Thanh khoản tăng đột biến, ‘cổ đất’ bất ngờ bị bán mạnh

Giá cổ phiếu và thanh khoản thị trường trong phiên 20/9 chịu ảnh hưởng mạnh từ động thái tái cơ cấu danh mục đầu tư của một số quỹ ETF.

Không dâng lên từ từ theo đà tăng của chỉ số chứng khoán, thanh khoản trên thị trường gần đây diễn biến khá thất thường. Điển hình là phiên 20/9, giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE bất ngờ vượt mức 20.000 tỷ đồng, tăng tới gần 70% so với phiên liền trước.

Thanh khoản tăng vọt nhưng không có sự bùng nổ về điểm số, VN-Index “đổ đèo” trong phiên chiều. Cụ thể, hiệu ứng giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã khiến tâm lý nhà đầu tư hưng phấn trong phiên sáng 20/9 giúp cả thanh khoản và điểm số đều tăng mạnh, phần lớn thời gian duy trì quanh mức tăng 10 điểm. Tuy nhiên sang đến phiên chiều, VN-Index suy yếu dần và thậm chí trong phiên ATC có lúc bảng điện báo giảm tới gần 15 điểm do ảnh hưởng từ việc một số quý ETF tái cơ cấu danh mục, nhưng dần cần bằng để kết phiên tăng nhẹ 0,77 điểm.

Thanh khoản tăng đột biến, ‘cổ đất’ bất ngờ bị bán mạnh - Ảnh 1

Bị bán mạnh nhất là cổ phiếu bất động sản. Sắc đỏ ngập tràn nhóm này, dẫu vậy, mức giảm không quá mạnh mẽ. Các cổ phiếu giảm trên 1% có thể kể đến như: VIC, VPI, NLG, SIP, DXG, DXS.

Một nhóm ngành gây bất ngờ khác là ngân hàng. 3 cổ phiếu ngân hàng quốc doanh đều không ghi nhận sắc xanh, trong đó VCB và BID giảm lần lượt 0,98% và 0,41%, còn CTG đứng giá tham chiếu. Ngược lại, cổ phiếu các ngân hàng tư nhân lại giao dịch hết sức tích cực, với ACB tăng 3,43% cùng hàng loạt mã tăng trên 1% như TCB, VPB, MBB, LPB, STB.

Các ngành năng lượng, bán lẻ, chứng khoán, sản xuất diễn biến phân hoá, biến động trong biên độ hẹp.

Tuần này, khối ngoại mua ròng trong tất cả các phiên với tổng lượng mua ròng khoảng 1.600 tỷ đồng.

Việc khối ngoại quay trở lại mua ròng được kỳ vọng sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới, sau thời gian dài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam với khối lượng kỷ lục.

Kỳ vọng này được đảm bảo bởi 2 yếu tố. Thứ nhất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu cắt giảm lãi suất khiến dòng tiền dần tìm về các thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Thứ hai, phía Việt Nam cũng đã thông qua quy định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phiếu mà không yêu cầu phải ký quỹ đủ tiền, tạo điều kiện thuận lợi đón dòng vốn ngoại.

Thanh Long

Theo VietnamFinance