Tham vọng tăng DN tư nhân vốn hóa tỷ đô: Cần không?
Mục tiêu tăng số lượng doanh nghiệp tư nhân vốn hóa tỷ đô là thiếu thực tế. Vấn đề Bộ KH-ĐT cần quan tâm là nền kinh tế đừng nên dựa mãi vào GDP.
Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh, Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam nhận xét như vậy khi bàn về mục tiêu có 15 doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa trên 1 tỷ USD vào năm 2025 và 20 doanh nghiệp vào năm 2030 mà Bộ KH-ĐT đưa ra.
Không phải doanh nghiệp “thuần Việt”
PV: - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa công bố báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đồng thời thể hiện rõ tham vọng lớn về việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Cụ thể, một mục tiêu được đưa ra trong báo cáo này là đến năm 2025 có 15 doanh nghiệp khu vực tư nhân có vốn hóa trên 1 tỷ USD. Đến năm 2030, con số này là 20 doanh nghiệp.
Đáng nói, trên thực tế, số doanh nghiệp có vốn hóa tỷ đô trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại đã đạt đến con số 30. Tất nhiên, trong số đó có rất nhiều những cái tên không 'thuần Việt' do đã thực hiện các thương vụ mua bán-sáp nhập. Nhóm ngân hàng đứng đầu về lượng trong số những doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD hiện tại.
Nhìn vào các số liệu trên, theo ông, mục tiêu mà Bộ KH-ĐT đặt ra có thực tế không, khi chuyện mua bán sáp nhập gọi vốn đã quá phổ biến trong nền kinh tế của bất cứ quốc gia nào?
Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh. Ảnh: SGĐT |
TS Bùi Trinh: - Phải nói rằng mong muốn có những doanh nghiệp có vốn hóa tỷ đô là một điều rất hay nếu chúng đóng góp thực sự cho nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, mục tiêu này có phần viển vông và thiếu thực tế, bởi lẽ khi rà soát lại các thông tin trên thị trường chứng khoán và website của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), có thể thấy đa phần các doanh nghiệp lớn, có vốn hóa tỷ USD hiện nay không hề “thuần Việt” mà lẫn lộn vốn Việt với vốn đầu tư nước ngoài
Chẳng hạn, SK Group của Hàn Quốc là đối tác lớn của Vingroup, Masan; Quỹ đầu tư GIC của Singaprore và Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản rót vốn vào Vietcombank; hay đại gia ngân hàng đến từ Hàn Quốc Keb Hana Bank cũng đổ vốn vào BIDV...
93% doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nội lực còn yếu. Minh chứng là theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020 do Tổng cục Thống kê công bố, suốt từ năm 2011-2018, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ luôn có lợi nhuận trước thuế âm, và tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp loại này có xu hướng tăng lên.
Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp siêu nhỏ bình quân giai đoạn 2011-2015 là -0,9%, sang giai đoạn 2016-2018 là -1,3%; doanh nghiệp nhỏ tỷ suất lợi nhuận trước thuế bình quân giai đoạn 2011-2015 là -0,1%, giai đoạn 2016-2018 là -0,3%. Chính vì thế, nếu không có vốn ngoại rót vào làm sao có các doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô?
Quan trọng là chúng ta mong vốn ngoại đổ vào nền kinh tế để làm gì khi nguồn vốn đó đổ vào càng nhiều thì luồng tiền chảy ra nước ngoài thông qua chi trả sở hữu thuần ngày càng nhiều? Sách trắng doanh nghiệp đã thống kê, lợi nhuận chính thức của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chưa kể vấn đề chuyển giá, tương đương với luồng tiền chảy ra khỏi nền kinh tế.
Một điểm khác, năm 2011, FDI có tổng lợi nhuận trước thuế trong tổng lợi nhuận trước thuế của cả khối doanh nghiệp là 32%, tỷ lệ đóng góp vào ngân sách của khối FDI cũng là 32%; năm 2015 tỷ lệ lợi nhuận trước thuế của nhóm này tăng lên 34%, nhưng tỷ lệ đóng góp vào ngân sách lại giảm còn 30%; đến năm 2016 tỷ lệ lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp FDI tăng lên 45% nhưng ngạc nhiên là tỷ lệ đóng góp vào ngân sách chỉ còn 25%.
