Thành phố là nơi 'giao thoa' của 7 kênh đào hơn 100 tuổi trở thành mũi nhọn kinh tế của tỉnh được mênh danh là ‘vựa lúa' Tây Nam Bộ

Với diện tích hơn 78km2, thành phố này được xem là trung tâm kinh tế ở phía Đông Bắc của tỉnh.

TP. Ngã Bảy nằm ở phía Tây sông Hậu, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với diện tích hơn 78km2, thành phố được xem là trung tâm kinh tế ở phía Đông Bắc của tỉnh Hậu Giang. Thành phố cách TP. Sóc Trăng khoảng 30km và cách TP. Vị Thanh - trung tâm hành chính của tỉnh Hậu Giang khoảng 60km theo đường Quốc lộ.

Thành phố trẻ này có vị trí địa lý rất đặc biệt vì đây là nơi gặp nhau của bảy dòng kênh lớn: Cái Côn, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Lái Hiếu, Mang Cá, Mương Lộ, Xẻo Dong và Xẻo Môn. Bảy dòng kênh này tạo thành một mạng lưới giao thông đường thủy quan trọng, kết nối các tỉnh thành trong khu vực.

Theo các nhà nghiên cứu Nhâm Hùng và Sơn Nam, để khai phá cánh đồng lau sậy rộng lớn ở Ngã Bảy, Phụng Hiệp, người Pháp đã tiến hành đào kênh từ cuối thế kỷ XIX. Quá trình này kéo dài hơn 30 năm, tạo ra bảy ngã kênh với tổng chiều dài khoảng 350km.

Vị trí TP. Ngã Bảy  
Vị trí TP. Ngã Bảy  

Đầu tiên là Kênh Mương Lộ nối từ Ngã Bảy tới TP. Sóc Trăng, dài khoảng 25 km, được đào từ năm 1901 đến 1905. Tên gọi Mương Lộ xuất phát từ việc đất đào kênh được dùng để đắp quốc lộ (nay là Quốc lộ 1 đoạn Ngã Bảy - Sóc Trăng).

Thứ hai, Kênh Mang Cá nối Ngã Bảy với chợ Kế Sách, dài khoảng 18km. Tên gọi Mang Cá liên quan đến đặc điểm địa hình của cầu Phụng Hiệp.

Thứ ba, Kênh Cái Côn dài khoảng 15km, xẻ thẳng từ sông Hậu vào nội đồng, giúp đưa nước vào những cánh đồng và rửa phèn vào mùa mưa. Đây là kênh rộng nhất trong bảy kênh, với chiều rộng trung bình khoảng 120m.

Thứ tư, Kênh Xẻo Dong hướng về Cần Thơ, được đào để đắp cho đường quốc lộ đoạn Ngã Bảy - Cần Thơ, vào năm 1908. Tên Xẻo Dong xuất phát từ cây dong mọc nhiều ở khu vực này.

Thứ năm, Kênh Xẻo Môn dài 12km, mở rộng từ một con rạch nhỏ thông vào nội đồng, với điểm cuối là chợ Hòa Mỹ ở huyện Phụng Hiệp.

Thứ sau, Kênh Lái Hiếu dài 25km, kết nối Ngã Bảy với Cây Dương, Long Mỹ và nối vào một nhánh của sông Cái Lớn. Kênh được đào vào năm 1906 và đặt tên theo một người lái buôn tên Hiếu.

Kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp kết nối Ngã Bảy - Phụng Hiệp với TP. Cà Mau, dài 140km, đi qua bốn tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Trong số bảy dòng kênh này, kênh Cái Côn, Lái Hiếu và Quản Lộ - Phụng Hiệp là quan trọng nhất.

Được biết, khi cụm kênh Ngã Bảy hoàn thành vào khoảng năm 1915, tuyến đường thủy thông thương, ghe tàu từ các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Rạch Giá, Vĩnh Long qua lại ngày càng nhiều. Người dân chở nông sản, thủy sản, rau củ và trái cây tụ tập tại vùng này để trao đổi, buôn bán, từ đó hình thành chợ nổi Ngã Bảy.

Với diện tích hơn 78km2, TP. Ngã Bảy được xem là trung tâm kinh tế ở phía Đông Bắc của tỉnh Hậu Giang (nguồn ảnh: VnExpress)  
Với diện tích hơn 78km2, TP. Ngã Bảy được xem là trung tâm kinh tế ở phía Đông Bắc của tỉnh Hậu Giang (nguồn ảnh: VnExpress)  

Vào năm 2020, thị xã Ngã Bảy được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Hậu Giang.

TP. Ngã Bảy hiện nay có bốn phường và hai xã, trong đó trung tâm là phường Ngã Bảy. Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, Ngã Bảy được kỳ vọng trở thành mũi nhọn kinh tế của tỉnh Hậu Giang nhờ vị trí địa lý thuận lợi và khả năng kết nối giao thông, giao thương trên cả đường thủy và đường bộ.

Theo kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông của Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Ngã Bảy sẽ hưởng lợi lớn khi gần ba tuyến cao tốc: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Sóc Trăng và Hà Tiên - Bạc Liêu.

Hạ tầng của TP. Ngã Bảy được đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị ngày càng khang trang và hiện đại. Thương mại và dịch vụ trở thành ngành kinh tế chủ lực, chiếm khoảng 43% cơ cấu kinh tế, với sự chuyển dịch mạnh mẽ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, TP. Ngã Bảy đón 27.219 lượt khách tham quan, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2023, doanh thu du lịch đạt 14.153 tỷ đồng, tăng 438% so với cùng kỳ năm trước.

Với vị trí địa lý đặc biệt và hạ tầng giao thông phát triển, TP. Ngã Bảy là điểm kết nối quan trọng của tiểu vùng Tây sông Hậu, đồng thời là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh Hậu Giang trực thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gồm 2 thành phố, 5 huyện và 1 thị xã. Hậu Giang hiện là một trong những khu vực đang được nhà nước đầu tư mạnh mẽ về du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang còn được mệnh danh là trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ.

Quốc Chiến

Theo Chất lượng và Cuộc sống