt đáng kể. Đến năm 2019, công ty chính thức âm vốn chủ sở hữu với số âm 2,3 tỷ đồng. Tới thời điểm cuối năm 2020, công ty âm vốn 3,9 tỷ đồng.
Nhìn vào bức tranh tài chính này, có thể thấy, nghi ngờ nhà đầu tư cá nhân thâu tóm Sứ Bát Tràng chỉ vì đất là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng nghịch lý ở chỗ, Sứ Bát Tràng lại bị réo tên vì nợ tiền thuê đất.