Sửa quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Trong đề xuất của NHNN, nhiều quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được sửa đổi, bổ sung.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 07/2015 và Thông tư 13/2017 quy định về bảo lãnh ngân hàng.

 Trong đó, dự thảo thông tư đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về hoạt động bảo lãnh của ngân hàng tại các dự án nhà ở hình thành trong tương lai theo hướng tăng trách nhiệm của chủ đầu tư, ngân hàng thương mại để bảo vệ quyền lợi người mua nhà.

Theo NHNN, Thông tư 07 được sửa đổi, bổ sung vào năm 2017 bởi Thông tư 13 với nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu liên quan đến bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hai thông tư trên có phát sinh một số vướng mắc liên quan đến các nội dung về giải thích từ ngữ, thời điểm xác định số dư bảo lãnh, phương thức thực hiện hoạt động bảo lãnh bằng điện tử, bảo lãnh đối với khách hàng là người không cư trú, quy trình phát hành cam kết bảo lãnh cho người mua nhà, cách xác định số dư bảo lãnh đối với chủ đầu tư, quyền và nghĩa vụ của các bên trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai…

Bên cạnh đó là các vướng mắc về mẫu cam kết bảo lãnh, xác định thời hạn của cam kết bảo lãnh, thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, hạch toán cho vay bắt buộc, về quy định nội bộ, trách nhiệm của các đơn vị... Do đó, các tổ chức tín dụng kiến nghị cần được tiếp tục nghiên cứu, xử lý.

Vì vậy, để thống nhất với các quy định pháp luật và xử lý các vấn đề thực tế phát sinh nêu trên, việc thay thế Thông tư 07 và Thông tư 13 là hết sức cần thiết.

Dự thảo mới của NHNN sẽ giúp bảo vệ người mua nhà, tăng trách nhiệm của ngân hàng thương mại, chủ đầu tư trong các hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.  
Dự thảo mới của NHNN sẽ giúp bảo vệ người mua nhà, tăng trách nhiệm của ngân hàng thương mại, chủ đầu tư trong các hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.  

Về việc bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, Thông tư 07/2015 hiện không cấm các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, dự thảo đề xuất bổ sung thêm cả quy định không cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai với các ngân hàng thương mại đang trong giai đoạn áp dụng can thiệp sớm của NHNN.

Theo cơ quan quản lý, quy định này là để phù hợp quy định tại Luật các tổ chức tín dụng hiện nay. Trong đó, trường hợp ngân hàng thương mại bị xem xét áp dụng can thiệp sớm nhưng chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt bao gồm, không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định trong 3 tháng liên tục; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong 6 tháng liên tục; và xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của NHNN.

Thông tư 07 trước đó quy định ngân hàng thương mại và chủ đầu tư ký hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản thì tại dự thảo lần này sửa đổi, bổ sung thêm việc ngân hàng thương mại và chủ đầu tư ký hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định tại khoản 14 Điều 3, Điều 15 Thông tư này, trong đó có nội dung quy định nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng thương mại đối với bên mua chỉ phát sinh sau khi bên mua nhận được cam kết bảo lãnh do ngân hàng thương mại phát hành cho bên mua.

Theo NHNN, bổ sung quy định này nhằm giúp người mua nhà nắm rõ quyền lợi thụ hưởng bảo lãnh của mình chỉ được đảm bảo khi nhận được cam kết bảo lãnh của ngân hàng thương mại, trên cơ sở đó sẽ yêu cầu chủ đầu tư cung cấp cam kết bảo lãnh của ngân hàng thương mại (ngoài Hợp đồng bảo lãnh đã cung cấp trước khi ký hợp đồng mua bán nhà ở).

Tại dự thảo này còn bổ sung quy định quyền và trách nhiệm của các bên (ngân hàng thương mại, chủ đầu tư và bên mua) mà Thông tư 07 chưa có quy định.

Theo NHNN, lý do dự thảo lần này bổ sung quy định rõ trách nhiệm của các bên khi chủ đầu tư gửi chậm, tránh trường hợp ngân hàng biết chủ đầu tư đã bán được nhà nhưng không nhận được đề nghị phát hành cam kết bảo lãnh, người mua nhà không nhận được cam kết bảo lãnh nhưng vẫn nộp tiền mua nhà…

Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm phát hành cam kết bảo lãnh của ngân hàng trong cả trường hợp chủ đầu tư gửi hợp đồng mua, thuê mua nhà ở không đúng thời hạn quy định (gửi chậm) miễn là ngân hàng thương mại nhận được trước khi hợp đồng mua bán nhà đến hạn bàn giao.

Dự thảo cũng quy định, số dư bảo lãnh đối với chủ đầu tư bao gồm tổng số tiền chủ đầu tư đã nhận ứng trước của các bên mua sau thời điểm ngân hàng thương mại phát hành cam kết bảo lãnh cho các bên mua theo tiến độ đã thỏa thuận trước khi nhà ở được bàn giao và các khoản tiền phát sinh khác mà chủ đầu tư phải hoàn trả cho bên mua khi không bàn giao được nhà theo cam kết....

Theo NHNN, việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư 07 và Thông tư 13 giúp hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý về bảo lãnh ngân hàng nhằm phản ánh đầy đủ thực tế hoạt động bảo lãnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng an toàn, hiệu quả.

Minh Thái

Theo Đất Việt