Sức khỏe doanh nghiệp: Đầu năm tăng tốc, nửa cuối năm “hụt hơi”
Đầu năm tăng hết tốc lực với chủ trương khôi phục, vực dậy thị trường “ngủ đông” dài hạn suốt mùa dịch bệnh 2021, thị trường bất động sản nói riêng và toàn cảnh kinh tế nói chung lại “khổ sở” với câu chuyện vốn tín dụng. Sự giật cục đột ngột đã khiến nhiều doanh nghiệp vỡ kế hoạch kinh doanh, thậm chí ảnh hưởng đến cả công tác chi trả dịp cuối năm.
Chính sách tín dụng cho doanh nghiệp cần nhịp nhàng hơn
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho người dân, doanh nghiệp. |
Bên cạnh rất nhiều nỗ lực nhằm hướng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và phục hồi tăng trưởng sau đại dịch, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cải tiến khá tốt trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, công tác điều hành room tín dụng vẫn còn nhiều điểm đáng lưu ý vì ảnh hưởng tiêu cực đến tổng quan thị trường kinh tế nước ta.
Chính sách bắt buộc phải có trần room tín dụng và duy trì lâu dài nhưng phương thức điều hành cần được cải thiện nhịp nhàng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, ông cho rằng nên điều hành cần linh hoạt hơn theo 2 hướng: Một là giao tổng room từ đầu năm; Hai là điều hành trên cơ sở để cho các ngân hàng và khách hàng chủ động lập kế hoạch với nhau, chứ không phải giao cho một con số nào đó để rồi diễn ra tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc bị siết lại một cách đột ngột, khiến cho doanh nghiệp có thể vỡ kế hoạch. Lý do là bởi doanh nghiệp không vay ngay một khoản lớn mà đầu tư tới đâu thì vay tới đó.
Nếu điều hành theo phương thức cũ, sẽ khiến rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn ở giai đoạn cuối năm, chuyện đổ vỡ hoàn toàn có thể xảy ra và ảnh hưởng tới đời sống của hàng nghìn người lao động, tạo thành gánh nặng cho xã hội.
Trong năm nay, ngành bất động sản “khó chồng khó” khi giá cả nguyên vật liệu leo thang, hợp đồng cũng bị hạn chế rất nhiều. Do đó, nếu không giải ngân kịp để doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch kinh doanh mới thì sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng không chỉ trong năm nay mà sang cả năm 2023, không chỉ một nhóm doanh nghiệp mà cả nền kinh tế. Rõ ràng hoạt động điều hành room tín dụng, cộng với vấn đề thời kỳ phân bổ cần phải linh hoạt hơn, tạo sự chủ động hơn cho ngân hàng và doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo phải thật linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, hướng dòng vốn đi đúng hướng. Mới nhất trong buổi làm việc tại tỉnh Bạc Liêu ngày 4/12, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, lành mạnh, an toàn, bền vững, nghiên cứu và thực hiện ngay việc nâng hạn mức tín dụng phù hợp, hiệu quả để vừa kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
Ngày 17/11 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường và triển khai thực hiện các dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. |
Hình thành áp lực vòng tròn
Cạn room tín dụng cộng thêm việc tăng lãi suất chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt hiện nay gần như không thể phát hành trái phiếu. Đồng thời lãi suất tăng cũng khiến người mua nhà không dám vay, doanh nghiệp chưa bán được hàng thì không thể triển khai dự án mới và như vậy trở thành một áp lực vòng tròn.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, thì doanh nghiệp cần phải thận trọng trong vấn đề sử dụng vốn theo hướng giảm bớt dòng vốn ngân hàng đi để tăng huy động vốn nội bộ, vốn từ khách hàng, vốn gọi từ các nguồn khác kể cả nguồn trái phiếu trực tiếp.
Mặt khác, Nhà nước phải nới thật nhanh các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Chúng ta đã có Nghị quyết 43 của Quốc hội, hiện nay đang triển khai khá chậm, cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Về việc cải thiện khả năng thanh khoản của dự án, đặc biệt là tạo cơ hội sở hữu nhà cho người dân có thu nhập thấp thì đáng lẽ phải nới phương án cho các doanh nghiệp huy động vốn từ người mua, mà có những quốc gia họ đã làm rồi. Ví dụ đối với những dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp thì cần đưa ra cơ chế kiểm soát và đẩy nhanh hơn tốc độ triển khai cũng như cho phép huy động vốn sớm từ người mua thay vì triển khai theo thủ tục rồi mới xác định đúng người mua ở. Làm được như vậy, doanh nghiệp, ngân hàng và người dân đều được lợi và để triển khai được thì phải có chỉ đạo, tháo gỡ ở tầm Chính phủ.