Càng là những “ông lớn” FDI thì luồng tiền chạy ra nước ngoài càng lớn. Vấn đề Bộ KH-ĐT cần quan tâm chính là không nên dựa mãi vào GDP. Tăng trưởng GDP đang phụ thuộc vào FDI, càng tăng trưởng GDP thì nguồn lực đất đai, nguồn lực chính sách của nền kinh tế càng bị bào mòn.
Theo Hệ thống các tài khoản quốc gia (SNA) của Liên hợp quốc mà Việt Nam áp dụng, ngoài GDP còn có các chỉ tiêu như tổng thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI), thu nhập từ sở hữu, chi trả sở hữu, chuyển nhượng (cơ bản là kiều hối) và tiết kiệm (saving). Như tôi đã nhiều lần khẳng định, nguồn lực của nền kinh tế thực chất là chi tiêu tiết kiệm, tiết kiệm là nguồn lực cơ bản để tái đầu tư.
Niên giám thống kê cho thấy, tỷ lệ giữa GNI - chỉ tiêu phản ánh đúng và thực chất giá trị mà đất nước được hưởng hơn cả, và GDP đang ngày càng bị nới rộng. Nếu năm 2010 tỷ lệ giữa GNI và GDP là 97%, đến năm 2018 tỷ lệ này còn 93%. Điều này cho thấy dòng tiền chảy ra nước ngoài thông qua chỉ tiêu chi trả sở hữu ngày càng nhiều.
Cũng liên quan đến vấn đề tăng trưởng kinh tế, mới đây Bộ KH-ĐT đề xuất bổ sung một số chỉ tiêu chưa xuất hiện trong các chỉ tiêu pháp lệnh về kinh tế, như GDP bình quân đầu người, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng, năng suất lao động xã hội... Trong thực tế, những chỉ số này không có nhiều ý nghĩa, các chỉ số cần đưa vào để đo lường sức khỏe thực sự của nền kinh phải là GNI, NDI và Saving.
Việc đưa ra các chỉ tiêu như hiện nay, về bản chất vẫn là GDP, trong đó TFP còn nguy hiểm hơn, chỉ cần điều chỉnh hệ số co giãn một chút là ai cũng vui.
Theo đó, TFP phụ thuộc vào mấy yếu tố như tăng trưởng GDP, tăng trưởng về vốn, tăng trưởng về lao động và các hệ số co giãn của vốn và lao động. Nhưng dường như chỉ tiêu vốn (capital stock) và tỷ lệ khấu hao tài sản cố định không hề tồn tại trong bất cứ tài liệu nào của Tổng cục Thống kê.
Cần lưu ý rằng, vốn để tính toán TFP không phải chỉ tiêu “vốn đầu tư” mà Tổng cục Thống kê công bố hàng năm. Chính vì lý do không tồn tại chỉ tiêu vốn nên các nhóm nghiên cứu và cả Tổng cục Thống kê thường phải ước lượng chỉ tiêu này, nhưng các phương pháp và nguồn số liệu khác nhau lại cho ra các kết quả rất khác nhau.
Ngoài ra, ngay việc ước lượng các hệ số co giãn về vốn và lao động bằng phương pháp hồi quy và từ mô hình cân bằng tổng thể, cũng cho ra các kết quả rất khác nhau. Chính vì những lý do đó, nhiều trường hợp TFP có thể được điều chỉnh theo ý chí chủ quan.
Một ví dụ đơn giản, số liệu thống kê cho thấy, lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III/2020 giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Nếu đưa vào công thức tính thì TFP đóng góp vào tăng trưởng lên tới 95% và con số này đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra, trong khi các năm trước bình thường chỉ đóng góp 41-45%.
PV: - Thưa ông, nếu đặt ra yêu cầu 'thuần Việt', 'thuần tư nhân', nếu góp mặt vào danh sách là những đại gia ngân hàng, bất động sản, hiệu quả đạt được và sức lan tỏa của các doanh nghiệp tỷ USD này tới nền kinh tế liệu có thực sự cao?
