Tại sao giá dầu tăng hay giảm, Mỹ đều tăng sản lượng?

Nếu OPEC+ chọn song hành cùng Mỹ khi giá xăng dầu giảm và ngược dòng Mỹ khi giá xăng dầu tăng, chắc chắn hệ thống doanh nghiệp Mỹ gặp nguy...

Mỹ kêu gọi OPEC tăng sản lượng khai thác dầu

Ngày 11/8 , Mỹ đã kêu gọi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tăng sản lượng khai thác dầu thêm nữa để kiềm chế đà tăng giá xăng mà Washington cho là “đặt ra nguy cơ cản trở sự phục hồi đang diễn ra của kinh tế toàn cầu”.

Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, các nước tham gia cơ chế trong - ngoài OPEC gần đây đã nhất trí tăng sản lượng, nhưng chừng đó “chưa bù đắp sản lượng mà OPEC+ đã cắt giảm từ khi đại dịch bắt đầu”, theo Financial Times.

“Hiện đang là thời điểm rất quan trọng cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, vì vậy mức tăng sản lượng nước tham gia cơ chế trong - ngoài OPEC nhất trí, đơn giản là chưa đủ”, vì cố vấn trẻ tuổi của Nhà Trắng nhận định.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho biết đại diện chính phủ nước này đang “trao đổi với các thành viên liên quan trong OPEC+ về tầm quan trọng của việc tạo động lực cho cạnh tranh trên thị trường năng lượng thông qua việc thiết lập giá cả”.

Mỹ luôn tăng sản lượng, bất chấp giá dầu tăng hay giảm   
Mỹ luôn tăng sản lượng, bất chấp giá dầu tăng hay giảm   
 

Xin nhắc lại, hồi tháng 6/2021, OPEC+ đã nhất trí về một thỏa thuận sản lượng mới, tăng sản lượng khai thác dầu thêm 400.000 thùng/ngày để hỗ trợ thị trường dầu toàn cầu đang thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu gia tăng sau đại dịch.

Tuy nhiên, theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho thấy các thành viên OPEC + trong tháng 7/2021 đã tăng gần gấp đôi mức thỏa thuận, đạt tới mức 720.000 thùng/ngày, đẩy sản lượng dầu thế giới tăng thêm 1,7 triệu thùng/ngày.

Theo các chuyên gia của IEA, 60% sản lượng khai thác dầu tăng là đến từ Mỹ. Ước tính sản lượng trung bình của Mỹ từ tháng 1/2021 đến tháng 5/2021 là 11,10 triệu thùng/ngày, đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Trong khi ngày 13/8, trong báo cáo hàng tháng của mình, IEA cho biết, năm nay dự kiến OPEC+ tăng sản lượng khai thác dầu ở mức 600.000 thùng/ngày, và năm tới có thể đạt mức 1,7 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn cho rằng việc tăng sản lượng của OPEC+ là không đủ giải quyết giá xăng dầu đang tăng, nên kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng dầu thêm nữa và với tốc độ nhanh hơn. OPEC+ dự kiến ​​tổ chức cuộc họp tiếp theo vào tháng 9 tới.

Như vậy, khi giá xăng dầu tăng thì Mỹ tăng mạng sản lượng khai thác dầu và kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng. Song năm trước, khi cuộc khủng hoảng dầu diễn ra, giá dầu thấp kỷ lục, Mỹ cũng tăng sản lượng, nhưng kêu gọi OPCE+ giảm sản lượng.

Nghĩa là dù giá xăng dầu tăng hay giảm thì Mỹ vẫn cứ tăng sản lượng khai thác dầu, nhưng Washington lại kêu OPEC+ tăng giảm sản lượng khai thác để đảm bảo giá cả cho thị trường dầu mỏ toàn cầu. Tại sao lại trái khoáy như vậy?

Mỹ mệt mỏi với mô hình kinh tế tăng trưởng dựa trên nợ vay

Việc Mỹ kêu gọi OPEC+ tăng mạnh sản lượng khai thác dầu thêm nữa, được giới chuyên gia nhận diện là Washington đang trở lại với “truyền thống” kêu gọi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa tăng nguồn cung mỗi khi giá xăng dầu tăng cao ở Mỹ.

