Tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Trong đó, GDP quý II ...

 

Tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao - Ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao. Ảnh VGP

GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011

Tại phiên họp Chính phủ tháng 6/2022 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra, trong đó, GDP Quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011.

Tính chung 06 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản (Dự kiến kịch bản theo Nghị quyết 01/NQ-CP là 5,1-5,7%) và cùng kỳ năm 2021 (là 5,74%), tương đương mức bình quân các năm trước dịch (mức tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 là 6,38%).

“Đáng chú ý là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ; nhiều địa phương động lực đã đạt mức tăng trưởng GRDP cao, như: Hà Nội (7,79%), Bắc Giang (24,0%), Bắc Ninh (14,7%), Thanh Hóa (13,41%), Quảng Nam (12,8%), Khánh Hòa (12,58%), Hải Dương (11,82%), Hải Phòng (11,1%), Quảng Ninh (10,66%), Vĩnh Phúc (10,1%), Đà Nẵng (7,23%), Đồng Nai (7,06%), Bình Dương (6,84%)…”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thêm thông tin.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 06 tháng tăng 2,44%- là mức tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước dịch.

“Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm nguồn cung, giảm bớt đà tăng giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, hàng hóa trong nước; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng; tổ chức S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “ổn định””, Bộ trưởng Dũng cho hay.

Điểm đáng mừng là tình hình đăng ký doanh nghiệp rất tích cực. “Tính chung 06 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng 25,4% so với cùng kỳ, lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp; trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 76 nghìn doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay. Qua đó, khẳng định niềm tin, kỳ vọng của doanh nghiệp vào sự phục hồi của nền kinh tế”, Bộ trưởng cho biết.

Cải cách thể chế tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về nguồn lực cho đầu tư phát triển. Chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng, cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương, chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia… Tập trung tháo gỡ, xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, các doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Việt Nam được đánh giá cao trong xếp hạng chính phủ tốt, đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số bình đẳng thu nhập và thu hút đầu tư (lần lượt tăng 33 bậc và 18 bậc so với năm 2021.

Áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra rằng, những khó khăn, thách thức, biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực về lạm phát, giá xăng dầu, chuỗi cung ứng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ… đã và đang tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống của nước ta trong 06 tháng đầu năm.

Theo Bộ trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những yếu tố tác động dây chuyền làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ như: giá xăng dầu, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao; tỷ giá, lãi suất có xu hướng tăng; việc điều chỉnh tiền lương; một số chính sách hỗ trợ hết thời hạn…

“Đáng chú ý là chỉ số CPI tháng 06/2022 nếu so với cuối năm 2021 đã tăng 3,18%, gấp hơn 2 lần so với mức tăng cùng kỳ năm 2019 (1,41%)”, Bộ trưởng quan ngại.

Tính chung 06 tháng, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước, nhất là trong khu vực nông, lâm, thủy sản (tăng 10,01%), xây dựng (tăng 9,32%); giá nhiều hàng hóa đầu vào nhập khẩu cũng tăng cao. “Điều này gây nhiều khó khăn cho sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, triển khai các dự án đầu tư”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ, từ quý IV/2020 đến nay, nhiều loại nhiên liệu, vật liệu có biến động giá lớn, làm tăng giá thành xây lắp từ 18% đến 30%. “Trong khi đó, các địa phương rất chậm trễ trong việc công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, nhiều địa phương công bố cách đây 6 tháng, khiến doanh nghiệp rất khó khăn, không thể điều chỉnh đơn giá hợp đồng, càng làm càng lỗ, dẫn đến dừng thi công hoặc thi công cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn dự án”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Theo Bộ trưởng, áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm sẽ tạo sức ép lớn lên điều hành vĩ mô, có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; gia tăng chi phí sinh hoạt, tăng thêm khó khăn cho người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp.

Mặt bằng lãi suất cho vay dự báo tiếp tục tăng do mặt bằng lãi suất huy động, nhu cầu tín dụng tăng cao (gấp khoảng 1,6 lần cùng kỳ năm 2021), lãi suất quốc tế tăng nhanh, làm tăng áp lực chi phí vốn vay của doanh nghiệp”, Bộ trưởng lo lắng.

