Tăng trưởng 7% giai đoạn 2021 - 2030: Khát vọng và áp lực song hành
Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 được xây dựng bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt kỳ vọng, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm trong 10 năm tới.
Năm 2020, thành quả đạt được trên các bình diện kinh tế - xã hội trong nước, kinh tế đối ngoại cũng như vai trò, vị thế và thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế đã được củng cố đáng kể. Dù tăng trưởng GDP của năm 2020 chưa đạt 1/2 so với mục tiêu đề ra, song với mức tăng trưởng 2,91%, Việt Nam trở thành nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á và là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới đạt được tăng trưởng dương.
Năm 2021 là năm khởi đầu cho một giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 10 năm quan trọng của Việt Nam. Chiến lược phát triển kinh tế 2021 - 2030 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và tham vấn ý kiến các bên để hoàn thiện và trình Chính phủ.
3 đột phá chiến lược giai đoạn 2021 - 2030
Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 với chủ đề "Định hình Chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới", TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 có nhiều nội dung đổi mới, nhằm đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Trong giai đoạn 10 năm tới, Việt Nam kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm. Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Trong đó, GDP/người giá thực tế giai đoạn này đạt 4.700 - 5.000 USD, năm 2020, GDP/người đã đạt 3.521 USD.
Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. GDP/người giá thực tế đạt khoảng 7.500 USD. Hướng đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
TS. Trần Hồng Quang cho hay, để hiện thực hoá những mục tiêu chiến lược này, ba đột phá chiến lược có tính lâu dài được xác định bao gồm:
Thứ nhất, đột phá về thể chế. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại và hội nhập. Huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường.
Thứ hai, đột phá nguồn nhân lực. Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam.
Thứ ba, đột phá về hạ tầng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn và hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nhận định về những mục tiêu đặt ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 7% là rất có khát vọng dù cũng tồn tại không ít áp lực trong bối cảnh Việt Nam vẫn phải ứng phó với những bất ổn toàn cầu.
Tuy nhiên ông Thành cho rằng, tin vui là năm 2021 nền kinh tế của các nền kinh tế chính yếu được dự báo sẽ tăng trưởng dương, hồi phục nhất định, lấy lại những suy giảm của năm 2020. Kịch bản lạc quan này được đưa ra dựa vào việc nền tảng Covid rồi sẽ qua đi, không phải giữa năm nay thì cũng cuối năm nay, khi các nước giàu đã phân phối Vaccine Covid-19, các nước trung bình giữa năm cũng sẽ tiếp cận được với vaccine.
Vị chuyên gia cũng không loại trừ việc những kịch bản này có thể xảy ra những rủi ro như phân phối vaccine không dễ dàng kể cả những nước giàu - có xáo trộn và chậm trễ; thay đổi chính trị trên toàn cầu, căng thẳng thương mại song phương đa phương không dễ dàng chấm dứt trong năm 2021 mà còn có thể căng hơn. Nhưng ông Thành bày tỏ lạc quan: "Chứng khoán vẫn tăng trưởng do niềm tin về vaccine Covid, hệ thống tài chính vẫn khỏe mạnh, chúng ta đang bơm tiền mà tạm quên đi những rủi ro. Trong 5 năm tới làm sao giải quyết được hút tiền đã bơm ra trong giai đoạn vừa qua về".
Lấy dẫn chứng về những dự báo tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021, ông Thành cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2021 là 6,5%, nhưng IMF, WB dự báo lạc quan hơn với 6,7%; các ngân hàng quốc tế dự báo từ 6,8 - 7%. Kỳ vọng này nằm trên yếu tố ổn định vĩ mô của Việt Nam vẫn duy trì. Đây là lần đầu tiên Việt Nam chịu tác động bất ổn toàn cầu nhưng vẫn giữ được ổn định vĩ mô trong vòng 30 năm qua.
Ông Nguyễn Xuân Thành bày tỏ băn khoăn: "Năm 2020, mặc dù chúng ta duy trì được ổn định nền vĩ mô, nhưng đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và FDI đều suy giảm; sức mua trên thị trường giảm. Liệu sức mua có hồi phục trong năm 2021 hay không? Xuất khẩu là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam 2020. Liệu chúng ta có đa dạng được thị trường trong năm 2021 hay không là một thách thức. Việt Nam là điểm hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài".
4 điểm sáng hứa hẹn kịch bản lạc quan của kinh tế Việt Nam 2021
Theo đó, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, có 4 điểm sáng để có thể nghĩ đến kịch bản kinh tế lạc quan trong năm 2021. Cụ thể:
Thứ nhất là ổn định vĩ mô và hỗ trợ kinh tế: Tăng trưởng nhưng không hy sinh ổn định vĩ mô là điểm nổi bật nhất trong nhiệm kỳ 2016 - 2020. Quy mô gói hỗ trợ của Việt Nam thuộc loại thấp nhất so về hiệu dụng. Cái tốt nhất Chính phủ làm là ổn định vĩ mô. Trong năm 2021 kỳ vọng Chính phủ vẫn duy trì được ổn định vĩ mô.
Thứ hai là phục hồi đầu tư doanh nghiệp tư nhân và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Đầu tư tư nhân đã tăng nhanh trong 4 năm qua, trong khi đầu tư công được siết chặt do tác động của nhiều yếu tố.
"Chúng ta có điều kiện để giảm lãi suất vay trong năm nay. Duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp tư nhân năm 2021 và những năm sau. Năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ mới. Là năm phục hồi tiếp tục của năm 2020, chúng ta vẫn phải tăng đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm 2021", ông Thành nói.
Thứ ba là sự nối lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 có giảm, nhưng số tuyệt đối vốn FDI vào Việt Nam lớn. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn hấp thu được dòng vốn nước ngoài vào mạnh và vẫn giữ được ổn định vĩ mô.
Thứ tư là phục hồi sức mua trong nước. Số người mất việc làm đã làm giảm sức mua. Thống kê từ Google cho thấy, lượng người di chuyển đến trung tâm mua sắm đã giảm. Chuyển đổi số là động lực rất lớn để doanh nghiệp thích ứng với loại hình mua sắm mới.
Cuối cùng, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 là xuất khẩu. "Chúng ta là nền kinh tế mở, chúng ta có thị trường xuất khẩu đa dạng, xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc đã bù đắp suy giảm các thị trường khác. Tuy nhiên sang năm 2021 sẽ xuất khẩu mạnh sang EU và ASEAN", ông Thành khẳng định./.