Bởi các Tổng thống Mỹ George H.W. Bush, Bill Clinton và George W.Bush đều đã đề nghị OPEC tăng sản lượng khai thác dầu khi giá xăng dầu ở Mỹ tăng cao hay diễn ra việc can thiệp quân sự của Mỹ vào Trung Đông.

Điều đó cho thấy, ngoài đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ thì việc tăng giảm sản lượng của OPEC còn giúp Washington biến giá dầu thành công cụ trong các nước cờ chính trị và chỉ kết thúc khi Mỹ đạt được mục đích.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, thực tế hiện nay không phải Washington sử dụng công cụ giá dầu cho các nước cờ chính trị, vì vậy việc Mỹ kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng khai thác dầu không phải trở lại truyền thống, mà là giải quyết vấn đề trong thực tại.

Có thể thấy rằng, Mỹ phải tăng sản lượng khai thác dầu, dù giá dầu tăng hay giảm, là xuất phát từ mô hình kinh tế tăng trưởng dựa trên nợ vay. Trong mô hình tăng trưởng này, tài chính công, tài chính doanh nghiệp, chi tiêu dùng luôn có thêm khoản lãi vay.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ áp dụng chính sách cho vay không hạn chế, đã tạo ra sự mất cân đối trong đòn cân nợ của hệ thống doanh nghiệp Mỹ. Thực tế đó khiến cho tỷ suất lãi vay luôn theo hường tăng và tỷ suất lợi nhuận luôn theo hướng giảm. 

Mọi nghiệp vụ phát sinh trong mô hình kinh tế Mỹ luôn phải theo xu hướng tăng  
Mọi nghiệp vụ phát sinh trong mô hình kinh tế Mỹ luôn phải theo xu hướng tăng  
 

Khi giá xăng dầu giảm, các doanh nghiệp khai thác dầu của Mỹ vẫn cứ tăng sản lượng khai thác, trong khi chính phủ Mỹ can thiệp để OPEC+ giảm mạnh sản lượng và chỉ trong một thời gian đã đưa giá dầu dần trở về ngưỡng 70 USD/thùng.

Lý do doanh nghiệp sản xuất dầu của Mỹ tăng sản lượng, trong khi OPEC+ giảm mạnh sản lượng, là vì tài chính công của Mỹ không đủ khả năng hỗ trợ cho tài chính doanh nghiệp. Vì vậy chính phủ Mỹ phải hỗ trợ bằng chính sách ngược dòng OPEC.

Trong thời gian được chính phủ Mỹ hỗ trợ bằng chính sách ngược dòng OPEC, các doanh nghiệp sản xuất dầu mỏ của Mỹ đã tăng lượng dự trữ lên kỷ lục. Khi giá dầu tăng trở lại, họ tung lượng dầu dự trữ ra thị trường và kiếm bộn tiền.

Chính sách ngược dòng OPEC của chính phủ Mỹ phần nào hạn chế được tình trạng phá sản hàng loạt của trong ngành công nghiệp sản xuất và chế biến dầu của Mỹ. Bởi nó giúp các nhà sản xuất dầu Mỹ vẫn có lợi nhuận, dù có lúc giá dầu ở mức âm. 

Năm 2019, Tập đoàn dầu khí Occidental Petroleum đã thực hiện thương vụ mua lại Công ty dầu khí Anadarko Petroleum với trị giá 38 tỷ USD, một phi vụ M&A lịch sử của ngành dầu đá phiến Mỹ.

Khi thị trường dầu lao dốc, chỉ trong quý I/2020, Occidental Petroleum lỗ ròng 2,23 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước, tập đoàn có lợi nhuận 631 triệu USD. Đáng nói là khoản lỗ không nằm trong thương vụ khổng lồ, mà nằm ở khoản vay trước đó.

Đây là hậu quả từ việc Occidental có hệ số đòn cân nợ quá mất cân đối, xuất phát từ việc được khuyến khích bởi chính sách cho vay không hạn chế. May là tác hiệu chính sách ngược dòng OPEC+ đã tránh cho ngành công nghiệp dầu của Mỹ sụp đổ.  

