Tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại TP.HCM: Cần cam kết gì?
Theo ông Lê Việt Trường, dù TP.HCM không cam kết gì thì đóng góp của TP cho ngân sách Trung ương cũng buộc phải lớn hơn.
TP.HCM đang đề xuất nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố từ 18% lên 23%.
Trao đổi với Đất Việt, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội cho biết, đề xuất này đã được TP.HCM đưa ra từ nhiều năm nay, và đến thời điểm này, ông cho rằng đề xuất ấy là phù hợp, có căn cứ và có thể thực hiện được.
Theo ông Trường, Luật Ngân sách nhà nước đã đưa ra nguyên tắc: ngân sách nhà nước là thống nhất, việc bảo đảm thu, chi ngân sách nhà nước phải theo luật và thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Trước đây, khi TP.HCM đưa ra đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại của thành phố, đã xuất hiện nhiều ý kiến tranh cãi và đề xuất này chưa được chấp thuận. Lý do là vì Luật Ngân sách nhà nước chưa quy định có trường hợp ngoại lệ.
Tuy nhiên, Quốc hội đã ra nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM và nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Cơ chế đặc thù này tạo thêm quyền chủ động cho TP.HCM và cơ chế này cũng có căn cứ pháp lý của nó là Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp. Ở đó, đã đưa ra một số nguyên tắc về mặt tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước, gồm phân cấp, phân quyền và ủy quyền.
Dựa trên những nguyên tắc này, trong nghị quyết của Quốc hội giao cho TP.HCM được áp dụng một số cơ chế đặc thù sẽ có những vấn đề Chính phủ trao cho chính quyền TP.HCM thẩm quyền rộng hơn so với các địa phương khác. Khi đã có thẩm quyền lớn hơn thì đi kèm theo đó là nguyên tắc: cấp trên đã phân quyền hoặc phân cấp và ủy quyền thì đồng thời phải bảo đảm điều kiện vật chất để thực thi nhiệm vụ ấy.
Giao thông, hạ tầng xã hội... là những lĩnh vực mà TP.HCM ưu tiên đầu tư khi được tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách. Ảnh: PLO |
"Nếu các cơ quan chuyên môn của Chính phủ tính toán rằng tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho TP.HCM từ 18% lên 23% không ảnh hưởng đến cân đối thu chi và các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia thì đề xuất của thành phố có thể thực hiện được", ông Lê Việt Trường nói.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội cũng thừa nhận thực tế khi một địa phương xin được thì theo lẽ tự nhiên, các địa phương khác sẽ có tâm lý so bì và cũng muốn xin. Tuy nhiên, nếu các địa phương nghiên cứu lại các quy định của pháp luật thì có lẽ sẽ hiểu.
Đề xuất của TP.HCM sẽ được Chính phủ nghiên cứu và báo cáo Quốc hội, tuy nhiên, ông Trường bày tỏ, trước đây, Việt Nam có nhiều vùng khó khăn cần chia sẻ ngân sách nhà nước để hỗ trợ các vùng đó, bây giờ khi khó khăn đã giảm bớt thì nên có sự tập trung đầu tư vào nơi có thể tạo ra đột phá.
"Nếu đầu tư chỗ khác 1 đồng chỉ được 1,5 đồng trong khi đầu tư vào TP.HCM 1 đồng mà ra 4 đồng, số tiền ấy TP.HCM có thể được giữ lại một phần để tiếp tục phát triển, đồng thời có thêm tiền để nộp ngân sách nhà nước, giúp giải quyết khó khăn của các vùng khác thì nên làm.
Cần tạo điều kiện để có những cú bứt phá, phát triển vượt bậc ở những cực tăng trưởng như TP.HCM các tỉnh miền Đông Nam Bộ hay tam giác Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh... Đến lúc phải tạo ra các đầu tàu, sau đó chúng sẽ tác động lan tỏa đến các địa phương khác", nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội bày tỏ quan điểm.
Ông cho rằng đề nghị của TP.HCM là thỏa đáng và những gì dư luận lo lắng là có thể hiểu được. Để hóa giải những lo lắng ấy thì khi đã cho thí điểm cơ chế đặc thù, cần tổng kết mô hình chính quyền đô thị từ TP.HCM sau một số năm, sau đó có thể xem xét áp dụng ra những địa phương khác có điều kiện tương tự, như Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng...
Còn lại, đối với các địa phương khác phải có nguyên tắc chung, không thể có chuyện địa phương nào cũng được cho thí điểm, áp dụng một số cơ chế đặc thù như vậy, bởi Luật Ngân sách nhà nước đã quy định rõ ngân sách nhà nước là thống nhất, bảo đảm mọi nguồn thu, chi đều phải dựa trên nguyên tắc của Luật Ngân sách Nhà nước, như vậy mới bảo đảm được sức mạnh quốc gia.
Trước sự so bì của các địa phương, ông Lê Việt Trường cũng đề nghị khi Chính phủ có quyết định thì cần thông tin một cách công khai, minh bạch.
"Minh bạch là yêu cầu vô cùng quan trọng đối với mỗi chính sách cụ thể, để không tạo ra sự so bì, tị nạnh, để mọi người hiểu được căn nguyên cho là vì sao, không cho là vì sao...", ông nói.
Nhấn mạnh TP.HCM đề xuất số tiền để lại cho thành phố nhiều hơn thì cũng phải đóng góp ngân sách Trung ương lớn hơn, song ông Lê Việt Trường cho rằng thành phố không cần thiết phải cam kết cụ thể, bởi đó là yêu cầu bắt buộc phải làm mà dẫu không cam kết cũng phải thực hiện.
"Một đồng của ngân sách nhà nước phải được sử dụng theo nguyên tắc chi ngân sách nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Vậy nên, TP.HCM phải sử dụng đồng vốn sao cho hợp lý, hiệu quả, đầu tư có trọng điểm, dự án, công trình nào cấp bách thì tập trung vào đó làm cho dứt điểm.
Đây là việc của thành phố để từ đó tạo ra sự lan tỏa và phát triển các lĩnh vực khác của thành phố. Còn phần ngân sách dư ra bắt buộc phải đưa về ngân sách Trung ương", ông Lê Việt Trường nêu rõ.