Ngân sách cho TP.HCM: Sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc quan trọng nhất đối với TP.HCM là hãy sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực hiện có của thành phố.

Việc TP.HCM vừa kiến nghị tăng 5% tỷ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương từ mức 18% như lâu nay lên 23% đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Tỷ lệ ấy là ít hay nhiều? Bao nhiêu thì hợp lý? Nếu được tăng thêm thì TP dùng vào việc gì?... là những vấn đề gây ra nhiều bàn luận, tranh cãi.

Quan tâm đến vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại đã được TP.HCM đề xuất từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo ông, tỷ lệ ngân sách giữ lại của TP.HCM là bao nhiêu thì cần phỉa được cân nhắc, tính toán cẩn trọng, cân đối với bài toán tổng thể của cả nước, với những yêu cầu, mục tiêu để phát triển toàn diện, bền vững nền kinh tế quốc dân.

Bên cạnh đó, TP.HCM hãy sử dụng hợp lý, hiệu quả số vốn mà TP đang có để phát triển hạ tầng, kinh tế.

Phân tích cụ thể, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, cả một thời gian dài cả nước ưu tiên cho TP.HCM để TP bứt phá, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trở thành đầu tàu của cả nước.

TP.HCM cũng đã được giữ lại 33% tổng nguồn thu ngân sách trên địa bàn vào giai đoạn 2000. Sau đó, mức này được rút dần và đến gần đây là 18%.

Ngân sách cho TP.HCM: Sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có - Ảnh 1
TP.HCM xin tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại của TP lên 23%

"Sự phát triển của TP.HCM ngày nay, ngoài nhờ lợi thế, nỗ lực của TP, còn do sự phát triển của tổng thể nền kinh tế cũng như các địa phương khác đem lại.

Không cần nói đâu xa, trong khi TP.HCM vẫn đang được cả nước dồn lực để phát triển thì ĐBSCL trong những năm qua được đầu tư rất ít, hạ tầng nghèo nàn, trong khi đáng ra vùng này phải được quan tâm phát triển từ lâu. Khi ĐBSCL phát triển sẽ hỗ trợ rất tốt cho TP.HCM.

Ngay cả các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, nếu không đầu tư thì với cơ sở hạ tầng xuống cấp, hạ tầng giao thông khó khăn...Bởi vậy, cần phải nghĩ tới vấn đề này để cân đối đầu tư cho các địa phương, vùng miền cho phù hợp để đảm bảo sự phát triển chung của KT-XH đất nước"- PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ và nhấn mạnh, đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, số địa phương có thể tự túc được ngân sách, tự trang trải được rất ít, đặc biệt là các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo. Đó là các địa phương rất cần hỗ trợ để có thể phát triển đồng đều, đảm bảo an ninh kinh tế-chính trị-xã hội, muốn vậy, không thể tập trung quá nhiều vào một số đô thị.

Mức đóng góp của các địa phương cho kinh tế Trung ương vẫn là một trong những nguồn quan trọng để Trung ương có thể cân đối, đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế cả nước. Do đó, nhiều năm qua, đã có nhiều đề nghị tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho TP.HCM nhưng theo vị chuyên gia, cả nước đã vì TP.HCM một thời gian rất lâu dài để TP tăng trưởng và phát triển, đã đến lúc cần củng cố các địa phương, các vùng để nâng đời sống vật chất tinh thần, cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật của các địa phương lên.

"Các địa phương khác cũng góp công "nuôi" TP.HCM phát triển được như ngày nay, do đó TP cũng phải kéo các địa phương khác lên, không thể mang tâm lý so kè, mình là đầu tàu, phải trang bị cho mình thật nhiều, thật mạnh. Nếu chỉ mình TP.HCM là đầu tàu mạnh, còn các địa phương khác là những toa tàu rệu rã thì những toa tàu ấy rất dễ trượt khỏi đường ray và hệ quả là cả đoàn tàu sẽ đổ", ông Thịnh ví von.

Một điểm khác được PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý, nói về số vốn đầu tư hạ tầng kinh tế cho TP.HCM, dù TP kêu ít nhưng đó là xét về tỷ lệ, còn nếu xét về lượng thì số tiền thực tế đầu tư cho TP rất lớn.

"Vấn đề là TP.HCM đã sử dụng đồng vốn ấy hiệu quả hay chưa? Nói một cách công bằng, việc quy hoạch, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của TP.HCM chưa thực sự hiệu quả", ông Thịnh nói.

Ông lấy dự án chống ngập 10.000 tỷ của TP.HCM làm ví dụ. Dự án được khởi công từ tháng 26/016, dự kiến ban đầu hoàn thành vào tháng 4/2018 nhưng rồi vì nhiều lý do mà đến nay vẫn chưa hẹn ngày về đích. Chưa kể, nhiều dự án chống ngập khác của TP còn manh mún, dàn trải và chưa hiệu quả dù mất tiền.

Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở Thủ Thiêm cũng là một dự án khiến vị chuyên gia băn khoăn về việc sử dụng đồng vốn hợp lý của TP.HCM. Dự án này vẫn nằm trên giấy, nhưng với một dự án có vốn đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng và vừa được đề xuất lên gần 2.000 tỷ đồng, ông Thịnh vẫn đặt câu hỏi: dự án có thực sự cần thiết hay không? Ai xem? Nhu cầu đến đâu? TP đã tham khảo, lấy ý kiến người dân và các chuyên gia hay chưa?

Bởi vậy, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc quan trọng TP.HCM cần phải làm là làm thế nào để sử dụng có hiệu quả nhất số vốn đang có để giải quyết bài toán về hạ tầng cho thành phố một cách tốt nhất. Ngay từ trong quy hoạch, TP.HCM cần xác định cái gì cần thiết, ưu tiên giải quyết các vấn đề nóng, cấp bách của TP. Khi đã đầu tư dự án nào thì đó phải là dự án thực sự cần thiết cho sự phát triển của thành phố và hãy đầu tư dứt điểm, thay vì đầu tư dàn trải rồi cuối cùng dự án nào cũng dang dở, kéo dài.

"Phải có cân đối, tính toán tỷ lệ ngân sách để lại của TP cho phù hợp, còn việc tăng hay giảm tỷ lệ ấy chưa bàn ở đây. Phải cân đối nhu cầu giữa các vùng miền, địa phương, đồng thời TP.HCM hãy làm cho số vốn mình đang có trong tay phát huy hiệu quả cao nhất, được sử dụng hợp lý nhất", ông Thịnh nhấn mạnh.

 

Thành Luân

Theo Đất Việt