Taseco Land: Thanh khoản thấp vẫn phải bơm tiền cho “mẹ” Taseco Group

Dù nợ nhiều tới mức có thời điểm rơi vào cảnh “thanh khoản thấp” nhưng Taseco Land vẫn đều đặn bơm tiền cho công ty mẹ Taseco Group.

Taseco Land: Tăng vay dài hạn “cứu” thanh khoản, dồn dập bán tài sản

Bán xong dự án Landmark 55 ở Tây Hồ Tây, Taseco Land giải phóng gần 724 tỷ đồng hàng tồn kho

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
 

Thanh khoản thấp vẫn bơm tiền cho “mẹ” Taseco Group

Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Taseco (Taseco Land) là một phần trong hệ sinh thái của Taseco Group. So với nhiều đại gia địa ốc khác, tình trạng nợ nần của Taseco Land “dễ thở” hơn rất nhiều. Tuy nhiên, có thời điểm, công ty này rơi vào tình cảnh thanh khoản thấp.

Tại ngày 31/12/2022, hệ số thanh toán nhanh của Taseco Land chỉ là 0,48. Theo lý thuyết, hệ số thanh toán nhanh nhỏ hơn 0,5 “Phản ánh doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chi trả, tính thanh khoản thấp”.

Như vậy, với hệ số thanh toán nhanh chỉ là 0,48, hồi cuối năm 2022, Taseco Land đã rơi vào tình cảnh “thanh khoản thấp”.

Dù thanh khoản thấp nhưng Taseco Land vẫn mạnh tay cho vay. Hồi cuối năm 2022, công ty ghi nhận 337 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn (tăng so với 315 tỷ đồng cuối năm 2021) và 664 tỷ đồng phải thu về cho vay dài hạn (tăng so với 488 tỷ đồng).

Như vậy, tổng phải thu về cho vay của Taseco Land hồi cuối năm 2022, thời điểm công ty gặp khó về thanh khoản, lên đến 1.004 tỷ đồng, chiếm 12,8% tổng tài sản công ty. Trong đó có tới 938 tỷ đồng là cho vay các bên liên quan. Taseco Group là “con nợ” lớn nhất của Taseco Land.

Nợ ngắn hạn tính đến cuối năm 2022 của TAL tăng “đột biến” (Nguồn: BCTC kiểm toán năm 2022 của Taseco Land).
Nợ ngắn hạn tính đến cuối năm 2022 của TAL tăng “đột biến” (Nguồn: BCTC kiểm toán năm 2022 của Taseco Land).
 

Theo đó, tại ngày 31/12/2022, Taseco Land ghi nhận 651 tỷ đồng với nghiệp vụ cho vay đối với Taseco Group, tăng so với 356 tỷ đồng hồi cuối năm 2021. Chưa dừng lại ở đó, giao dịch giữa hai bên còn nhiều hơn khi trong năm, Taseco Land thu hồi nợ gốc 315 tỷ đồng với Taseco Group. Đồng thời, Taseco Land đi vay Taseco Group 310 tỷ đồng.

Ngoài ra, cũng thời điểm cuối năm 2022, Taseco Land ghi nhận 12,3 tỷ đồng lãi cho vay ngắn hạn và 126 tỷ đồng lãi cho vay dài hạn.

Taseco Group được xác định là công ty mẹ của Taseco Land. Cuối năm 2022, Taseco Land có vốn điều lệ 2.700 tỷ đồng, Taseco Group sở hữu khoảng 72,5% vốn Taseco Land, tương đương 1.957 tỷ đồng.

Dòng tiền lòng vòng trong hệ sinh thái Taseco

Hiện tại, Taseco Land đã thoát cảnh thanh khoản thấp và giảm cho vay với “mẹ” Taseco Group. Thế nhưng, dòng tiền vẫn lòng vòng trong hệ sinh thái Taseco.

Cụ thể, trong năm 2024, Taseco Land chỉ cho Taseco Group vay thêm 2 tỷ đồng, trong khi thu hồi gốc vay từ “mẹ” 567 tỷ đồng. Trong khi đó, Taseco Group vẫn chưa thanh toán hết lãi vay cho Taseco Land khi mà tại ngày 31/12/2024, Taseco Land ghi nhận 130 tỷ đồng phải thu về lãi cho vay ngắn hạn.

Các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của Taseco Group (Nguồn: BCTC riêng của Taseco Group năm 2023)
Các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của Taseco Group (Nguồn: BCTC riêng của Taseco Group năm 2023)
 

Trong hệ sinh thái Taseco, “mẹ” Taseco Group không phải cái tên duy nhất Taseco Land có quan hệ nợ vay. Trong vài năm gần đây, giao dịch nợ vay phát sinh liên tục.

Trong giai đoạn 2022-2024, tổng phải thu về cho vay của Taseco Land có xu hướng giảm dần nhưng vẫn là con số trăm tỷ đồng khi lần lượt đạt 1.004 tỷ đồng (năm 2022), 949 tỷ đồng (năm 2023) và 269 tỷ đồng.

Trong khi đó, công ty cũng có 26,3 tỷ đồng vay dài hạn các bên liên quan và 17,7 tỷ đồng vay dài hạn các bên liên quan đến hạn trả.

Về cho vay, ngoài “con nợ” lớn nhất là Taseco Group, Taseco Land còn giao dịch với công ty Riverview Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Vũ Quốc Huy, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nghĩa, công ty Phát triển Hồ Tây, Taseco Đà Nẵng, Taseco Air, công ty VinaCS,

Ở chiều ngược lại, một số bên mà Taseco Land phải đi vay có thể kể đến như: Taseco Group, công ty AHT, công ty VinaCS, công ty Phát triển Hồ Tây, công ty TLI, Phó Tổng giám đốc Đỗ Việt Thanh, công ty Hải Hà, công ty Riverview Lương Sơn, Trưởng ban Kiểm soát Trần Thị Loan.

Có thể thấy, đa số các đối tác trong hệ sinh thái của Taseco đều ghi nhận nghiệp vụ nợ vay hai chiều với Taseco Land. Nghĩa là vừa đi vay, vừa cho vay. Các giao dịch có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng cũng có thể khá khiêm tốn như với bà Trần Thị Loan chỉ 5 tỷ đồng.

Hà Thu

Theo Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam