Kiến nghị tiếp tục cho khách hàng vay ưu đãi vốn thuê mua nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Xây dựng đề nghị NHNN giữ nguyên quy định cho khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Theo HoREA, hiện nay NHNN đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 25 về hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Trong đó, NHNN dự thảo loại trừ đối tượng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Lý do sửa đổi là Luật Nhà ở quy định các chính sách hỗ trợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Tại tổ chức tín dụng được chỉ định chỉ có chính sách hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, không có chính sách hỗ trợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, HoREA cho rằng quan điểm này của NHNNkhông phù hợp với chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2014. “Hiệp hội đã nghiên cứu rất kỹ các chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2014, nhận thấy rất rõ là luật không hề cấm cho vay ưu đãi đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội”, HoREA nêu.

Theo HoREA, trong tổng thể các chính sách về nhà ở xã hội của Nhà nước ta, chính sách cho vay tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi là quan trọng bậc nhất. Bởi, chính sách mà người thu nhập thấp cần nhất khi mua, thuê mua nhà ở xã hội là được vay tín dụng với lãi suất ưu đãi trong dài hạn.

HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên ưu đãi vay vốn mua, thuê nhà ở xã hội.  
HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên ưu đãi vay vốn mua, thuê nhà ở xã hội.  

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2020 có rất ít người dân được vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, vừa do thiếu dự án nhà ở xã hội, vừa do nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hoặc cấp bù lãi suất quá chậm và ít. Hiện nay, Nhà nước đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại bình quân của các ngân hàng thương mại lớn nhất.

Về thời hạn cho vay ưu đãi thì trong giai đoạn 2006-2015 tối đa là 10 năm; giai đoạn 2015-2020 tối đa là 15 năm. Mới đây, nghị định 49/2021 đã nâng thời hạn tối đa lên đến 25 năm cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Với đề xuất của NHNN, Hiệp hội nhận định sẽ “tước bỏ” chính sách cốt lõi của Nhà nước là hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội là những người bị thiệt nhất, có tác động tiêu cực đến thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.

Bên cạnh đó, HoREA còn cho rằng đề xuất này của NHNN không phù hợp với Khoản 4 Điều 16 Nghị định 100 và Khoản 4 Điều 16 Nghị định 100 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định 49). Do vậy Hiệp hội cho rằng NHNN đã không chính xác khi loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Vì vậy, HoREA đề nghị NHNN vẫn giữ nguyên quy định cho khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội với mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà.

Ngoài ý kiến trên, Hiệp hội thống nhất với NHNN về việc bổ sung quy định hạn mức vay tối đa không quá 500 triệu đồng. Theo đó, đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Ngoài ra, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 theo hướng bổ sung thêm cụm từ “mua, thuê mua nhà ở xã hội” để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật.

Trước đó, NHNN cho biết đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Dự thảo lần này đã loại trừ đối tượng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở.

Văn Đức

Theo Doanh nghiệp Việt Nam