“Tắc” sổ hồng chung cư: Dân còn phải căng băng rôn đến bao giờ?

Mua căn hộ, thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nhưng qua nhiều năm, cư dân vẫn không được cấp sổ hồng. Đây là thực tế nhức nhối khiến hàng loạt tòa chung cư luôn đỏ băng rôn đòi quyền lợi.

Mua căn hộ, thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nhưng qua nhiều năm, cư dân vẫn không được cấp sổ hồng. Đây là thực tế nhức nhối khiến hàng loạt tòa chung cư luôn đỏ băng rôn đòi quyền lợi.

Hàng vạn sổ hồng đang ách tắc: Dân bức xúc, doanh nghiệp cũng than trời

“Thời gian qua toàn thể cư dân đã tốn rất nhiều thời gian công sức vì mòn mỏi chờ đợi sổ hồng. Thực tế có nhiều người dân sau khi qua đời vẫn chưa được cầm trong tay cuốn sổ hồng. Đó là điều hết sức tàn nhẫn đối với cư dân chúng tôi”, một người mua nhà tại dự án Lexington (Quận 2, TP.HCM) bức xúc nói.

Tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) cho khách hàng mua nhà đã trở nên rất phổ biến trong thời gian qua. Việc chậm trễ có thể đã kéo dài trong 5 - 10 năm, thậm chí 20 năm.

Bài toán an cư của người dân càng trở nên nan giải khi hàng ngày họ vẫn phải thấp thỏm, bất an do chưa có gì đảm bảo rằng tài sản cũng như quyền làm chủ căn hộ đã thuộc về mình. Đó là chưa kể đến việc, không có sổ hồng, người dân không thể thực hiện các thủ tục vay vốn, chuyển nhượng, cho tặng…

Nhiều chung cư luôn trong tình trạng đỏ băng rôn đòi sổ hồng của cư dân.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, giai đoạn từ năm 2015 - 2019, trên địa bàn TP.HCM có 53 dự án của 12 tập đoàn và doanh nghiệp bị chậm cấp sổ hồng, trong có có 28.324 căn nhà và căn hộ officetel.

Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thừa nhận, hiện nay thành phố còn hơn 100 dự án đã nộp hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất nhưng chưa được giải quyết.

Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện cũng đang có tới 135 chung cư chưa được cấp sổ hồng. Điển hình là chung cư HH Linh Đàm, VP6 Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), chung cư New Horizon City 87 Lĩnh Nam, khu Trương Định Complex, chung cư An Bình Tower, khu đô thị Ngoại giao đoàn...

Nguyên nhân của việc chậm cấp sổ hồng cho cư dân được lý giải là do một số chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực, thậm chí vi phạm pháp luật dẫn đến dự án không đủ điều kiện cấp sổ hồng…

Tuy nhiên, thời gian qua, chính các doanh nghiệp chủ đầu tư cũng phải kêu cứu vì việc chậm trễ trả sổ hồng, do vướng mắc trong khâu xác định tiền sử dụng đất.

Thực tế, nhiều chủ đầu tư đã rất trách nhiệm và nỗ lực xin nộp tiền sử dụng đất nhưng vẫn không nộp được, nên bị tắc sổ hồng. Trong khi đó, người mua nhà khiếu kiện gay gắt, phát sinh tụ tập đông người, căng băng rôn, biểu ngữ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và làm tổn hại về uy tín thương hiệu của chủ đầu tư.

Tại một hội thảo mang tên "Tắc tiền sử dụng đất" được tổ chức tại TP.HCM vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã "than trời" về vấn đề này.

Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, công ty này hiện có 13 dự án, tương đương 8.791 căn hộ chưa được cấp sổ hồng, hầu hết do chưa xác định được tiền sử dụng đất.

“Tắc” sổ hồng chung cư: Dân còn phải căng băng rôn đến bao giờ? - Ảnh 1
Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh. 

Theo vị này, nếu với các dự án bất động sản thực hiện ngoài TP.HCM, trung bình chỉ mất 3 - 4 tháng đã có kết quả thẩm định và phương án tính tiền sử dụng đất thì tại TP.HCM, hầu hết hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết xong hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng.

Quá trình thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian, doanh nghiệp phải từ 3 năm mới nộp được tiền sử dụng đất, thậm chí nếu nộp tiền sử dụng đất trước khi công nhận, chủ đầu tư cũng mất đến 5 - 7 năm vẫn chưa được thông qua phương án giá đất.

Thậm chí, có những dự án của doanh nghiệp đủ điều kiện cấp sổ hồng nhưng cũng bị gây phiền hà. Cụ thể như dự án 8X Plus (Quận 12, TP.HCM), trong quá trình thực hiện các thủ tục cấp sổ hồng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm thất lạc 5 sổ đỏ và xử lý, giải quyết các thủ tục cấp sổ hồng chậm trễ, kéo dài từ thời điểm tháng 7/2019 đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết. Dự án Moonlight ParkView (quận Bình Tân) chủ đầu tư đã hoàn thành xong nghĩa vụ tài chính theo thông báo nộp tiền của Cục Thuế TP.HCM nhưng vẫn bị đùn đẩy, chuyển lòng vòng giữa các cơ quan.

Không chỉ chậm ở khâu thẩm định giá đất mà ngay cả những dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã được cấp sổ hồng một phần thì đến nay vẫn tiếp tục bị treo do thay đổi kiến trúc quy hoạch mà trước đó cơ quan thẩm quyền đã phê duyệt.

