TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất cả nước

Báo cáo của Cushman & Wakefield (C&W) đã chỉ ra rằng, trong nửa đầu năm 2022 nguồn vốn FDI thu hút vào khu vực phía Nam đạt 14 tỷ USD, chiếm 44% nguồn vốn FDI cả nước. Trong giai đoạn 2017 đến nửa đầu năm 2022, trung bình mỗi năm, mức FDI “chảy” vào Việt Nam tăng hơn 6%.

Cushman & Wakefield cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài "chảy" vào lĩnh vực Chế biến & Sản xuất, Bất động sản khoảng 75% mỗi năm. Không những vậy, theo C&W, miền Nam có đóng góp lớn nhất vào GDP cả nước so với các khu vực khác.

Đứng đầu thu hút nguồn vốn FDITP.HCM. Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, từ ngày 1/1-20/7/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM là 2,43 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, TP.HCM cấp mới cho 373 dự án với vốn đăng ký đạt 274,9 triệu USD, giảm 3,4% về vốn so với cùng kỳ. Nguồn vốn chủ yếu đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cụ thể, có 70 dự án đến từ Singapore vốn đăng ký đạt 115,9 triệu USD, chiếm đến 42,2% vốn đăng ký cấp mới. Ngay sau là Nhật Bản 39 dự án, vốn đăng ký đạt 42,0 triệu USD, chiếm 15,3%; Hàn Quốc với 58 dự án, vốn đăng ký 35,5 triệu USD, chiếm 12,9%.

Bình Dương đang là tỉnh thứ 2 chỉ đứng sau TP. HCM về nguồn vốn FDI vào các dự án Khu công nghiệp. Cụ thể, theo thống kê mới nhất từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bình Dương, tính đến 15/7, tỉnh này thu hút được 2,54 tỷ USD vốn FDI cho 149 dự án, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 1,79 tỷ USD dành cho 39 dự án đầu tư mới, 733 triệu USD đổ vào 97 dự án góp vốn. Còn lại 13 dự án điều chỉnh tăng vốn (17 triệu đô la Mỹ). Lũy kế đến hiện tại, Bình Dương có 4.059 dự án FDI, tổng vốn 39,6 tỷ USD. Trong số này, đứng đầu về dòng vốn FDI vào Bình Dương là Đài Loan (Trung Quốc) với 860 dự án và tổng vốn đầu tư là 6,2 tỷ USD; thứ hai là Nhật Bản với 335 dự án và tổng vốn đầu tư là 5,8 tỷ USD; thứ ba là Singapore với 277 dự án và tổng vốn là 5,4 tỷ USD...

Tại tỉnh này, đầu năm 2022 đã trao 22 giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có dự án hơn 1.000 ha đã được động thổ xây dựng là KCN Việt Nam-Singapore (VSIP III). Tỉnh này cũng đã triển khai xây dựng dự án nhà máy của Tập đoàn LEGO và Tập đoàn Pandora với tổng số vốn hơn 1,1 tỷ USD.

Bình Dương đã động thổ xây dựng KCN Việt Nam-Singapore
Bình Dương đã động thổ xây dựng KCN Việt Nam-Singapore

Theo thống kê của chính quyền địa phương, Bình Dương hiện có 29 KCN lớn nhỏ với tổng diện tích gần 13.000 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 83,4%.

Còn tại Đồng Nai, từ đầu năm đến này, địa phương này đã thu hút được gần 212 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN tại huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom. Trong đó, KCN Nhơn Trạch 5 thu hút 124,7 triệu USD cho dự án Nhà máy Sản xuất Nylon – VN2. Còn KCN Nhơn Trạch 2 – Nhơn Phú thu hút 15,5 triệu USD cho dự án Nhà máy Công nghệ giày dép Framas. Ở huyện Trảng Bom, KCN Hố Nai thực hiện dự án Nhà xưởng cho thuê Công ty hữu hạn Cơ khí động lực Toàn Cầu với tổng vốn đầu tư là 45 triệu USD.

Trong dữ liệu từ báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm của Cục Thống kể tỉnh Đồng Nai công bố ngày 29/6 cho thấy, tính đến ngày 15/6, tỉnh này thu hút được 321,34 triệu USD vốn FDI, bằng 42,5% so cùng kỳ. Trong đó, cấp mới 12 dự án với vốn đăng ký 98,9 triệu USD, bằng 35,86% so cùng kỳ; điều chỉnh tăng vốn 34 dự án với vốn bổ sung 222,45 triệu USD, bằng 45,5% so cùng kỳ.

Lãnh đạo Cushman & Wakefield, bà Trang Bùi nhận định, GDP Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân cao nhất trong 5 năm qua. Riêng giai đoạn 2017-2021, tăng trưởng trung bình GDP Việt Nam đạt 5.4%, trong khi đó các quốc gia khác cùng khu vực đạt khoảng 1-3%. Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam có mức GDP là hơn 2 triệu tỷ VNĐ, chiếm khoảng 30% GDP cả nước.

Trong khi đó, đặc thù vùng miền giúp miền Nam sở hữu hệ thống cảng biển lớn, mức tỷ lệ tăng trưởng kép ở các cảng biển miền Nam trong 5 năm từ 2017 – 2020 đạt 9,8%, với công suất hàng hóa trên dưới 10 triệu TEU/năm.

"Các cảng biển khu vực phía Nam có công suất vượt trội hơn khu vực khác. Ví dụ cảng Cát Lái (TP.HCM) có tải trọng tối đa lên đến 90.000 DWT, còn cảng Cái Mép, tải trọng tối đa lên đến 220.000 DWT, lượng hàng vận tải bằng container qua 2 cảng này cũng tăng từng năm. Đỉnh điểm năm 2021, công suất container qua cảng Cát Lái là 5.610.000 TEU còn ở cảng Cái Mép đạt 2.573.238 TEU", bà Trang Bùi đánh giá và nhận định thêm, với các số liệu trên, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang là điểm đến hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo nên diện mạo sáng sủa cho thị trường công nghiệp khu vực này.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống