“Miếng bánh ngọt” của ngành bất động sản vẫn hút mạnh dòng vốn đầu tư?

Bất động sản khu công nghiệp là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của ngành bất động sản. Suốt thời gian qua, bất động sản KCN đã hút mạnh dòng vốn đầu tư cả trong nước và nước ngoài.

“Miếng bánh ngọt” của ngành bất động sản vẫn hút mạnh dòng vốn đầu tư? - Ảnh 1

“Thỏi nam châm” hút dòng vốn

Dữ liệu của Cushman & Wakefield cho thấy, tại khu vực châu Á, dòng vốn đầu tư chảy mạnh vào bất động sản công nghiệp, khi các nhà đầu tư đặt cược vào các tài sản và lĩnh vực mới của nền kinh tế.

Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP 5,1% vào năm 2023 và phấn đấu đạt mức 6,0 - 6,5% vào năm 2024, với những chính sách giảm lãi suất đồng thời cân bằng giữa áp lực lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Bước sang năm 2024, riêng 4 tháng qua ước đạt 6,28 tỉ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,93 tỉ USD, chiếm 78,5% tổng vốn FDI thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD, chiếm 9,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 259,8 triệu USD, chiếm 4,1%.

Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá cao về các yếu tố chính sách thông thoáng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đối với việc kiểm soát các yếu tố vĩ mô như ngoại hối hay lãi suất, Chính phủ đã thành công khi duy trì ổn định tỷ giá và giảm lạm phát hiệu quả. Việc giữ ổn định giá trị đã củng cố thêm sự yên tâm của phía nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam. Với mức lãi suất ổn định, việc vay vốn các dự án đầu tư trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, lãi suất thấp cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách kích thích mua sắm, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Cũng theo báo cáo mới đây của CBRE Việt Nam, quý I/2024, bất động sản công nghiệp vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong thị trường bất động sản Việt Nam, bất chấp những khó khăn và thách thức của nền kinh tế hiện tại. Phân khúc này thu hút được nhiều dự án lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng. Tập trung vào các dự án sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, linh kiện, sản phẩm điện tử, và sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Năm 2024, bất động sản công nghiệp được đánh giá sẽ tiếp tục là phân khúc tăng trưởng tốt nhờ dòng vốn FDI hưởng lợi từ chính sách ưu đãi thuế. Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, dịch vụ phụ trợ khu công nghiệp liên tục cải thiện. Nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo.

Đánh giá về triển vọng thị trường công nghiệp Việt Nam, bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield - nhận định: “Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành tâm điểm trong chuỗi sản xuất toàn cầu của nhiều tập đoàn trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn khi sở hữu lực lượng lao động trẻ, có ý chí đổi mới sáng tạo và được đào tạo trong các lĩnh vực có liên quan đến ngành này…”.

Theo bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội, để duy trì vị thế là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong khu vực, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cải thiện hạ tầng về đường sá kết nối, điện lưới, khu công nghiệp đồng thời nâng cao chất lượng lực lượng lao động và điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp.

Giá thuê sẽ tăng 3-9%/năm

Theo báo cáo mới nhất từ CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản khu công nghiệp trong quý I/2024 vẫn duy trì sự ổn định và phát triển tích cực, mặc dù nền kinh tế đang đối diện với nhiều thách thức. Một trong những yếu tố quan trọng đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu.

Bên cạnh các ngành công nghiệp truyền thống, các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao mới nổi như sản xuất xe điện và bán dẫn cũng thu hút nhiều sự quan tâm. Điều này đã đóng góp vào sự tăng trưởng của giá đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 miền Bắc, với mức tăng trưởng lên đến 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo giá thuê đất công nghiệp miền Bắc sẽ tăng 3-9%/năm.  
Dự báo giá thuê đất công nghiệp miền Bắc sẽ tăng 3-9%/năm.  

Trong quý này, không có dự án mới đi vào hoạt động, nhưng các khu công nghiệp hiện hữu tại thị trường cấp 1 miền Bắc vẫn thu hút được nhiều khách thuê mới. Tỷ lệ lấp đầy tăng lên đến 83%, đồng thời diện tích hấp thụ cũng đạt gần 110ha, với những giao dịch nổi bật như nhà máy Victory Giant Technology tại Bắc Ninh.

Về mặt bất động sản kho xưởng xây sẵn, nhiều dự án quy mô mới ra mắt tại khu vực phía Bắc, tập trung chủ yếu ở Bắc Ninh. Mặc dù nguồn cung mới tiếp tục ra mắt, tỷ lệ lấp đầy trung bình vẫn duy trì ở mức cao, và giá thuê cũng duy trì ổn định, với sự tăng trưởng nhẹ nhàng.

CBRE Việt Nam dự báo rằng, trong 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp ở miền Bắc có thể tăng từ 3-9% mỗi năm, trong khi giá thuê của nhà kho/nhà xưởng xây sẵn dự kiến sẽ tăng nhẹ từ 1-4% mỗi năm. Với việc Việt Nam củng cố quan hệ ngoại giao với các nền kinh tế lớn, thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam có triển vọng tích cực và tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán MB (MB) cũng đưa ra nhận định, triển vọng của lĩnh vực bất động sản công nghiệp thời gian tới tiếp tục đến từ điều kiện vĩ mô ổn định. Bên cạnh đó, việc nâng tầm quan hệ với nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và mới đây là Australia… đã và đang giúp Việt Nam gia tăng thu hút vốn FDI. Khi dòng vốn chảy mạnh vào nền kinh tế, các khu công nghiệp được xem như “thỏi nam châm” hút mạnh dòng tiền.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống