Bất động sản khu công nghiệp là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của ngành bất động sản. Suốt thời gian qua, bất động sản KCN đã hút mạnh dòng vốn đầu tư cả trong nước và nước ngoài.
Trong năm 2023, thị trường bất động sản khu công nghiệp được dự báo là điểm sáng hiếm hoi của thị trường. Trong khi các phân khúc khác chịu ảnh hưởng nặng nề khi thanh khoản kém, giao dịch ảm đạm, toàn thị trường trầm lắng thì bất động sản khu công nghiệp lại ít bị ảnh hưởng hơn. Nhờ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam kéo theo sự bùng nổ nhu cầu nhà ở cho chuyên gia và hạ tầng thương mại, dịch vụ cho các khu công nghiệp, kéo theo sự tăng trưởng nóng của phân khúc bất động sản công nghiệp.
Thị trường bất động sản công nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Do đó, các doanh nghiệp có quỹ đất thương phẩm lớn, có KCN nằm tại các tỉnh trọng điểm là vệ tinh sản xuất quanh Hà Nội và TP.HCM hưởng lợi.
Báo cáo của Cushman & Wakefield (C&W) đã chỉ ra rằng, trong nửa đầu năm 2022 nguồn vốn FDI thu hút vào khu vực phía Nam đạt 14 tỷ USD, chiếm 44% nguồn vốn FDI cả nước. Trong giai đoạn 2017 đến nửa đầu năm 2022, trung bình mỗi năm, mức FDI “chảy” vào Việt Nam tăng hơn 6%.
TS Võ Thị Vân Khánh, Học viện Tài chính dự báo: Sẽ xuất hiện và gia tăng nhu cầu về bất động sản (BĐS) công nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe dưới dạng kho lạnh phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cho các loại sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như vaccine, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm.
Mặc dù làm gián đoạn hoạt động sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng làn sóng Covid-19 thứ tư đã mang đến những bước tiến lớn trong tỷ lệ tiêm chủng và tiến đến chiến lược “Sống chung với Covid”.