Hồ sơ Dr. Thanh (Tân Hiệp Phát): Câu chuyện về những quyển sổ tiết kiệm nghìn tỷ
Ở một góc nhìn khác sau vụ ông chủ Tân Hiệp Phát bị bắt, cùng “truy” vết xem những quyển sổ tiết kiệm nghìn tỷ nhà Dr.Thanh hiện đang ở đâu?
Những ngày này, nhắc tới Tân Hiệp Phát hay cái tên Trần Quí Thanh đều là vấn đề nóng được nhiều người quan tâm. Đối với nhiều người, các câu chuyện xung quanh gia tộc nhà Dr.Thanh, cách họ làm giàu, cách họ gây dựng tên tuổi Tân Hiệp Phát là điều họ quan tâm. Ẩn sâu đằng sau thành công cũng như "drama" của những người thuộc giới siêu giàu tại Việt Nam là những gì?
Ông Trần Quí Thanh sinh năm 1953, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa năm 1978, là kỹ sư cơ khí chế tạo máy. Sau đó ông còn học tiếp và có bằng Tiến sĩ Quản trị kinh doanh của Southern Califonia University.
Trước khi khởi nghiệp với Tân Hiệp Phát, ông Trần Qúi Thanh có thời gian làm việc tại Bộ Công nghiệp, kỹ thuật, thiết bị công nghiệp từ năm 1977. Cũng năm này ông bắt đầu công việc với một doanh nghiệp nhỏ sản xuất men. Năm 1981 doanh nghiệp nhỏ này bắt đầu mở rộng, chế biến đường, sản xuất đường fructose vào năm 1988.
Tân Hiệp Phát ngày nay được manh nha hình thành từ năm 1994 với một nhà máy sản xuất bia, tiền thân là một phân xưởng nước giải khát Bến Thành chuyên sản xuất nước giải khát có ga, nước ngọt và hương vị bia. Xưởng sản xuất nhanh chóng mở rộng dây chuyền, tung ra sản phẩm bia tươi Flash, sữa đậu nành đóng chai. Đến năm 1997, Công ty TNHH Thương mại – Dich vụ Tân Hiệp Phát chính thức được thành lập.
Tân Hiệp Phát nhanh chóng phát triển, năm 2001 trở thành doanh nghiệp đầu tiên bán nước tăng lực của Việt Nam với nhãn hiệu Number 1. Năm 2006 sản phẩm Trà xanh không độ ra đời. Năm 2008 ra mắt sản phẩm trà thanh nhiệt Dr.Thanh.
Năm 2011 ông Trần Quí Thanh được bầu làm Phó Chủ tịch hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA).
Tân Hiệp Phát – công ty gia đình kín tiếng
Nói về Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh và vợ là bà Phạm Thị Nụ, là những thành viên sáng lập từ khi còn là phân xưởng sản xuất nước giải khát năm 1994. Đồng hành, điều hành và là lãnh đạo chính của Tân Hiệp Phát, nhưng cơ cấu sở hữu cập nhật mới nhất cho thấy ông Trần Quí Thanh không sở hữu cổ phần.
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh của Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh là Tổng giám đốc công ty; ông Riddle David Charles (quốc tịch Anh) là Phó Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Hai cô con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích là Phó Tổng Giám đốc.
Từ khi thành lập đến nay tân Hiệp Phát đã có 43 lần thay đổi đăng ký kinh doanh. Cập nhật trước đó đến 9/9/2022 vốn điều lệ công ty là 1.706 tỷ đồng. Còn cập nhật mới nhất đến 22/9/2022 vốn điều lệ lại giảm xuống chỉ còn 276 tỷ đồng. Tuy vậy cơ cấu sở hữu không thay đổi: Bà Phạm Thị Nụ sở hữu 54,49%; bà Trần Uyên Phương sở hữu 29,38% và bà Trần Ngọc Bích sở hữu 16,13% vốn điều lệ. Tổng cộng vợ và 2 con gái ông Trần Quí Thanh nắm giữ đủ 100% vốn điều lệ của Tân Hiệp Phát.
Doanh nghiệp gia đình này có nhiều sản phẩm chủ lực như Nước tăng lực Number 1, Trà xanh không độ, Trà thảo mộc giải nhiệt Dr.Thanh.
Đặc biệt Number 1 ra đời năm 2001 và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường đồ uống tăng lực. Chỉ 1 năm sau đó, năm 2002 sản phẩm Number 1 đã nằm trong TOP 10 các sản phẩm nước giải khát khu vực Đông Nam Á.
Sản phẩm trà xanh không độ ra đời năm 2006 và Trà thanh nhiệt Dr.Thanh ra đời năm 2008 cũng được người tiêu dùng đón nhận và gia tăng thị phần nhanh chóng.
Gia đình ông Trần Quí Thanh sở hữu những sổ tiết kiệm nghìn tỷ đồng
Tân Hiệp Phát không thuộc doanh nghiệp bắt buộc phải công bố thông tin, do vậy những thông tin về tài chính của công ty không nhiều, đặc biệt là những thông tin về tài sản của các thành viên gia đình nhà Dr. Thanh ít người biết được.
