Tân Hiệp Phát và những tai tiếng liên quan đến bất động sản
Kể từ khi lấn sân sang thị trường bất động sản, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã thâu tóm được nhiều mảnh đất khủng nhưng cũng dính không ít những cáo buộc liên quan đến chiếm đoạt tài sản…
Từ doanh nghiệp đồ uống lấn sân sang lĩnh vực bất động sản
Vừa qua, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đăng ký bổ sung thêm 33 ngành nghề kinh doanh, nâng tổng số ngành nghề từ 46 lên 79 ngành trong đó có nhiều ngành nghề kinh doanh liên quan đến bất động sản.
1. Hé lộ đế chế bất động sản tỷ đô nhà Dr Thanh
2. Hồ sơ Dr. Thanh (Tân Hiệp Phát): Câu chuyện về những quyển sổ tiết kiệm nghìn tỷ
Tân Hiệp Phát là một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực nước giải khát, đồ uống không cồn. Những năm qua, ngành hàng này đã mang lại hàng nghìn tỷ lợi nhuận mỗi năm cho Tân Hiệp Phát trong suốt một thời gian dài. Lợi nhuận này chủ yếu phân phối lại cho các thành viên trong gia đình ông Trần Quí Thanh và qua những khoản đầu tư của các thành viên trong gia đình.
Thế nhưng giữa lúc đang “ăn nên làm ra” từ mảng kinh doanh cốt lõi, tập đoàn này lại quyết định lấn sân sang lĩnh vực bất động sản thông qua việc thành lập hàng loạt công ty với tổng vốn điều lệ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn 2017-2021, Tân Hiệp Phát cho thành lập gần 40 công ty có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Phần lớn các công ty này do bà Trần Uyên Phương đứng tên đại diện pháp luật, làm cổ đông sáng lập.
Đáng chú ý, chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ 18 - 24/4/2019, Tân Hiệp Phát thành lập tới 10 công ty với cùng vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và cùng cơ cấu sở hữu: bà Trần Uyên Phương(con gái) nắm giữ 99,9%, bà Trần Ngọc Bích(con gái) nắm giữ 0,05% và bà Phạm Thị Nụ(vợ) nắm giữ 0,05%.
Đến tháng 5/2019, Tân Hiệp Phát tiếp tục thành lập CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản Lộc Điền với vốn điều lệ 3.830 tỷ đồng. Tuy nhiên, đa số những công ty này hiện đã phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể.
Bất động sản của Tân Hiệp Phát khủng cỡ nào?
Hiện tại, trong hệ sinh thái bất động sản gia tộc Trần Quí Thanh có các doanh nghiệp hoạt động, gồm: Công ty Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền, Công ty Đầu tư Bất động sản HTK, Công ty Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng, Công ty TNHH Bất động sản Quang Vinh; Công ty TNHH Hạ tầng Quang Vinh, Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Quang Vinh...
Đi cùng với loạt doanh nghiệp đã thành lập, những năm gần đây, việc gom quỹ đất của Tân Hiệp Phát được triển khai khá rầm rộ. Dường như, "khẩu vị" yêu thích của gia tộc Trần Quí Thanh là nhắm vào những khu đất Nhà nước hoặc ngân hàng mang ra đấu giá để tích lũy quỹ đất.
Với chiến lược này, Tân Hiệp Phát đã sở hữu nhiều lô “đất vàng” tại những tỉnh thành đang thu hút đầu tư như Đà Nẵng, TP HCM, Vũng Tàu… Điển hình như Tân Hiệp Phát sở hữu lô đất 12.077m2 trên tuyến đường Bạch Đằng - phía Bắc đường dẫn vào cầu Sông Hàn, lô đất diện tích 1.836m2 nằm trên trục nối giữa đường Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo, Đà Nẵng.
Bà Trần Ngọc Bích chi 170 tỷ đồng để được sử dụng khu đất hơn 20.000m2 tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ trong 50 năm. Bà Bích cũng được công nhận trúng đấu giá một khu đất khác gần 10.000m2 tại huyện Côn Đảo với số tiền hơn 80 tỷ đồng.
