Sức hút bất động sản trên trục đường Nguyễn Trãi – Hà Đông

- 10 năm trở về trước, đoạn đường từ Nguyễn Trãi kéo dài tới Trần Phú (Hà Đông) được coi là cung đường “đau khổ” của người dân Thủ đô nói chung và phía Tây Nam nói riêng. Tuy nhiên, với 2 công trình hạ tầng giao thông đặc biệt quan trọng (năm 2006 và 2016), điều kiện di chuyển tại khu vực này đã lột xác hoàn toàn. Theo đó, BĐS nơi đây đã và đang khẳng định sức hấp dẫn với người cần nhà và giới đầu tư.

Sức hút bất động sản trên trục đường Nguyễn Trãi – Hà Đông - Ảnh 1

Điểm khởi đầu mạnh mẽ

Tháng 5/2006, cầu vượt Ngã tư Sở - cây cầu dây văng đầu tiên ở Hà Nội được thông xe kỹ thuật. Công trình này, ngay lập tức góp phần giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng cho ngã tư Sở (hay còn gọi là Ngã tư Khổ suốt thời gian trước).

Cửa ngõ Tây Nam được chú ý bởi giới đầu tư, kinh doanh địa ốc, sớm nhất phải kể đến Vincom (nay là VinGroup) – bằng tổ hợp công trình Khu đô thị xanh Royal City (74 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân). Tháng 1/2010, tổ hợp công trình lớn gồm khách sạn cao cấp, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, các khu nhà ở chung cư cao cấp và trường học, nhà trẻ mẫu giáo, vườn hoa… được khởi công với tổng kinh phí đầu tư xây dựng lên tới 9.999 tỷ đồng.

Tại thời điểm đó, cho thấy sự nhạy bén và tầm nhìn của Vincom về tiềm năng dự án – vị trí khu đất. Đúng 3 năm sau, tổ hợp hình thành và đi vào sử dụng với tỷ lệ lấp đầy đáng nể - như một khẳng định cho sự lựa chọn của Vincom.

Tương tự, cách Royal City chừng vài trăm mét, cũng ghi nhận một dự án có vị trí tương đương được đặt nền móng bởi chủ đầu tư Hoàng Huy. Vẫn là thời điểm năm 2010, DN Hoàng Huy tỏ ra nhanh nhạy không kém so với việc khởi công dự án Tổ hợp nhà ở - thương mại dịch vụ Golden Land 275 Nguyễn Trãi.

Không so sánh về quy mô (đất đai, vốn đầu tư), nhưng có thể thấy “người” Hoàng Huy đã gặp Vincom ở tầm nhìn dài hạn về BĐS – trong mẫu số chung là hạ tầng liên tục được bồi đắp, hoàn chỉnh. Gần như cùng thời điểm dự án 74 Nguyễn Trãi hoàn thành đi vào sử dụng, Golden Land mau chóng hoàn công giai đoạn 1 để đón hàng nghìn người dân vào sinh sống ổn định với các tiện nghi, tiện ích đầy đủ. Đáng nói, đây là dự án “đầu tay” của ông chủ Hoàng Huy - sau khi đã đạt được đỉnh cao ở mảng hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô, tài chính.

Cũng cần nhắc thêm về dự án đặt tại khu đất tiếp giáp hàng loạt trường ĐH, CĐ và nút giao thông lớn của Hoàng Huy, những sản phẩm căn hộ và quy hoạch tiện ích nội khu nơi đây được chủ đầu tư chăm chút tỉ mỉ - thậm chí được so sánh với quy trình lắp ráp từng con ốc, bu-long trong động cơ. Dẫu rằng, đâu đó vẫn có vài tình huống chưa vừa ý khách hàng, nhưng có thể thấy cái tâm của DN quyết chí khẳng định vị thế của mình trên thị trường BĐS đang rất thiếu những thương hiệu mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng.

Vẫn là VinGroup và…Hoàng Huy?

Trên trục Nguyễn Trãi, không chỉ có dự án của VinGroup và Hoàng Huy. Còn có dự án nhà ở Thượng Đình Plaza, 108 Nguyễn Trãi hay mới đây là Sunshine Boulevard – do Sunshine Group, một “ người khổng lồ “ mới nổi làm chủ đầu tư.

Năm 2016, góc Tây Nam thủ đô lại một lần nữa « lên đời » nhờ nút giao thông 4 tầng chính thức đi vào hoạt động. Hướng đi từ Hà Đông lên Ngã tư Sở thông thoáng, giảm thiểu cảnh tắc nghẽn tại nút giao Nguyễn Xiển – Nguyễn Trãi (có một phần lý do từ thi công công trình đường sắt trên cao), đường Vành đai 3 kết nối tới Mỹ Đình và Thanh Trì cũng dễ dàng hơn bất cứ lúc nào. Giới thạo nghề đã nhận ra sự chuẩn bị (từ trước đó) của những chủ đầu tư « lá cờ đầu » là có cơ sở.