3 năm trước ái nữ nhà Tân Hiệp Phát - bà Trần Uyên Phương- từng chi 350 tỷ đồng mua cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán: YEG) tuy vậy sau đó đã dần thoái vốn không còn là cổ đông lớn.
Không tính được độ giàu có trên sàn chứng khoán nhưng có một thông tin khác để "đo đếm" độ giàu của bà Uyên Phương là những cuốn sổ tiết kiệm tại các ngân hàng trị giá ít nhất là 1.369 tỷ đồng. Những cuốn sổ này hiện tại đang được cầm cố tại Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Nam Bình Dương. Điểm đặc biệt của những cuốn sổ tiết kiệm này là mới gửi thời gian gần đây, và được hưởng lãi suất huy động rất cao, nhiều khoản đến 13%. Những ngân hàng nào nhận khoản tiền tiết kiệm nghìn tỷ này với lãi suất cao? Câu trả lời sẽ trả lời ở những phần sau.
Vợ của ông Trần Quí Thanh – bà Phạm Thị Nụ cũng từng đưa rất nhiều số tiết kiệm đi cầm cố tại ngân hàng. Gần đây nhất, ngay đầu tháng 4/2023 tức ngay trước khi cha con ông Trần Quí Thanh bị bắt, bà Nụ đã mang 2 sổ tiết kiệm tổng giá trị tiền gửi 215 tỷ đồng thế chấp tại BIDV chi nhánh Nam Bình Dương. Cùng ngày bà Nụ còn cầm cố thêm 1 sổ tiết kiệm trị giá 115 tỷ đồng cũng tại BIDV.
Đây cũng không phải là lần đầu bà Nụ đem sổ tiết kiệm trăm tỷ đi cầm cố ngân hàng mà trước đó tháng 3/2023 bà Nụ đã nhiều lần đưa sổ tiết kiệm đi cầm cố. Những sổ tiết kiệm của bà Nụ cầm cố chỉ tính riêng trong tháng 3/2023 đã lên đến 1.586 tỷ đồng.
Trước đó từ năm 2022 trở về trước bà Nụ cũng thường xuyên mang sổ tiết kiệm làm tài sản thế chấp cho các khoản vay.
Đối với Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp này rất kín tiếng trong vấn đề tiền nong. Tuy vậy số liệu cho thấy từ năm 2013 Tân Hiệp phát đã có khoản tiền 7,2 triệu USD đi gửi ngân hàng, và từng dùng nó thế chấp cho một khoản vay tại Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông chi nhánh Sài Gòn. Sau đó khoản vay này nhanh chóng được thay đổi bên đảm bảo với tư cách cá nhân của ông Trần Qúi Thanh và bà Phạm Thị Nụ.
Bản thân ông Trần Quí Thanh những năm trước đó cũng đứng tên rất nhiều sổ tiết kiệm mệnh giá lớn và thường xuyên dùng nó để thế chấp ngân hàng cho những khoản vay. Và BIDV chi nhánh Nam Bình Dương là “điểm đến” của những người trong gia đình nhà Dr.Thanh.
Câu chuyện về những quyển sổ tiết kiệm của gia dình Dr. Thanh cũng có rất nhiều điều thú vị. Câu chuyện còn tiếp diễn phía sau.
Tân Hiệp Phát – và vụ “scandal” con ruồi 500 triệu
Cái tên Tân Hiệp Phát nổi lên cùng với thị trường đồ uống. Tuy vậy những scandal liên quan Tân Hiệp Phát cũng không ít. Người tiêu dùng chắc hẳn vẫn không quên vụ “con ruồi” 500 triệu và anh chủ quán ăn Võ Văn Minh với tội danh "cưỡng đoạt tài sản". Tân Hiệp Phát còn cho rằng công ty thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng?
Câu chuyện bắt đầu từ ngày 3/12/2014, khi bán hàng cho khách, chủ quán cơm Võ Văn Minh (Nhà Bè, Tiền Giang) phát hiện có con ruồi trong chai nước Number 1 chưa mở nắp của Tân Hiệp Phát. Anh Minh giữ lại chai nước, liên hệ Tân Hiệp Phát yêu cầu gặp đại diện thương lượng. Việc thương lượng giữa 2 bên kéo dài đến lần thứ 3 thì “chốt số” với con số 500 triệu đồng. Hai bên hẹn gặp ngày 27/1/2015 để giao tiền tại 1 quán cafe. Cao trào là, lúc anh Minh nhận 500 triệu đồng, Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang xuất hiện và bắt qủa tang. Anh Minh bị truy tố, xét xử tội “cưỡng đoạt tài sản”, anh Minh bị xử tù giam 7 năm.
Dư luận có nhiều ý kiến trái chiều tranh cãi về vụ án này. Một số ý kiến cho rằng anh Minh phát hiện chai nước có ruồi, không báo với hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc, mà tự ý “trao đổi” với doanh nghiệp để “chuộc” lại sản phẩm lỗi là hành vi sai trái.