Cuối tháng 5/2019, gia tộc Trần Quí Thanh vượt qua 4 công ty khác để sở hữu khu đất 18.165m2 ngay trung tâm Vũng Tàu. Số tiền ông Thanh chi ra là 394 tỷ đồng, cao hơn khởi điểm gần 140 tỷ đồng.
Tại TP HCM, vào tháng 4/2018, bà Đinh Thị Tuyết Nhung đã nhận 163 tỷ đồng từ Tân Hiệp Phát để chuyển nhượng 8 mảnh “đất vàng” cho gia tộc này. Trước đó, 8 mảnh đất này đã được bà Nhung thế chấp ngân hàng.
Dù trước đó doanh nghiệp này đã từng lập hơn 10 công ty bất động sản hàng chục nghìn tỷ rồi đột ngột giải thể, bên cạnh đó cũng vướng phải không ít lùm xùm liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã vướng phải lùm xùm gì trên "đường đua" bất động sản?
Việc liên tiếp thành lập hàng chục doanh nghiệp mới là một phần trong kế hoạch hiện thực hóa tham vọng “nhảy” sang lĩnh vực bất động sản của ông Trần Quí Thanh. Tuy nhiên, cũng chính lĩnh vực này đã khiến ông Trần Quí Thanh và con gái sa cơ, rơi vào vòng lao lý.
Ngày 8/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Quí Thanh và hai con gái là Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích. Ngày 10/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Quí Thanh, bà Trần Uyên Phương.
Theo Bộ Công an, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Quí Thanh, bà Trần Uyên Phương và khởi tố bà Trần Bích Ngọc nằm trong diễn tiến giải quyết đơn của một số người dân ở TP HCM, Đồng Nai tố ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP HCM từ tháng 11/2020.
Quá trình điều tra, đến nay cơ quan điều tra đã có đủ căn cứ xác định hành vi của ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Tập đoàn Tân Hiệp Phát dính lùm xùm thâu tóm đất vàng
Trước đó, đã xuất hiện phản ánh nghi vấn ông Trần Quý Thanh cùng 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và nhiều nhân viên Tân Hiệp Phát khác vi phạm tại một số cuộc đấu giá đất. Công an Bà Rịa - Vũng Tàu đã có kết luận nhóm người trên đã “có sự thông đồng, móc nối với nhau để dìm giá giành quyền mua tài sản mà không phải đấu giá với đối thủ nào khác” khi đấu giá khu đất 80.000m2 tại Côn Đảo.
Thanh tra Bộ Tư pháp cũng công bố Quyết định thanh tra số 07/QĐ-TTR việc chấp hành pháp luật về đấu giá tài sản với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước, trong việc đấu giá tài sản theo Hợp đồng số 03/HĐ-DVĐGTS ngày 13/4/2021. Thời hạn thanh tra 30 ngày.
Vào đầu năm 2021, UBND Bình Phước quyết định đấu giá quyền sử dụng đất Khu dân cư Phú Thịnh (Giai đoạn 1, phường Tân Phú, Đồng Xoài). Khu đất 79.840m2 gồm 76 lô và 11 cụm, phương thức đấu giá từng lô từng cụm; giá khởi điểm 673 tỷ đồng.
Tại cuộc đấu giá này, bà Bích và cấp dưới là ông Phạm Phú Quốc (nhân viên của Tân Hiệp Phát) cùng đăng ký tham gia. Việc hai người cùng một tổ chức cùng tham gia cuộc đấu giá là sai so với Luật Đấu giá tài sản và Quy chế cuộc đấu giá. Tuy nhiên Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước đã không nhắc đến vi phạm này mà vẫn cho bà Bích và ông Quốc cùng tham gia “đấu” nhau.
Tại cuộc đấu giá 3 ngày (7/5 – 9/5/2021), bà Bích trúng đấu giá 10/11 cụm và 54/76 lô riêng lẻ này. Ông Quốc đặt trước 101 tỷ đồng ký quỹ nhưng không trúng đấu giá bất kỳ lô đất nào. Sau cuộc đấu giá, ông Quốc đã được trả lại toàn bộ số tiền trên.