Điều đáng nói, các dự án này đều được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép về điều chỉnh quy hoạch chứ không phải doanh nghiệp tự làm. Trong khi đó, doanh nghiệp chờ đợi được hướng dẫn để hoàn thành thủ tục hồ sơ nhưng phải chờ đợi quá lâu và không có lời hứa hẹn nào chính xác.

Như dự án chung cư Gateway Thảo Điền (Quận 2, TP.HCM), Công ty Sơn Kim Land đã bàn giao 100% căn hộ tòa nhà A và B thuộc dự án cho khách hàng từ 14/4/2018 và tất cả khách hàng mua nhà đều đã thực hiện đúng các nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán căn hộ, đã thanh toán đến 95% giá trị hợp đồng nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ. Nguyên nhân do tầng hầm có diện tích đất 9.089,2m2 lớn hơn so với khối đế là 5.742,8 m2 (đã nộp tiền sử dụng đất). Các cơ quan ban ngành chưa duyệt hồ sơ vì chờ xác định tiền sử dụng đất bổ sung.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Sơn Kim Land bày tỏ nguyện vọng, nếu phát sinh chi phí, doanh nghiệp chắc chắn sẽ hoàn thành 100% với mong muốn lớn nhất là toàn thể cư dân được cấp sổ hồng.

“Khổ nỗi doanh nghiệp thì rất mong muốn được nộp tiền sử dụng đất để kịp thời cấp sổ hồng cho cư dân. Nhưng cư dân lại không biết nên họ chỉ nghĩ là doanh nghiệp bội tín với khách hàng. Doanh nghiệp chúng tôi sống được nhờ khách hàng nên tha thiết mong chính quyền thành phố giải quyết nhu cầu cấp sổ hồng cho cư dân”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cần truy trách nhiệm đến cùng

Theo các chuyên gia, để giải quyết triệt để những bất cập trong câu chuyện chậm sổ hồng, cần truy trách nhiệm đến cùng, tìm ra ngọn nguồn của các vướng mắc để xử lý nhanh cho người dân và doanh nghiệp.

“Tắc” sổ hồng chung cư: Dân còn phải căng băng rôn đến bao giờ? - Ảnh 2
PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh. 

“Trước hết phải xác định được các nguyên nhân vì sao chậm. Sau khi xác định được thì phải truy trách nhiệm, đưa ra phương án xử lý nhanh. Tắc ở đâu phải xử lý ngay ở đó. Nhiều doanh nghiệp mong muốn nộp tiền sử dụng đất, hoàn tất các thủ tục để trả quyền lợi cho cư dân nhưng cơ quan quản lý lại chây ì từ năm này sang năm khác là rất bất cập. Chủ đầu tư gần như hoàn toàn bị lệ thuộc vào việc xem xét giải quyết của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói và nhấn mạnh thêm, cần phải có giải pháp quyết liệt để giải quyết bởi người dân đã nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính thì không có lý gì họ lại phải năm này qua năm khác đi đòi quyền làm chủ căn nhà mà mình đã bỏ mồ hôi, công sức ra để mua. 

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA kiến nghị, thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà nên được xem xét, thay đổi cho hợp tình, hợp lý. Cụ thể là khi người mua nhà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán thì nên được ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng. “Việc tách riêng trách nhiệm này là cần thiết để triệt tiêu các điểm nóng tiềm ẩn, tạo điều kiện cho người dân an cư, lạc nghiệp”, ông Châu nói.

Còn đối với trường hợp chậm cấp sổ hồng do các sai phạm của chủ đầu tư, hoặc do chủ đầu tư chây ì các khoản nghĩa vụ tài chính và hoàn tất thủ tục cấp sổ, vị này cho rằng, các cơ quan Nhà nước có thể yêu cầu họ phải ký quỹ một khoản tiền hoặc có văn bản cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước.

“Tắc” sổ hồng chung cư: Dân còn phải căng băng rôn đến bao giờ? - Ảnh 3
Khi người mua nhà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán thì nên được ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng.

Đồng quan điểm, chia sẻ với báo chí, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw  thừa nhận, cho đến nay số lượng chủ đầu tư bị phạt vẫn rất ít. Cư dân có đòi được sổ hồng hay không, phần lớn vẫn do họ tự đấu tranh, biểu tình, gửi thư khiếu nại đến các cấp chính quyền. 

"Điều cần thiết đặt ra lúc này đó là khoản ký quỹ của chủ đầu tư nên được quy định cao hơn nữa, mức xử phạt của pháp luật cần được nâng lên để đảm bảo tính khả thi. Bên cạnh đó, sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng có lẽ nên thắt chặt hơn nữa và thậm chí phải có sự giám sát từ chính cư dân về việc chủ đầu tư có thực hiện đúng giấy phép xây dựng hay không", vị luật sư đề xuất. 

Về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay, việc không cấp được sổ đỏ có thể là do chủ đầu tư vi phạm các yếu tố liên quan đến pháp lý của dự án. Thứ hai, vi phạm các quy định về xây dựng, bảo lãnh ngân hàng… xuất phát từ việc chủ đầu tư vốn mỏng, làm liều, lấy sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng để lấy vốn phát triển các dự án khác. Tài chính khó khăn, các dự án đình trệ không thể trả nợ, giải chấp và trả sổ đỏ cho người dân.

Vì thế, theo vị chuyên gia, trước khi mua nhà, người dân cần tìm hiểu kỹ các yếu tố pháp lý của dự án. Nhưng điều quan trọng là cơ quan quản lý phải công khai, minh bạch để người mua nhà nắm được quy hoạch chung và các yếu tố liên quan đến phát triển dự án của chung cư đó./.

Minh Minh

Theo Reatimes