Tập đoàn Siemens muốn tham gia dự án đường sắt đô thị số 5 ở Hà Nội

Lãnh đạo Tập đoàn Siemens cho biết đơn vị này muốn tham gia hợp tác triển khai tuyến đường sắt đô thị số 5 của thành phố Hà Nội.

Tập đoàn Siemens muốn tham gia triển khai tuyến đường sắt đô thị số 5. (Ảnh minh hoạ)
Tập đoàn Siemens muốn tham gia triển khai tuyến đường sắt đô thị số 5. (Ảnh minh hoạ)

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có buổi tiếp ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens (Cộng hòa Liên bang Đức).

Tại buổi làm việc, ông Roland Busch, Chủ tịch Siemens đã nêu việc hợp tác giữa tập đoàn này với Vinfast về dự án hợp tác tự động hóa tại Hải Phòng, tiềm năng hợp tác số hóa công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với Tập đoàn FPT và trung tâm dữ liệu, chuyển đối số với VNPT là những ví dụ điển hình cho hợp tác song phương. 

"Tôi rất kỳ vọng những hoạt động hợp tác như vậy sẽ được triển khai nhiều hơn trong giai đoạn tới", ông Roland Busch nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi với ông Roland Busch.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi với ông Roland Busch.

Chia sẻ về những dự định thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn Siemens bày tỏ mong muốn tham gia hợp tác triển khai tuyến đường sắt đô thị số 5, trên cơ sở những thế mạnh và kinh nghiệm của tập đoàn về phát triển đường sắt cao tốc, đường sắt toa xe, hệ thống tín hiệu đường sắt.

Đánh giá cao năng lực của các đối tác Đức, trong đó có Tập đoàn Siemens, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết những đề xuất và kế hoạch hợp tác của Siemens phù hợp với định hướng của lãnh đạo Chính phủ và phù hợp với điều kiện, quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố Hà Nội về giao thông đô thị bền vững, hiện đại, cũng như xây dựng chính quyền điện tử, quản lý dữ liệu chính phủ…  

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị Siemens xem xét kỹ hơn về khả năng hợp tác trong phát triển hạ tầng giao thông đường sắt đô thị của Hà Nội, cũng như thu hút, tập hợp cộng đồng chuyên gia, doanh nghiệp Đức trong lĩnh vực liên quan, làm cầu nối để tăng cường hợp tác với Thủ đô.

Tuyến đường sắt đô thị số 5 có chiều dài 38,43km, tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và 29,93km đi trên mặt đất.

Dự án đi qua các quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Tuyến khai thác khoảng 25-40 đoàn tàu, vận tốc thiết kế 120km/giờ và 90km/giờ đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 65.404 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng. Về tiến độ, giai đoạn chuẩn bị đầu tư năm 2018-2022; giai đoạn thực hiện dự án năm 2022-2026, trong đó, vận hành thử và bàn giao dự án vào cuối năm 2025; nghiệm thu, thanh quyết toán năm 2026-2027.

UBND thành phố Hà Nội sẽ dành 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công và tiết kiệm chi trong giai đoạn 2021-2025 (trung bình 3.000 tỷ đồng/năm); 10.000-12.000 tỷ đồng vốn từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp; 15.000 tỷ đồng từ đấu giá một số khu đất; 10.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu; 6.900 tỷ đồng vay tổ chức tài chính để triển khai dự án.

Hoàng Sơn

Theo VietnamFinance