Bất động sản 24h: Mua chung cư ở đâu với ngân sách 2 tỷ đồng?
Có 2 tỷ đồng, mua chung cư ở đâu?; Bất động sản nghỉ dưỡng chuẩn bị vào đà “cất cánh”... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Có 2 tỷ đồng, mua chung cư ở đâu?
Với tốc độ tăng giá theo từng năm, nguồn cung ít ỏi, quỹ đất khan hiếm đã khiến không chỉ giá nhà, đất mà căn hộ tại TP.HCM cũng tăng chóng vánh.
Với mức tài chính 2 tỉ đồng hiện nay chỉ mua được căn hộ có diện tích khoảng 50 m2 với 1 - 2 phòng ngủ, tính ra giá trung bình khoảng 40 triệu đồng/m2. Thế nhưng để tìm được căn hộ giá này ưng ý cũng không dễ.
Một dự án căn hộ huyện Nhà Bè chuẩn bị triển khai với giá bán thấp nhất 55 triệu đồng/m2. Nguồn cung nổi bật nhất Bình Chánh cũng chỉ có dự án quy mô lớn của một tập đoàn đang chào bán cũng trên mức 40 triệu đồng/m2.
Nút thắt quỹ đất 20% cho NƠXH: Nghị định mới, sức ép mới, tháo gỡ thế nào?
Nhìn tổng thể diễn biến của thị trường bất động sản thời gian qua có thể thấy xu hướng phát triển của thị trường đang ngày càng tiệm cận nhu cầu của xã hội. Đây cũng là mục tiêu phát triển ở giai đoạn trước mắt cũng như những năm tới.
Đặc biệt, thời gian gần đây, thị trường xuất hiện các dự án mới, quy mô lớn cho thấy tính đa dạng trong các phân khúc và đang được thị trường quan tâm và đón nhận. Sự đa dạng này còn phản ánh nhu cầu đa dạng của thị trường, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm mới ra đời, đảm bảo tính toàn diện cho thị trường.
Trong đó, phân khúc nhà ở hiện nay nhìn chung đang phát triển tốt, có nhu cầu và được thị trường đón nhận tốt, mặc dù nguồn cung sụt giảm. Ở một khía cạnh khác của phân khúc này, chúng ta cần phải quan tâm là nhu cầu về nhà ở xã hội hiện nay rất lớn nhưng triển khai chậm, còn nhiều bất cập và khó khăn. Tôi cho rằng, khó khăn một phần chính là ở chính sách vận hành còn nhiều bất cập: nguồn vốn, quỹ đất, cách triển khai, cách tiếp cận nhà ở xã hội…
Mới đây, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Nghị định này có nhiều nội dung mới, quy định rất cụ thể về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Theo đó, Nghị định 49 quy định tất cả các dự án nhà ở thương mại từ 2ha trở lên đối với đô thị đặc biệt và đô thị loại I; từ 5ha trở lên đối với đô thị loại II, loại III phải dành 20% quỹ đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội.
Bất động sản nghỉ dưỡng chuẩn bị vào đà “cất cánh”
Dịch bệnh được kiểm soát tốt trên cả nước, du lịch nội địa đang chuẩn bị vào mùa cao điểm là mùa nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và tiếp theo là kỳ nghỉ hè kéo dài. Cùng với đó, việc từng bước mở cửa trở lại các đường bay quốc tế với phương án áp dụng hộ chiếu vaccine cũng được đẩy mạnh triển khai.
Hàng loạt điều kiện thuận lợi đang tạo đòn bẩy để lĩnh vực du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng tại nhiều địa phương khởi sắc trong năm nay. Đây cũng được xem là cơ hội cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tái khởi động.