Vốn FDI đăng ký cấp mới 06 tháng giảm 48,2% so với cùng kỳ do xu hướng chung toàn cầu, nhưng theo Bộ trưởng, đó cũng là tín hiệu cho thấy nước ta có thể chưa tranh thủ tốt cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư toàn cầu, có thể ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng, mở rộng đầu tư của khu vực FDI trong trung và dài hạn.

Một vấn đề khác đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng Dũng chỉ rõ, xuất hiện tình trạng thu hẹp đầu tư sản xuất do chi phí đầu vào, giá vật tư, phân bón tăng cao, từ đó làm giảm năng suất.

“Ví dụ như sản lượng cây trồng, sản lượng khai thác thủy sản quý II ước giảm 3,7% so với cùng kỳ do giá xăng dầu tăng cao, làm tăng chi phí đánh bắt, nhất là đánh bắt xa bờ. Qua đó, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung phục vụ tiêu dùng, chế biến xuất khẩu trong thời gian tới cũng như công tác bảo vệ và khẳng định chủ quyền trên biển”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Sản xuất công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào, vận tải tăng, thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực và một số địa phương là trung tâm công nghiệp của đất nước. Mức độ phục hồi sản xuất công nghiệp không đồng đều, một số địa phương trọng điểm công nghiệp chế biến, chế tạo như TP. Hồ Chí Minh, Long An… có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng thấp, chưa lấy lại được đà tăng trưởng trước giai đoạn dịch bệnh.

Du lịch phục hồi nhanh nhưng không đồng đều giữa khách trong nước và khách quốc tế. Lượng khách quốc tế đến nước ta trong 06 tháng chỉ bằng 7,1% cùng kỳ năm 2019. Du lịch đang phải đối mặt với nhiều thách thức để phục hồi bền vững trong thời gian tới như chi phí đầu vào tăng, lao động thiếu hụt, chất lượng hạ tầng chưa cao, chưa liên kết chặt chẽ với vận tải hàng không và các ngành hỗ trợ khác để nâng cao chất lượng, đổi mới sản phẩm, dịch vụ, gia tăng khả năng cạnh tranh…

Thách thức thứ 3 được Bộ trưởng chỉ ra là thị trường chứng khoán tiếp tục suy giảm. Đến ngày 24/6, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu chỉ tương đương 73,8% GDP, giảm 20,2% so với cuối năm 2021. Thanh khoản giảm sút, giá trị giao dịch chứng khoán cơ sở bình quân 06 tháng giảm 2,1% so với bình quân năm trước, trong khi khối lượng giao dịch phái sinh tăng cao (10%), tiếp tục cho thấy thị trường chứng khoán chưa thực sự là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi quy định pháp lý cho hoạt động của thị trường vẫn chậm được hoàn thiện.

Thách thức thứ tư, theo Bộ trưởng là vấn đề thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, trong đó thiếu khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu là lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục…

“Nguyên nhân là do sau dịch, nhiều lao động chưa có ý định quay trở lại làm việc hoặc đã chuyển đổi ngành nghề. Đây là rào cản cho sự phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe người dân gặp rất nhiều khó khăn. Theo Bộ trưởng, thiếu hụt nhân sự khi nhiều nhân viên y tế, bác sỹ nghỉ việc do áp lực công việc cao trong khi thu nhập từ nghề y chưa tương xứng; tình trạng thiếu thuốc, vật tư tại một số khu vực, bệnh viện do hết hạn số đăng ký, giá cả thuốc khi đấu thầu…; các loại dịch bệnh mới xuất hiện và có thể du nhập vào nước ta… Đòi hỏi cần có biện pháp giải quyết vướng mắc, hỗ trợ kịp thời để ổn định đội ngũ nhân lực y tế, bảo đảm năng lực phòng chống, khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu người dân.

