Đà Nẵng kiến nghị Trung ương ủng hộ chủ trương đầu tư nhiều dự án lớn, áp dụng chính sách đặc thù

Việc tập trung phòng, chống dịch COVID-19 đã làm một số ngành kinh tế chủ lực của Đà Nẵng sụt giảm mạnh. Lãnh đạo TP kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương ủng hộ chủ trương đầu tư nhiều dự án lớn nhằm thực hiện nhiệm vụ “kép”. Vừa phòng, chống, kiểm soát đại dịch, đảm bảo an sinh xã hội, vừa đẩy mạnh các hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế.

Thu ngân sách 8 tháng năm 2021 đạt 52%

Báo cáo hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8 tháng năm 2021 ước đạt hơn 11.000 tỷ đồng, bằng 52,3% dự toán (bình quân cả nước đạt 77%) và bằng 97% so với cùng kỳ năm 2020.

Việc tập trung phòng, chống dịch COVID-19 đã làm một số ngành kinh tế chủ lực của Đà Nẵng sụt giảm mạnh, nhiều công trình, dự án phải tạm dừng triển khai.  
Việc tập trung phòng, chống dịch COVID-19 đã làm một số ngành kinh tế chủ lực của Đà Nẵng sụt giảm mạnh, nhiều công trình, dự án phải tạm dừng triển khai.  

Giải thích lý do thu ngân sách chưa đạt như kỳ vọng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, việc áp dụng các quy định giãn cách xã hội và một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 đã làm một số ngành kinh tế chủ lực của TP giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019. Đồng thời đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống các tầng lớp nhân dân. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước năm 2021 tăng 2,33% so với cùng kỳ năm 2020.

Dịch vụ du lịch, một trong những mũi nhọn kinh tế của Đà Nẵng, chịu tác động trực tiếp từ dịch COVID-19 nên khi dịch bệnh tái bùng phát trên diện rộng buộc chính quyền TP phải tạm ngừng mọi hoạt động, dẫn đến doanh thu các nhóm ngành du lịch tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Việc cung ứng hàng hóa gặp nhiều khó khăn do nguồn cung hạn chế, khả năng vận chuyển nguồn hàng từ bên ngoài vào TP gặp vướng mắc do các biện pháp kiểm soát dịch.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh, chính quyền TP chỉ cho phép các cơ sở sản xuất trong Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao được tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ), tuân thủ tuyệt đối quy định ”5K”, đồng thời chỉ được phép sử dụng tối đa 30% số người làm việc.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do chi phí vận hành gia tăng và phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức ăn ở, sinh hoạt cho người lao động. Đối với các doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ” thì phải hoạt động cầm chừng hoặc phải tạm ngừng hoạt động.

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các kết luận thanh tra, điều tra, kiểm toán và thi hành các bản án của các cấp thẩm quyền liên quan đến các vụ việc trước đây đã phát sinh nhiều vướng mắc, nhất là trong thủ tục đất đai đối với các dự án bất động sản, ảnh hưởng nhiều đến việc khơi thông các nguồn lực cho sự phát triển của TP Đà Nẵng.

Tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao tại Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các công trình, dự án trên địa bàn TP đang tạm dừng nên không có khối lượng để thực hiện thủ tục thanh toán, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Các khó khăn về thủ tục, giải phóng mặt bằng; quy trình triển khai dự án phải phối hợp nhiều cơ quan, đơn vị, qua nhiều bước… cũng là tình hình chung của cả nước do các quy định hiện hành.

Kiến nghị Trung ương hỗ trợ nhiều dự án lớn trên địa bàn Đà Nẵng

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, trên cơ sở dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 đạt 2,33% so với năm 2020, phấn đấu năm 2022 đạt 5 - 6% so với ước thực hiện năm 2021, TP Đà Nẵng sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện nhiệm vụ “kép”. Vừa phòng, chống, kiểm soát đại dịch, đảm bảo an sinh xã hội; vừa đẩy mạnh các hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế.

Cụ thể, nhằm hỗ trợ TP Đà Nẵng thực hiện các nhiệm vụ được Trung ương giao, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm ủng hộ việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Đà Nẵng trong năm 2021.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ chính quyền TP Đà Nẵng trong việc lập, trình Đề án xây dựng TP Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực, cho phép TP Đà Nẵng lập Đề án xây dựng Khu phi thuế quan tại TP Đà Nẵng.

Cùng với đó, lãnh đạo TP Đà Nẵng đề nghị Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành Trung ương ủng hộ chủ trương phê duyệt, triển khai Dự án Nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách T1- Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14B (đoạn còn lại qua địa phận Đà Nẵng); Dự án xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP Đà Nẵng;

Cũng như ủng hộ chủ trương đầu tư các Khu công nghiệp mới (Hòa Cầm – Giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh); tiếp tục đầu tư tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan (đoạn Hòa Liên - Túy Loan; điều chỉnh chủ trương đầu tư và giấy phép kinh doanh Casino tại Khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Nà Hills...

Đồng thời Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân một số dự án đầu tư công sang năm 2022, như Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, tuyến đường cấp bách chiến lược quốc phòng phục vụ quân sự và dân sinh quận Liên Chiểu, đường giao thông nội thị Cẩm Lệ...

Thu ngân sách 8 tháng năm 2021 của Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đạt 88% kế hoạch năm

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 8 tháng đầu năm 2021 đạt được kết quả cao trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Toàn vùng thu đạt 139,3 nghìn tỷ đồng, đạt 88% so với dự toán năm, cao hơn mức bình quân chung cả nước (cả nước 77%); trong đó thu nội địa đạt 105.000 tỷ đồng, đạt 85% dự toán (cả nước 75%), thu xuất nhập khẩu 33.000 tỷ đồng, đạt 95% dự toán (cả nước 82%).

Có một số địa phương thu 8 tháng đã vượt dự toán năm như Quảng Trị (vượt 26%); Thừa Thiên Huế (vượt 15%); Bình Thuận (vượt 13%); Hà Tĩnh (vượt 2%); Quảng Bình thu đạt 100% dự toán. Bên cạnh đó vẫn còn có Đà Nẵng và Khánh Hòa thu đạt 67% so với dự toán, thấp hơn bình quân cả nước.

Hải Châu

Theo Doanh nghiệp Việt Nam