Miền Bắc tiếp tục là “điểm nóng” của bất động sản khu công nghiệp?
Năm 2024, dòng vốn FDI dự báo vẫn tích cực, nguồn cung bất động sản khu công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ở cả hai miền Nam và Bắc.
Dữ liệu từ Công ty TNHH CBRE cho biết bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn ghi nhận những kết quả tích cực ngay trong quý đầu tiên của năm 2024.
Đối với thị trường đất công nghiệp, giá đất tại thị trường cấp 1 miền Bắc đã tăng 1,2% so với quý trước và 7,8% so với cùng kỳ, đạt ngưỡng trung bình 133 USD/m2/kỳ hạn còn lại. Trong khi giá đất công nghiệp tại thị trường cấp 1 miền Nam giữ mức 189 USD/m2/kỳ hạn còn lại, ổn định so với quý trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, tỷ lệ lấp đầy tại thị trường cấp 1 miền Bắc tăng 1,3 điểm phần trăm trong quý, đạt 83%. Diện tích hấp thụ gần 110ha với nhiều giao dịch nổi bật như: nhà máy Victory Giant Technology sản xuất bảng mạch in, quy mô 10ha ở Bắc Ninh. Còn thị trường miền Nam, tỷ lệ lấp đầy ổn định ở mức 92% và diện tích hấp thụ đạt hơn 20ha.
Đối với thị trường kho, xưởng xây sẵn, tỷ lệ lấp đầy trung bình trên thị trường cấp 1 miền Bắc đạt 70% với nhà kho xây sẵn và 87% với nhà xưởng xây sẵn. Về mặt bằng giá, giá thuê kho, xưởng xây sẵn trung bình đạt ngưỡng 4,7 và 4,9 USD/m2/tháng. Mức giá thuê kho được đánh giá duy trì ổn định, nhưng giá thuê xưởng tăng 3,9% theo năm.
Theo CBRE, hiện nay, ngoài những nhà sản xuất điện tử, ôtô và phụ kiện, khách thuê từ những ngành mới trong lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất xe điện, bán dẫn hay vật liệu xanh quan tâm tới Việt Nam. Với sự định hướng của nhiều tỉnh, thành và sự quan tâm của doanh nghiệp ngày càng tăng vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, sẽ càng thúc đẩy nhu cầu trong tương lai.
Trên cơ sở đó, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao, CBRE chi nhánh Hà Nội dự báo 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp sẽ tăng 3-9%/năm ở miền Bắc và tăng 3-7%/năm ở miền Nam; giá thuê của nhà kho/nhà xưởng xây sẵn tăng nhẹ từ 1- 4%/năm. Đặc biệt, khi Việt Nam tiếp tục nâng cấp quan hệ ngoại giao với nhiều nền kinh tế lớn trong giai đoạn vừa qua, nền kinh tế nói chung và ngành sản xuất cũng như bất động sản khu công nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ hưởng lợi và tiếp tục xu hướng phát triển.
Tuy nhiên, để duy trì vị thế là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong khu vực, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cải thiện hạ tầng về đường sá kết nối, điện lưới, khu công nghiệp. Đồng thời nâng cao chất lượng lực lượng lao động và điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp.
Trong khi đó, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê Công nghiệp Savills Việt Nam, có nhiều lý do giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bán dẫn, từ đó mang lại lợi thế của bất động sản công nghiệp.
Về vị trí địa lý, Việt Nam có vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn trong khu vực, có điều kiện tự nhiên thuận lợi với trữ lượng đất hiếm lớn - nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn.
Về chính trị, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn với những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư hấp dẫn.
Vị chuyên gia của Savills Việt Nam cho biết, khu vực kinh tế phía Bắc được kỳ vọng tiếp tục điểm nóng của bất động sản công nghiệp trước làn sóng đầu tư bán dẫn mạnh mẽ hiện nay.
"Trong khi khách thuê bất động sản công nghiệp tại các tỉnh phía Nam thuộc các ngành chế biến sản phẩm từ cao su, nhựa, thực phẩm, nước giải khát, thì tại phía Bắc, vốn đầu tư chủ yếu từ doanh nghiệp hoạt động trong các ngành hàng có giá trị gia tăng cao như máy vi tính, điện tử hay sản phẩm điện", ông Thomas Rooney dẫn chứng.
Do đó, khi làn sóng đầu tư về bán dẫn phát triển, sẽ tạo thêm sức bật về phát triển đối với bất động sản công nghiệp phía Bắc.
Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua đã thu hút nhiều ông lớn trong ngành bán dẫn như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor ... với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD. Sản xuất chip bán dẫn được định vị là động lực mới đưa Việt Nam thành quốc gia thịnh vượng.
Dự báo đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.