Giữa năm 2015 (khoảng 1 năm trước khi nút giao 4 tầng khánh thành), VinGroup đã chính thức được Hà Nội giao thực hiện cho KĐT chức năng rộng hơn 110.000m2 tại mặt đường Nguyễn Trãi. Đặt tại địa chỉ 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi - "khu đất vàng" đối diện với Royal City, biết đến với tên gọi dân dã là Khu Cao Xà Lá, tổ hợp căn hộ hạng sang và trung tâm thương mại Vinhomes SmartCity được đầu tư tới hàng nghìn tỷ đồng và hứa hẹn sức hút ngang ngửa Royal City thời gian trước.

Sức hút bất động sản trên trục đường Nguyễn Trãi – Hà Đông - Ảnh 2


Theo tìm hiểu, Hoàng Huy Group đang khẩn trương triển khai giai đoạn 2 của dự án GoldenLand. Đại diện của Tập đoàn Hoàng Huy cho biết, Hoàng Huy sẽ triển khai tiếp dự án Golden Land sau khi thực hiện chuyển đổi xong khu đất gần 5.000 m2 từ quy hoạch ban đầu là xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng thành tòa nhà hỗn hợp, đa chức năng, trong đó có phần lớn là chung cư để bán. Điều này, đã được cụ thể hóa bằng việc Hoàng Huy ký kết thành công hợp đồng tổng thầu thi công với Phục Hưng Holdings cách đây chưa đầy 1 tháng (dự kiến hoàn thiện trong 360 ngày).
Trong mắt người mua nhà, BĐS định vị trên đoạn đường Nguyễn Trãi tới nút giao 4 tầng (với Nguyễn Xiển) thực sự đáng cân nhắc. Lý do, đây là đoạn tuyến nối vào cửa ngõ Tây Nam Hà thành, tiếp cận vành đai 3, đường trên cao cũng như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông rất tiện lợi về hạ tầng - giao thông.

Có ý kiến cho rằng, tình trạng ùn ứ vẫn diễn ra nếu di chuyển từ Hà Đông qua nút giao 4 tầng trước khi đến ngã tư Sở. Một lần nữa, quyết sách từ UBND TP Hà Nội đã « gãi » đúng chỗ ngứa của người dân Thủ đô. Cụ thể, tháng 12/2016, UBND Tp. Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung (đoạn từ Vành đai 3 đến Vành đai 3,5), tỷ lệ 1/500.

Thông tin đường mở rộng (mỗi bên tối thiểu 50m từ chỉ giới đường đỏ) đã làm thay đổi quyết định mua nhà của nhiều người. «Tôi làm việc ở Hà Đông, việc di chuyển từ ngã tư Sở vốn rất khó khăn, đoạn từ nút giao Nguyễn Xiển về Trần Phú. Nay, Thành phố sắp mở rộng đoạn đường này, như vậy còn gì bằng. Nếu Vinhomes SmartCity hay Golden Land mau chóng triển khai chắc chắn gia đình tôi sẽ nghiên cứu và nhanh chóng chốt một căn tại khu vực này» - anh Hải, cán bộ kế toán hiện đang sinh sống tại khu vực Đống Đa cho biết./.

 

Sự mở rộng của hạ tầng giao thông là cú hích cho bất động sản phía Tây Hà Nội và quận Thanh Xuân phát triển tốt. Khi đường giao thông được mở rộng, cư dân sinh sống hai bên trục lộ luôn có khả năng phát triển nhanh vì thuận tiện đi lại. Điều này đã diễn ra ở TP HCM, khi tuyến Metro vận hành, kinh tế của hai bên cư dân trục lộ phát triển rất nhanh…

(Chuyên gia tài chính, ngân hàng và đầu tư, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu )

 

So với trục Nguyễn Trãi trục Lê Văn Lương đang “mất giá” trong mắt người mua nhà bởi tình trạng quá tải hạ tầng. Từ cuối năm 2015 tới nay, đoạn đường gần 1km (từ nút giao Nguyễn Xiển tới nút giao Láng Hạ), đã cõng hàng chục dự án hình thành, hoàn thiện. Đơn cử: The Golden West, Times Tower, Golden Palace Lê Văn Lương, Hacinco Complex, Dự án The Golden Palm, dự án hỗn hợp của BRG Group…Tuyến đường Lê Văn Lương vốn chỉ phải gánh các phương tiện của cư dân KĐT Trung Hòa - Nhân Chính và vùng phụ cận, đồng thời còn là tuyến huyết mạch kết nối khu trung tâm với khu phía Tây Hà Nội. Việc hàng loạt dự án liên tiếp ra đời/hoàn thiện đẩy tuyến đường này vào cảnh quá tải là điều đã được đoán trước
 

 

 

.

 

Theo P.V
Báo Tiền phong



 

Link nguồn: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/suc-hut-bds-tren-truc-duong-nguyen-trai-ha-dong-1222637.tpo