Sửa Thông tư 16: Mở cơ chế linh hoạt hơn cho các ngân hàng đang 'ôm' nhiều TPDN
Theo Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 2,5% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng. Dự thảo Thông tư 16/2021 của Ngân hàng Nhà nước nếu được áp dụng sẽ cho phép các ngân hàng có tỷ lệ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tương đối lớn như TPBank, Techcombank, MB và VPBank linh hoạt hơn trong việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng như thực hiện các cam kết (nếu có) liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng (TCTD) mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu ngân hàng).
Theo đó, dự thảo sửa đổi cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán ra trước đó đến ngày 31/12/2023; cho phép ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu nhập từ hoạt động kinh doanh và thu thập đủ tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn lưu động.
Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 không cho phép ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Một số sửa đổi khác liên quan đến phương thức thanh toán, xếp hạng nội bộ của ngân hàng và giám sát mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Các điểm quan trọng khác của dự thảo sửa đổi có thể kể đến như ngân hàng chỉ được phép mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và chỉ được phép mua trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp không có nợ xấu trong 12 tháng gần nhất vẫn được giữ nguyên.
Theo ACBS, điểm tích cực nhất đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp của dự thảo trên là tăng tính hấp dẫn trong việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng và phần nào làm tăng tính thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các ngân hàng hiện đang là trái chủ lớn nhất, ước tính chiếm khoảng 34% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.
Trong khi đó, ACBS cho rằng tác động của dự thảo này lên hệ thống ngân hàng sẽ không đáng kể. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 2,5% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng.
Đối với các ngân hàng có tỷ lệ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tương đối lớn như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB), dự thảo sửa đổi Thông tư 16 nếu được áp dụng sẽ cho phép các ngân hàng này linh hoạt hơn trong việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng như thực hiện các cam kết (nếu có) liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Theo ACBS, dự thảo sửa đổi Thông tư 16 là một trong những động thái để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển một cách lành mạnh của Chính phủ. Điều này cũng sẽ giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư – vốn đang ở mức rất thấp sau một số sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trước đó, Nghị định 08/2023 của Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp đàm phán với trái chủ để gia hạn kỳ hạn trái phiếu hoặc thanh toán bằng tài sản khác, cùng với tạm ngưng áp dụng một số điều kiện về nhà đầu tư chuyên nghiệp so với Nghị định 153/2020 và Nghị định 65/2022.