Ngân hàng “sống khoẻ” vì đâu?
Trái với biến động của nền kinh tế, một số ngân hàng vẫn “sống khoẻ” qua mùa Covid-19. Các tổ chức nghiên cứu thị trường còn cho rằng, 2021 sẽ là năm lạc quan cho ngành ngân hàng.
Bất chấp dịch bệnh, ngân hàng vẫn lãi
Báo cáo của SSI Research mới đây cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu đạt 86,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Mặc dù tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2019, tình hình hoạt động của ngành ngân hàng vẫn khả quan hơn so với các ngành khác.
Đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2020 là khối ngân hàng thương mại cổ phần với mức tăng 18,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng quốc doanh chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ. SSI Research cho rằng, điều này có thể là do tăng trưởng tín dụng mạnh ở các ngân hàng tư nhân, lấy thêm thị phần tín dụng từ các ngân hàng quốc doanh.
Dẫn chứng về chỉ số tích cực của ngân hàng thương mại cổ phần, SSI Reseach cho hay, các dấu hiệu phục hồi bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng 6 sau giai đoạn thực hiện chính sách giãn cách xã hội một phần trên cả nước trong tháng 4 và tháng 5. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt 6,1% so với đầu năm vào cuối quý III/2020 và tăng tốc lên 10,1% tính đến ngày 21/12/2020. Trong số các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu, tổng tín dụng tăng 7,5% so với đầu năm vào cuối quý III/2020, cao hơn khoảng 19% so với mức tăng trong quý II/2020.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại nhà nước có mức tăng trưởng khá khiêm tốn, tăng 1,1% so với quý II/2020 và 3,4% so với đầu năm 2020. Tốc độ giải ngân tín dụng nhanh hơn tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (tăng 5,3% so với quý II/2020 và 12,9% so với đầu năm 2020).
Một diễn biến khác mà SSI Research ghi nhận, đó là cho vay tập đoàn lớn và trái phiếu doanh nghiệp được đẩy mạnh trong nửa đầu năm 2020, trong khi cho vay bán lẻ có dấu hiệu phục hồi trong quý III/2020, đặc biệt ở ngân hàng BIDV, MBBank và HDBank. Một số ngân hàng tập trung đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Nghị định 81 quy định về việc hạn chế phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực kể từ tháng 9/2020, đã thúc đẩy các công ty đẩy nhanh phát hành trong tháng 7 và tháng 8/2020. Do đó, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý III/2020 tăng vọt lên 164,4 nghìn tỷ đồng (tăng 95% so với cùng kỳ). Tổng trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng thương mại sở hữu tăng 43,5 nghìn tỷ đồng trong quý III/2020 lên 207 nghìn tỷ đồng (tăng 69,5% so với đầu năm), trong đó mức tăng mạnh nhất là ở Techcombank, SHB, VPBank, MBBank và TPBank.
Vì sao ngân hàng vẫn "sống khoẻ"?
Theo SSI Reseach, một trong những nguyên ngân làm thay đổi chiến lược của ngành ngân hàng và sự khác biệt trong lợi nhuận của từng nhóm khối nhà băng đến từ quá trình số hoá. Một số ngân hàng có nền tảng số hoá tốt như Techcombank, TPBank đã áp dụng chính sách miễn phí cho hoạt động giao dịch. Lợi thế này tác động tới kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng.
Sự chênh lệch về lợi nhuận của các nhóm ngân hàng còn đến từ việc ngân hàng thương mại Nhà nước phải thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ với quy mô lớn khiến triển vọng tăng trưởng lợi nhuận giữa 2 khối ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần khác nhau.
SSI Research còn chỉ ra, các ngân hàng có thu nhập ngoài lãi đạt hiệu suất cao, đặc biệt là thu nhập từ phí và hoa hồng. Theo đó, tổng thu nhập ngoài lãi tăng trưởng ổn định trong 9 tháng đầu năm 2020. Trong nửa đầu năm 2020, thu nhập ngoài lãi được thúc đẩy bởi hoạt động kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán, trong khi tăng trưởng thu nhập phí ở mức khiêm tốn và thu từ nợ xấu đã xóa giảm. Trong quý III/2020, thu nhập phí thuần tại các ngân hàng tư nhân tăng mạnh (51,7% so với cùng kỳ), trong đó Techcombank, SacomBank, MBBank và VPBank là những ngân hàng tăng mạnh nhất.
Lợi nhuận của một số ngân hàng lớn còn nhờ các dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, bancassurance và kiều hối phục hồi trong quý III, IV/2020. Đặc biệt, các ngân hàng còn thu được khoản lợi nhuận từ phát hành và phân phối trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh, điển hình như lợi nhuận của Techcombank từ phát hành và phân phối trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh 199% so với cùng kỳ, trước khi các quy định tại Nghị định 81 chặt chẽ hơn và có hiệu lực vào tháng 9/2020. Điều này đạt được bất chấp việc ngành ngân hàng đã giảm và miễn phí thanh toán cho khách hàng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, ước tính khoảng 1 nghìn tỷ đồng trong 2020.
Dự báo về lợi nhuận của ngành ngân hàng 2021, PGS.TS. Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng Tài chính - Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, lợi nhuận của các ngân hàng trên sổ sách tiếp tục tăng trưởng, nhưng lợi nhuận thực tế có thể suy giảm mạnh mẽ nếu rủi ro tín dụng không được kiểm soát chặt chẽ.
Lý giải nhận định này, bà Linh cho rằng, năm 2021 với ngành ngân hàng sẽ có gam màu lạc quan nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều bất định khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, áp lực từ những cuộc căng thẳng thương mại trên thế giới vẫn chưa có hồi kết rõ ràng do các biến động mới về chính trị. Chưa kể, nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng năm 2021 tiếp tục gia tăng, nhưng nguồn gốc của các khoản nợ tiềm ẩn này đến từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh nên sẽ dễ dàng phục hồi hơn nếu nợ xấu đến từ những lĩnh vực tạo bong bóng./.