Thắc mắc chuyện đánh thuế sân golf
Đa phần các câu hỏi dành cho lãnh đạo Bộ Tài chính trong buổi đối thoại với doanh nghiệp ngày 16/6 liên quan đến các thủ tục và chính sách thuế.
Mục tiêu của cuộc đối thoại này là rà soát lại toàn bộ các thủ tục hành chính và quy định thuế hiện hành, phát hiện những điểm không phù hợp với cuộc sống, gây phiền hà tốn kém cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính, cơ quan thuế và hải quan cũng muốn lắng nghe ý kiến nhận xét của doanh nghiệp về cung cách làm việc của cán bộ, từ đó có cơ sở kiến nghị với các cấp có thẩm quyền loại bỏ những thủ tục không cần thiết.
Thế nhưng, chiếm một nửa thời gian của buổi đối thoại là việc đại diện Bộ Tài chính thông báo việc cắt giảm thủ tục hành chính, rà soát văn bản liên quan đến thuế và các quy định mới ban hành.
Cho đến gần trưa, buổi đối thoại mới mới sôi động hơn chút ít khi một số doanh nghiệp đứng lên trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Bộ Tài chính. Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Văn Toàn cho hay, rất nhiều doanh nghiệp có các dự án đầu tư vào sân golf đang thắc mắc về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ xe đẩy tại sân golf.
Việc đánh thuế như vậy khiến doanh thu của các doanh nghiệp giảm sút đáng kể. Trong khi đó, dịch vụ xe đẩy không thuộc nhóm bắt buộc mà phụ thuộc vào người chơi golf ai muốn thuê thì thuê, do vậy ông Toàn cho rằng không nên đánh thuế.
Giải đáp thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói, golf vốn là môn thể thao quý tộc và xa xỉ, quan điểm của Bộ Tài chính là không khuyến khích. Do vậy, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ này là hoàn toàn phù hợp vì bản thân doanh thu của doanh nghiệp đã bao gồm cả dịch vụ cho thuê xe đẩy.
"Chúng tôi đã tham khảo kinh nghiệm rất nhiều nước trên thế giới rồi. Tôi khẳng định việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với loại hình dịch vụ này là hoàn toàn phù hợp", ông Tuấn nói.
Đại diện của Bộ Tài chính vừa dứt lời thì đại diện Công ty thương mại và đầu tư phát triển miền núi Thanh Hoá thắc mắc, doanh nghiệp này thu mua hàng nông sản trực tiếp của nông dân để về sản xuất và chế biến nên không có hóa đơn và không được khấu trừ thuế đầu vào. Tuy nhiên, đầu ra, doanh nghiệp này lại phải chịu thuế 5%. "Như vậy có phải doanh nghiệp chúng tôi đang phải thực hiện 2 luật - thuế giá trị gia tăng và doanh thu?", vị đại diện này thắc mắc.
"Nếu các hoạt động thu mua hàng hóa cho nông dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động không được ưu đãi thì sẽ rất khó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về các vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa ", bà này nói thêm.
Liên quan đến trường hợp thuế chồng thuế mà doanh nghiệp đề cập, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng bản thân các sản phẩm nông sản đã được miễn trừ và không thu thuế. Nhà nước thu 5% đối với đầu ra của sản phẩm vì doanh nghiệp không có căn cứ, chứng từ chứng minh thuộc diện được ưu đãi thuế. Do đó, tùy từng trường hợp cụ thể mà Bộ Tài chính sẽ tiếp tục giải đáp.
Tại buổi đối thoại, một số doanh nghiệp cũng thắc mắc các vấn đề liên quan đến thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân, hoàn thuế VAT, các chính sách ưu đãi thuế với khu công nghiệp, khu chế xuất...
Trước đó, để chuẩn bị cho buổi đối thoại, Bộ Tài chính đã tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp, tổng hợp được trên 100 câu hỏi và trả lời được đóng thành sách gửi tới từng đại biểu.
Trong buổi đối thoại này, mục tiêu lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp về cung cách làm việc của Bộ Tài chính, cơ quan thuế và hải quan không đạt được hiệu quả mong muốn bởi phần lớn các câu hỏi chỉ là các thắc mắc về văn bản pháp luật.
Theo Hồng Anh
VnExpress