Tập đoàn Bảo Việt: Đòn bẩy nợ cao, hàng tồn kho đang tăng
9 tháng đầu năm 2021, kết quả kinh doanh tại Tập đoàn Bảo Việt (BVH) khá lạc quan, song tình hình tài chính lại không hoàn toàn ‘sáng sủa’ như kỳ vọng như tỷ số nợ trên tổng tài sản ở mức trên dưới 80%,...
Đòn bẩy nợ cao
Quý 3/2021, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Tập đoàn Bảo Việt nhích nhẹ 3%, lên gần 8.985 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng của Bảo Việt vẫn đi lùi 8% so cùng kỳ, còn hơn 423 tỷ đồng. Nguyên nhân do lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm 5% so với cùng kỳ 2020, còn 1.825 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng (538 tỷ đồng) và chi phí quản lý (1.078 tỷ đồng) lần lượt tăng 8% và 27% so cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận ròng của Bảo Việt đạt gần 1.333 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ, nhờ hoạt động kinh doanh bảo hiểm không còn ghi nhận lỗ gộp.
Tuy kết quả kinh doanh khá lạc quan song tình hình tài chính tại Bảo Việt lại không hoàn toàn ‘sáng sủa’ như kỳ vọng.
Cụ thể, điểm sáng trong bức tranh tài chính tại Bảo Việt chính là tổng tài sản tính đến cuối quý 3/2021 hơn 165.100 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng hơn 9.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần đầu năm. Tổng đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn chiếm 81% tổng tài sản của BVH, giá trị hơn 134.500 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu tại Bảo Việt ghi nhận hơn 22.124 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với đầu năm.
Tuy nhiên, nợ phải trả của doanh nghiệp này tính đến 30/9/2021 cán mốc gần 143.000 tỷ đồng, tương đương tăng 14% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là nợ dài hạn gần 120.000 tỷ đồng. Đáng nói, Bảo Việt có nợ vay ngắn hạn gấp 2,5 lần đầu năm, lên hơn 2.221 tỷ đồng. Do đó, tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản của Bảo Việt là 87%; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp 6,4 lần. Thực tế cho thấy, Bảo Việt đang sử dụng đòn bẩy nợ rất cao, hầu hết tài sản của doanh nghiệp này đang được tài trợ bởi nợ.
Thông thường, việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng về lâu dài, doanh nghiệp vay nợ sẽ bị rủi ro về lãi suất, tỷ giá (nếu vay ngoại tệ) và lạm phát. Về rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo tỷ lệ hợp lý nhất.
Tại bảng cân đối kế toán, nợ dài hạn tại Bảo Việt lại tiếp tục vượt qua tài sản dài hạn.
Cụ thể, tại ngày 30/9/2021, nợ dài hạn ghi nhận gần 119.947 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong khi đó, chủ yếu là dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm (119.394 tỷ đồng) và phải trả dài hạn khác (gần 281 tỷ đồng). Trong khi đó, tài sản dài hạn tại thời điểm này chỉ có gần 66.142 tỷ đồng. Như vậy, nợ dài hạn cao gấp gần 2 lần tài sản dài hạn.
Thực tế, nếu phần tài sản dài hạn liên tục nhỏ hơn nợ dài hạn chứng tỏ một phần nợ dài hạn đã chuyển vào tài trợ tài sản ngắn hạn. Hiện tượng này vừa làm lãng phí chi phí lãi vay nợ dài hạn vừa thể hiện sử dụng sai mục đích nợ dài hạn. Điều này tiếp diễn liên tục khiến lợi nhuận kinh doanh giảm hoặc xảy ra những rối loạn tài chính doanh nghiệp.
Hàng tồn kho tăng tập trung chủ yếu tại BVInvest
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, hàng tồn kho tại Bảo Việt tính đến 30/9/2021 ghi nhận gần 145 tỷ đồng, tương đương tăng 16% so với đầu năm.
Trong đó, tập trung chủ yếu hàng tồn kho tại BVInvest với hơn 54 tỷ đồng gồm các chi phí mua sắm và chi phí xây dựng dở dang của các bất động sản đầu tư. Các khoản này được ghi nhận là hàng tồn kho cho đến khi được bán và được ghi nhận vào giá vốn hàng bán.
BVInvest có một công ty con là Công ty TNHH MTV Xây dựng Bảo Việt (BVC) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, được thành lập ngày 10/1/2017. Tại ngày 30/9/2021, vốn điều lệ của BVC là 5 tỷ do BVInvest góp vốn 100%.
Năm 2020, doanh thu tại BVInvest đạt 311 tỷ đồng, tăng 17% so với kết quả thực hiện năm 2019; lợi nhuận sau thuế đạt 7,52 tỷ đồng, vượt 32% so với kế hoạch.
Hiện BVInvest đang là chủ đầu tư loạt dự án bất động sản như Nhà ở cao tầng Bảo Việt tại Thanh Trì với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng; Green Stars - Khu đô thị thành phố Giao lưu; Nhóm nhà ở thấp tầng TT1 – Khu đô thị Thành phố Giao lưu với 609,3 tỷ đồng mức đầu tư; Công trình tòa nhà Bảo Việt Complex tại Vũng Tàu với mức đầu tư 286 tỷ đồng.
Năm 2021, BVInvest tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các dự án theo chương trình hợp lực như dự án Tòa nhà Bảo Việt tại Tô Hiệu (Hà Đông), dự án căn hộ tại Phan Chu Trinh (Vũng Tàu), dự án Tòa nhà Bảo Việt tại Long Thành (Đồng Nai), Trà Vinh, Hậu Giang.
Đánh giá thị trường và thực hiện kinh doanh thương mại căn hộ chung cư để gia tăng lợi nhuận trong ngắn hạn. Đặc biệt, đẩy nhanh công tác thu hồi vốn tại hai dự án Eco - Green và Landmark 51.
Tập đoàn Bảo Việt còn được biết đến với những dự án đất vàng bỏ hoang nhiều năm nay. Trong đó, dự án Tháp tài chính quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý III/2018 của Tập đoàn Bảo Việt, tập đoàn đã góp gần 119 tỷ đồng vào dự án nhưng cho đến nay dự án vẫn trong tình trạng đắp chiếu.
Ngoài ra, còn có dự án xây văn phòng cho các hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy. Dự án này được chỉ định cho liên danh Công ty CP Đầu tư Bảo Việt (Công ty con của Tập đoàn Bảo Việt), Công ty CP Sông Đà - Thăng Long và Công ty CP Đầu tư C.E.O thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011. Tổng mức đầu tư dự án là 4.436,790 tỷ đồng. Trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa có dấu hiệu triển khai.