Khi giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp sản xuất dầu mỏ của Mỹ có tỷ suất lợi nhuận cao, ngược lại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác của Mỹ phải đối diện nguy cơ có tỷ suất lợi nhuận âm, vì chi phí nhiên liệu tăng mạnh.

Giá xăng bình quân trên toàn quốc ở Mỹ hiện ở mức 3,19 USD/gallon, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Hiệp hội Ô tô Mỹ. Trong khi đó mức giá xăng bình quân kỷ lục ở Mỹ là 4,1 USD/gallon được thiết lập hồi năm 2008.

Sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan kêu kêu gọi OPEC+ tăng mạnh sản lượng khai thác, giá dầu trên thị trường thế giới có lúc giảm 2% trong phiên giao dịch cùng ngày. Nhưng sau đó nhanh chóng trở lại với xu hướng tăng.

Điều đó khiến Mỹ phải tăng mạnh sản lượng khi OPEC+ chưa phản ứng cũng như chưa đáp ứng mong muốn của Washington. Như vậy, trong trường hợp này, Mỹ đã phải đồng hành nhưng không thể song hành cùng OPEC+.

Việc Mỹ ngược dòng hay đồng hành nhưng không thể song hành cùng OPEC+ thoạt nhìn thì có vẻ Mỹ khôn lỏi, hưởng lợi trên đối thủ và cả đối tác, song thực ra điều đó là chẳng đặng đừng, vì lúc nào cũng đối mặt nguy cơ hậu quả lớn hơn kết quả.

Bởi hệ số: Vốn vay/Vốn sở hữu chủ, của hệ thống các doanh nghiệp Mỹ luôn vượt ngưỡng an toàn. Lãi vay luôn chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản phẩm-dịch vụ, mà lãi vay lại luôn là hằng số.

Thực tế đó khiến cho việc giải bài toán lợi ích của hệ thống doanh nghiệp Mỹ không thể có đáp số chuẩn xác. Đơn giản là nó phụ thuộc vào 'người khác', đặc biệt là phụ thuộc vào OPEC+, vì chi phí nhiên liệu luôn chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành.

Nếu OPEC đảo chiều với Mỹ thì hệ thống doanh nghiệp Mỹ nguy to  
Nếu OPEC đảo chiều với Mỹ thì hệ thống doanh nghiệp Mỹ nguy to  
 

Đặt trường hợp OPEC+ chọn song hành cùng Mỹ khi giá xăng dầu giảm và ngược dòng Mỹ khi giá xăng dầu tăng, lúc đó chắc chắn hệ thống doanh nghiệp Mỹ chỉ còn biết trông chờ tài chính công hỗ trợ tài chính doanh nghiệp.

Trong bối cảnh Bộ Tài chính Mỹ phải hối thúc Quốc hội Mỹ nâng trần nợ công mới hy vọng chính phủ liên bang không phải đóng cửa, thì tài chính công hỗ trợ tài chính doanh nghiệp vẫn lại là khuyến khích vay, từ đó tăng tỷ suất lãi vay trong giá thành.

Rõ ràng, hệ thống các doanh nghiệp Mỹ khó có thể giải bài toán lợi ích, còn chính phủ Mỹ thì lúc nào cũng phải thực hiện các chính sách đảm bảo mọi nghiệp vụ kinh tế luôn phát sinh theo xu hướng tăng, dù có thời điểm, có nghiệp vụ giảm là tốt hơn.

Đây chính là nguyên nhân, thị trường chứng khoán Mỹ - phong vũ biểu của nền kinh tế Mỹ - luôn xác lập kỷ lục, nhưng thực tế có rất nhiều chỉ số kinh tế Mỹ không song hành với các kỷ lục ấy.

Thực trạng đó là khiếm khuyết lớn nhất của mô hình kinh tế tăng trưởng dựa trên nợ vay và lời Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn trách chính quyền Tổng thống Biden trong việc “cầu xin OPEC tăng sản lượng" là một sự minh chứng cho điều đó.

Ngọc Việt

Theo Đất Việt