TS Bùi Trinh: - Doanh nghiệp có sức lan toả đến các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế phải là doanh nghiệp sử dụng nhiều sản phẩm của các ngành khác ở trong nước. Nhưng điều đó không thể có được vì sản phẩm phụ trợ của Việt Nam hết sức nghèo nàn, các doanh nghiệp lớn thường ở trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, mà bất động sản, về bản chất, hầu như không lan tỏa gì (có chăng lan tỏa đến ngành xây dựng), chỉ làm lợi cho cá nhân ông chủ doanh nghiệp bất động sản.
Bất động sản, theo phân ngành chuẩn quốc tế, hoàn toàn là mua đi bán lại, giống như thương mại. Điều đáng lưu ý, đất đai thì có hạn, đất đai không đẻ ra được.
Nhìn vào số liệu thống kê về năng suất lao động sẽ thấy, năng suất lao động Việt Nam nhờ vào ngành khai thác (gấp 13 lần so với năng suất bình quân), ngành điện (gấp gần 18 lần so với năng suất chung) và ngành kinh doanh bất động sản (gấp 10 lần năng suất chung). Điều đó cho thấy lợi nhuận của các ngành này quá lớn.
Đối với ngân hàng, về nguyên tắc, phải thể hiện tiềm lực kinh tế thực, không chỉ là hành động buôn bán tiền. Hiện nay, ngân hàng cứ yêu cầu nới tín dụng nhưng doanh nghiệp đang thực sự như thế nào, làm gì, có ai hay biết? Ngân hàng phải nhìn vào nền kinh tế thực, nếu không cuối cùng sẽ bị nợ chồng chất, nợ xấu bủa vây.
Cho nên, một lần nữa, tôi cho rằng đề xuất này của Bộ KH-ĐT chưa nhìn thấu suốt thực tế.
Techcombank là một trong những ngân hàng có vốn hóa tỷ đô |
Thành phần kinh tế nào đóng góp vào GDP lớn nhất?
PV: - Có ý kiến lo ngại, nếu dồn sức thực hiện mục tiêu tăng doanh nghiệp tỷ đô nói trên, những chính sách ưu ái không phù hợp có thể được đưa ra. Lo ngại này liệu có cơ sở hay không khi nhìn vào những đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp gây nhiều ý kiến trái chiều trước đây (giảm thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp; cho các tập đoàn, tổng công ty tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỷ thời hạn 3 năm, lãi suất 0%...)?
TS Bùi Trinh: - Những lo ngại trên là có cơ sở, song quan trọng hơn, những đề xuất kiểu như trên dễ dẫn đến rủi ro về đạo đức. Vấn đề hỗ trợ cần phải xem lại, sự tác động của dịch Covid-19 đối với các đối tượng kinh tế, nhóm doanh nghiệp không giống nhau. Đối với những nhóm doanh nghiệp không thực sự gặp khó khăn, thậm chí còn tăng trưởng hơn năm ngoái thì làm sao phải hỗ trợ? Tiền ngân sách đem hỗ trợ chính là tiền của dân, cần phải sử dụng đúng lúc đúng chỗ.
Điều đáng nói, có nhóm doanh nghiệp như DNNN thông qua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, doanh nghiệp BOT thông qua Bộ GTVT, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tổ chức rất nhiều hội thảo để kêu khó trong khi chưa chắc họ đã thực sự khó khăn.
Như doanh nghiệp BOT, trước kia thu tiền phí của dân có lãi, nay do dịch bệnh, hoạt động giao thông vận tải ít đi lại nên không thu được tiền và đề nghị tăng phí là rất vô lý.
Về bản chất, phí BOT giống hệt như một loại thuế gián thu, chỉ có khác thuế nộp vào ngân sách, phí BOT nộp cho ông chủ doanh nghiệp. Khó khăn của các doanh nghiệp BOT không thể bằng khó khăn của doanh nghiệp vận tải. Khó khăn của doanh nghiệp bất động sản không thể bằng sự “tồn tại hay không tồn tại” của một bộ phân không nhỏ người dân và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Những người dân thực sự khó khăn, những doanh nghiệp thực sự khó khăn thường không có điều kiện phản ánh, hoặc họ tự hiểu rằng có kêu cũng không ai thấu, nên không kêu nữa, mặc dù không có dịch Covid-19 thì các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cũng đã mấp mé bờ vực phá sản rồi.