Nói như PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, sau một năm gánh chịu thiệt hại của "cơn bão" Covid-19, từ năm nay, thế giới bước từ giai đoạn phòng thủ sang cầm cự và tấn công trực diện vào "cơn bão" này. Kế hoạch triển khai vaccine đang được đẩy mạnh trên toàn thế giới; các gói cứu trợ được sự đồng thuận cao tại các quốc gia; quan hệ giữa các cường quốc có dấu hiệu cải thiện, dòng dịch chuyển vốn đầu tư trên toàn cầu diễn biến theo hướng có lợi cho Việt Nam.
Riêng tại Việt Nam, quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu "kép" hứa hẹn tiếp tục gặt hái thành tựu trong năm nay, sau một năm trở thành quốc gia duy nhất trong ASEAN ghi nhận tăng trưởng GDP dương. Gói tín dụng giá rẻ 157.000 tỷ đồng dự kiến được đẩy nhanh tiến trình giải ngân trong năm nay để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế.
"Mọi thứ đang đi đúng quỹ đạo, chính sách, phản ứng và liệu pháp trong một năm qua về cơ bản đúng và đem lại kết quả tích cực. Nếu tham chiếu thang đo sức khỏe thì thị trường bất động sản hiện ở mức A đến A+", ông Trần Kim Chung đánh giá.
Sắp diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư bất động sản công nghiệp Việt Nam tại Bắc Giang
Dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Trung tâm tư vấn và xúc tiến đầu tư bất động sản Việt nam (VICOREAL) cùng Hiệp hội Bất động sản Bắc Giang phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Đây là sự kiện đầu tiên tại Bắc Giang xoay quanh những vấn đề quan trọng và nóng nhất về bất động sản công nghiệp.
Hội nghị nhằm mục đích đồng hành, trợ giúp các địa phương hiểu được nhu cầu của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận thông tin quy hoạch đất đai và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư từng địa phương. Hội nghị còn nhằm hỗ trợ, thúc đẩy và tư vấn hoàn thiện thị trường bất động sản công nghiệp, đón làn sóng dịch chuyển, đầu tư từ nước ngoài.
Trong khuôn khổ hội nghị, các địa phương có cơ hội tiếp thị hình ảnh chính sách, nguồn tài nguyên, quy hoạch, quỹ đất, cơ hội đầu tư… đến 150 nhà đầu tư sơ cấp và gần 200 nhà đầu tư thứ cấp trong và ngoài nước.
Các nhà đầu tư sơ cấp là công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp có cơ hội tiếp cận các quỹ đất đã quy hoạch đang mời gọi đầu tư từ các địa phương; tiếp cận các nhà đầu tư thứ cấp để nâng tỷ lệ lấp đầy việc xây dựng hạ tầng công nghiệp cho các dự án đã và đang đầu tư xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Nhiều người bỏ cả công việc để đi kinh doanh đất
Thời gian qua, ở hàng loạt tỉnh thành đã xảy ra tình trạng "sốt" đất, "sốt" đất ảo. Theo thống kê của một số tổ chức về lĩnh vực bất động sản, đất nhiều nơi tăng 10-20%, nhưng đáng kể có nơi tăng tới 200-300%.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết: Bước vào quý I/2021, tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động dù lượng giao dịch bất động sản theo qua theo dõi của Bộ Xây dựng chỉ bằng khoảng 70% các giao dịch ở quý IV/2020.
Giá bất động sản cũng có tăng nhẹ, nhất là giá chung cư tăng từ 5 - 10%. Đặc biệt trong thời gian qua, giá bất động sản đất nền có hiện tượng tăng nóng, cục bộ ở một số địa phương trên cả nước. Một số nơi vùng ven như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận... có hiện tượng tăng giá đất nền một cách cục bộ nhưng rất nhanh.
"Nhiều người dân bỏ cả công việc, bỏ cả sản xuất kinh doanh để đi kinh doanh đất, tạo nên hiện tượng sốt đất cục bộ và tạo nên những rủi ro, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cũng như trên cả nước", Thứ trưởng Sinh nhấn mạnh.