2 kịch bản tăng trưởng năm 2022

Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ KH&ĐT kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7,0%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Kịch bản tăng trưởng được Bộ đưa ra cụ thể như sau:

Kịch bản 1: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 7,9% (trong khoảng 7,5-8% tại Nghị quyết 01/NQ-CP), quý IV tăng 5,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm).

Kịch bản 2: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,0%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 9% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 1 điểm phần trăm) và quý IV tăng 6,3% (trong khoảng 6,7-6,7% tại Nghị quyết 01/NQ-CP).

10 nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm

Các bộ, cơ quan và địa phương cần triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023); chủ động phương án ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; chủ động nghiên cứu, đề xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao. Trong đó, chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

(1) Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023). Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan, hoàn thiện quy định về mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, đấu thầu tập trung thuốc ở cả Trung ương và địa phương; điều chỉnh, hoàn thiện chính sách về tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác thu hút, giữ chân cán bộ, nhân viên y tế, bác sỹ; tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế.

(2) Điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác; điều hành ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất, tăng trưởng tín dụng, triển khai nhanh, hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm); theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung – cầu, điều hành giá; bảo đảm cân đối điện trong mùa nắng nóng.

– Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, hoàn thiện các quy định về quản trị, điều hành hoạt động của các tổ chức tín dụng để giúp tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí hoạt động, hỗ trợ giảm lãi suất cho vay; điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

– Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, khẩn trương sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp; sớm trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội phương án giảm thuế đối với xăng dầu.

– Bộ Công Thương tăng cường theo dõi, bảo đảm cung cầu, không để thiếu nguồn cung cấp mặt hàng xăng dầu; điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả; chú trọng công tác thông tin tuyên truyền để tạo đồng thuận xã hội.

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương nghiên cứu, có giải pháp điều tiết sản xuất nông nghiệp để cân đối nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước nhất là thời đểm cuối năm, bảo đảm lương thực mùa giáp hạt; sớm trình chính sách hỗ trợ chi phí xăng dầu phù hợp để ngư dân vươn khơi, bám biển; phát triển nuôi biển công nghiệp để giảm áp lực khai thác tự nhiên; phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai khi mùa mưa bão sắp tới.

(3) Triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; phát huy hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân.

(4) Triển khai quyết liệt các giải pháp thu hút và khơi thông nguồn vốn vốn đầu tư toàn xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; rà soát, nghiên cứu sửa đổi quy định tại các luật liên quan đến đầu tư, trong đó có đầu tư công như đất đai, ngân sách nhà nước, khoáng sản, phòng cháy chữa cháy…

Bộ Xây dựng khẩn trương hướng dẫn cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND hoặc Sở Xây dựng cấp tỉnh) công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo tháng, phù hợp với diễn biến thị trường; phối hợp, đôn đốc các địa phương thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để điều chỉnh dự toán, hợp đồng của các nhiệm vụ, dự án theo quy định; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương trong 06 tháng cuối năm.

(5) Đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, nhất là về y tế, kiểm dịch động thực vật, xử lý nước thải, môi trường, bảo đảm phù hợp với năng lực, điều kiện sản xuất trong nước; hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý các vấn đề tồn đọng, dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả.

(6) Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, điều chỉnh phù hợp Chương trình giáo dục phổ thông mới; thực hiện thanh tra, kiểm tra, hoàn thiện quy định về biên soạn, phát hành, mua và sử dụng sách giáo khoa; khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị năm học mới, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.

(7) Các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương triển khai hiệu quả Luật, Nghị quyết, cơ chế chính sách được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

(8) Các bộ, cơ quan và địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 04/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của mình.

(9) Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; xử lý nghiêm các vụ, việc trọng điểm, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao song phương, đa phương;chủ động phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ hậu quả thiên tai.

(10) Thông tin, tuyên truyền hiệu quả, kịp thời, đấu tranh phản bác quan điểm, tư tưởng sai trái; triệt phá, gỡ bỏ, ngăn chặn thông tin xấu, độc, sai sự thật

Đức Minh

Theo Kinh doanh và phát triển