PV: - Trước đây, chúng ta đặt ra mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 và đến thời điểm này có thể khẳng định mục tiêu đó đã không hoàn thành. Bây giờ, Bộ KH-ĐT lại tham vọng tăng doanh nghiệp tư nhân vốn hóa tỷ USD. Phải chăng trong quản lý và điều hành chính sách, những con số và mục tiêu luôn được đặt ra để thực hiện, còn nội hàm, thực chất của các mục tiêu đó lại chưa được quan tâm đúng mức, thưa ông? Nếu tiếp tục cách tư duy này, liệu có kích thích được sự phát triển ổn định, thực chất của nền kinh tế?
TS Bùi Trinh: - Ngay như bây giờ, chỉ có 85% doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, còn 15% đăng ký xong không làm gì. Trong số đó, như đề cập ở trên, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ suốt từ 2011-2018 luôn thua lỗ, và tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp loại này có xu hướng tăng lên.
Phải nhìn vào thực tế này, và phải xác định rằng thành phần kinh tế nào đóng góp vào GDP lớn nhất? Đó là kinh tế cá thể, bao gồm các hộ kinh doanh cá thể, xe ôm, những người bán hàng rong…
Hơn 15 năm qua, kinh tế cá thể vẫn là thành phần đóng góp lớn nhất cho GDP, nền kinh tế đất nước đã và đang nương tựa vào thành phần kinh tế này. Tuy nhiên, đây lại là thành phần dễ bị tổn thương nhất và bị thiệt thòi nhất, trong khi lẽ ra đây phải là khu vực cần chú ý nhất.
PV: - Muốn đẩy mạnh phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, bền vững, theo ông, chúng ta có cần đặt nặng con số bao nhiêu doanh nghiệp tư nhân có giá trị vốn hóa lớn? Thay vào đó, cần phải làm gì và chú trọng đến lực lượng doanh nghiệp nào?
TS Bùi Trinh: - Không cần đặt ra những con số này, vấn đề hiện nay, theo Sách trắng doanh nghiệp, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của doanh nghiệp tư nhân là 2,5%. Nếu Bộ KH-ĐT đặt mục tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn của doanh nghiệp tư nhân cao hơn lãi suất ngân hàng thì mới thực sự là mục tiêu cần có.
Còn bây giờ, nhìn vào số liệu này có thể thấy hai khả năng: một là, nếu con số trên là đúng thì nền kinh tế đang ốm yếu; hai là, con số trên được khai gian để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Về nguyên tắc, thuế là sự phân phối lại của Nhà nước cho người dân, nếu doanh nghiệp trốn thuế trót lọt thì Nhà nước và người dân không được gì, khi ấy, dẫu có đặt mục tiêu vốn hóa của doanh nghiệp bao nhiêu tỷ đô thì cũng vô nghĩa.
GDP chỉ mang tính ngắn hạn và tức thời, hơn 15 năm qua kinh tế cá thể đóng góp vào GDP nhiều nhất. Nhưng trong tương lai, một nền kinh tế không thể trông chờ vào các hộ kinh tế cá thể manh mún như thế được.
Trong tương lai, hệ thống doanh nghiệp tư nhân trong nước phải đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế, thế nhưng tương lai ấy là bao lâu nữa, 5-10 năm, thậm chí lâu hơn thì không ai biết.
Cũng cần lưu ý rằng, thành phần kinh tế hiện được phân chia gồm: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cách phân chia như vậy cũng thiếu thực tế, bởi doanh nghiệp tư nhân trong nước có lẫn vốn đầu tư nước ngoài ở trong đó và dù đã lẫn như vậy thì đóng góp của khối này vào tăng trưởng kinh tế cũng chưa đến 10%.
FDI góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp trong nước, khi doanh nghiệp có lời thì FDI được chia cổ tức theo vốn đóng góp, sau đó FDI chuyển tiền về nước họ. Thế nên, lợi nhuận của khu vực FDI tương đương với số chi trả sở hữu ra nước ngoài, họ làm bao nhiêu chuyển hết về nước, trong khi Nhà nước Việt Nam không thu được thuế, vậy tại sao cần khuyến khích đổ vốn vào để làm gì?