Tuy vậy cũng rất nhiều ý kiến không đồng tình với Tân Hiệp Phát khi doanh nghiệp dùng tiền để “bịt” miệng khách hàng, đồng thời việc gài bẫy khách hàng cũng “hiển hiện” rất rõ. Biện minh cho việc này, Tân Hiệp Phát cho rằng thời điểm anh Minh “tố” chai nước có ruồi là sát tết, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty, do vậy mới phải gặp Minh để thương thảo. Việc chi 500 triệu trong tình huống đó là bị áp lực. Tân Hiệp Phát lúc đó còn cho biết, sự việc xay ra, công ty thiệt hại 2.000 tỷ đồng và rất nhiều “thiệt hại vô hình” như hình ảnh thương hiệu bị mất uy tín…
Vụ án kết thúc, anh Minh lĩnh án 7 năm tù giam.
Đến những vụ kiện liên quan ba cha con nhà Tân Hiệp Phát
Năm 2020 một lần nữa Tân Hiệp Phát được nhắc đến với những scandal là vụ kiện Dr. Thanh và 2 ái nữ Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích. Sự việc bắt đầu từ đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển Kim Oanh Đồng Nai. Trong đơn thư, ba cha con nhà Dr.Thanh cùng một số người bị tố “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “trốn thuế” liên quan đến CTCP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai và CTCP Đầu tư và Xây dựng Nhơn Thành.
Vụ án được cơ quan điều tra tiếp nhận và ra quyết định khởi tố từ tháng 3/2021. Để phục vụ điều tra, thời điểm đó Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, các sở ban ngành tạm dừng mọi biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua bán cho tặng, cầm cố thế chấp quyền sử dụng đất…) đối với các lô đất liên quan.
Vụ án này đã bị tạm đình chỉ vào tháng 11/2022 do hết thời hạn điều tra và cần làm rõ thêm các nội dung liên quan đến công tác giám định, trong đó cơ quan điều tra yêu cầu làm rõ giám định thiệt hại liên quan đến vấn đề bị tố cáo.
Sau hơn 1 năm thụ lý, ngày 10/4/2023 vừa qua Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công An đã khám xét chỗ ở, nơi làm việc của Trần Quí Thanh và 2 ái nữ tại 9 địa điểm. Ông Trần Quí Thanh bị cáo buộc tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ông Trần Quí Thanh và Trần Uyên Phương bị bắt tạm giam.
Câu chuyện liên quan đơn tố cáo của phía Công ty Kim Oanh
Đơn tố cáo cho biết, câu chuyện bắt đầu từ năm 2017, Công ty Thuận Lợi (Công ty con của Kim Oanh) thỏa thuận mua lại Dự án Minh Thành giá 530 tỷ đồng từ BĐS Minh Thành Đồng Nai với nội dung sau khi hoàn tất thủ tục sẽ chuyển nhượng 100% vốn cổ phần Minh Thành Đồng Nai, gồm cả dự án công ty này đang sở sở hữu. Kim Oanh đã thanh toán 265 tỷ đồng và nhận trước 50% số cổ phần. Nhưng đúng lúc túng thiếu, Kim Oanh chưa thể xoay đủ tiền nên qua môi giới đã tìm vay của Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích số tiền 350 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng, 36%/năm.
Để hợp lý hóa cách “vay nóng” này, hai bên làm hợp đồng mua bán, trong đó 2 người chủ của Công ty Minh Thành Đồng Nai (do chưa trả đủ tiền nên chưa thuộc vào Kim Oanh) ký hợp đồng "bán" 50% cổ phần cho bà Bích, bà Phương và công ty TCS với giá 115 tỷ đồng. Đồng thời Kim Oanh Đồng Nai cũng “bán” 50% số cổ phần vừa mua với giá 235 tỷ đồng. Các bên cùng thỏa thuận khi “khoản vay” 350 tỷ đồng này được hoàn trả đúng hạn, phía bà Phương, bà Bích cùng công ty TCS sẽ “bán” lại đủ 100% cổ phần cho các bên bán.
Vì để hợp thức hóa khoản vay nóng, nên định kỳ Kim Oanh Đồng Nai trả lãi bằng “giấy tờ đặt cọc mua cổ phần”. Tháng 8/2020 phía công ty Kim Oanh Đồng Nai thông qua 1 tài khoản cá nhân trả đủ gốc vay 350 tỷ đồng trên danh nghĩa mua cổ phần. Tuy vậy chỉ mấy ngày sau khoản tiền này được hoàn trả với lý do cá nhân đó không đại diện cho Kim Oanh, và theo hợp đồng Kim Oanh chỉ có quyền mua lại 50% cổ phần, đồng thời còn bị “ép” mua lại giá cao do lúc đó bất động sản đang lên, giá trị những lô đất cầm cố đang rất cao.
Cũng phương thức tương tự trên, công ty Kim Oanh cũng tố cáo nhà Dr.Thanh trong vụ vay 150 tỷ đồng của Dự án Nhơn Thành.