Tác động của lạm phát lên thị trường bất động sản

Thời gian qua, tình trạng lạm phát được giới đầu tư đặc biệt quan tâm. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu lạm phát tăng quá cao khiến lãi suất tăng, thắt chặt dòng tiền, bất động sản sẽ ngay lập tức giảm giá và đóng băng thanh khoản.

 

Tác động của lạm phát lên thị trường bất động sản - Ảnh 1

Tỷ lệ nghịch giữa giá chung cư và giá đất

Theo thông tin từ môi giới BĐS ở TP.HCM, lạm phát kéo theo giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, nhiều nhà đầu tư nhân cơ hội này đẩy giá căn hộ lên cao để tăng thêm lợi nhuận.

Trong khoảng thời gian 3 tháng trở lại đây, giá chung cư ở thị trường thứ cấp đã tăng lên hơn 20%, trước đó còn có thời gian mức giá tăng tới con số 20%. Theo các chuyên gia, lạm phát là nguyên nhân chính khiến giá căn hộ chung cư tăng cao, bởi lạm phát kéo theo giá cả các mặt hàng, nguyên liệu, vật liệu tăng. Hơn nữa, phần lớn các dự án căn hộ chung cư đang bị kéo dài tiến độ thi công, thậm chí nhiều dự án còn phải dừng hẳn dẫn đến việc thiếu hụt dự án chung cư mới, khiến giá chung cư ở thị trường thứ cấp tăng mạnh.

Khác hẳn với tình trạng sôi nổi, giá bán đang trên đà tăng trưởng của phân khúc nhà chung cư, giá phân khúc nhà đất có dấu hiệu chững lại và đi xuống. Theo nhiều môi giới ở TP.HCM, phân khúc đất nền và nhà đất đã có phần hạ nhiệt, giá bán và số lượng giao dịch đều giảm. Thời điểm trước lạm phát giá nhà đất tăng mạnh nhưng gần đây đang có dấu hiệu “bất động”. Các chuyên gia dự đoán phân khúc đất nền hoặc những loại hình BĐS liền thổ sẽ tiếp tục “lao dốc” về giá bởi lạm phát tăng quá cao khiến lãi suất ngân hàng tăng dẫn đến thanh khoản có nguy cơ bị đóng băng.

Phân khúc chung cư sôi nổi, nhà đất có dấu hiệu đi xuống  
Phân khúc chung cư sôi nổi, nhà đất có dấu hiệu đi xuống  

Thị trường BĐS sẽ đối mặt thế nào với lạm phát?

Chênh lệch về giá của 2 phân khúc căn hộ chung cư và đất nền cũng như các loại hình BĐS gắn liền với đất khác khá rõ rệt. Các chuyên gia nhận định lạm phát sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường BĐS và tạo ra những tác động xấu. Mức thu nhập giảm, chi phí sinh hoạt tăng đã thay đổi phần nào cách chi tiêu, tiêu dùng của người dân, và ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đầu tư. Có thể thấy tác động của lạm phát đem đến phần lớn sự tiêu cực nhiều hơn là tích tực.

Các chuyên gia phân tích cho biết, các nước khác trên thế giới thường nâng mức lãi suất ngân hàng lên để hạn chế gia tăng lạm phát. Khi lãi suất bị đẩy lên cao trong thời gian ngắn mà không có sự chuẩn bị trước thì gánh nặng chi trả khoảng vay của người dân càng thêm lớn. Khi tỷ giá tăng lên, nội tệ càng mất giá và trở thành “ác mộng” với những ai vay ngoại tệ vì không chỉ lãi suất tăng mà tỷ giá cũng tăng theo.

Tuy nhiên, mặt tích cực của lạm phát đối với BĐS là có thể kéo giá bán về giá trị thực, hạn chế tình trạng thổi giá, nâng giá, đây được cho là thời điểm thuận lợi để giao dịch, đầu tư dài hạn giảm bớt tình trạng “lướt sóng”.

Tuy nhiên, việc nguồn vốn chảy vào BĐS lại đang bị thắt chặt bởi việc kiểm soát tín dụng, hơn hết tình trạng chênh lệch cung – cầu đang diễn ra trầm trọng. Vì thế, giá cả nhà đất có thể sẽ nhanh chóng tăng trở lại trong thời gian sắp tới.

Có thể thấy, sau đại dịch nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi và phát triển ổn định. Nhưng rủi ro phát sinh từ nguy cơ lạm phát và những điều chỉnh về chính sách tiền tiện đã ảnh hưởng không ít đến thị trường BĐS. Ngoài ra, nguồn cung bị thiếu hụt là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giá cả căn hộ chung cư thay đổi, cho dù nhu cầu mua nhà rất lớn nhưng số lượng chốt giao dịch ở phân khúc căn hộ lại không quá nhiều.

Theo Chất lượng và Cuộc sống